Chủ tịch ngân hàng MB Lê Hữu Đức nhìn nhận ra sao về tác động của Covid-19
Trong báo cáo thường niên năm 2019 vừa được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố, Thượng tướng Lê Hữu Đức – Chủ tịch HĐQT ngân hàng Quân đội (MB) đã gửi "tâm thư" tới các cổ đông, đối tác và khách hàng của nhà băng này trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp.
Thông điệp của Chủ tịch MB đề cập, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung năm 2020 đứng trước nhiều thách thức đến từ dịch cúm do chủng virus SARS-CoV 19 gây ra.
Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, diễn biến dịch cúm Covid-19 không lường trước được này có tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có kinh tế Việt Nam.
Vị Chủ tịch ngân hàng này dẫn chứng, theo dự báo của Bloomberg, với kịch bản xấu nhất GDP toàn cầu năm 2020 có thể mất 2.700 tỷ, tương đương với GDP của Anh. Theo Moody's thì GDP toàn cầu (không tính TQ) có thể giảm 0,3% từ 2,8% xuống 2,5%.
Đối với kinh tế Việt Nam theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, GDP Việt Nam có thể giảm 0,55% - 0,84% xuống mốc 5,96% - 6,25% tùy theo từng kịch bản.
Trong đó, các ngành chịu tác động mạnh bao gồm du lịch, hàng không, lưu trú, dịch vụ, nông thủy sản xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hàng loạt các doanh nghiệp sẽ phá sản nếu dịch tiếp tục kéo dài. Đây là thách thức rất lớn với các mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam và ngành ngân hàng, đặc biệt là khả năng tăng trưởng và chất lượng tài sản và nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Đối với MB, năm 2020 là năm bản lề quan trọng để MB phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chiến lược 2017 – 2021 đã nêu ra vào năm 2021. Hội đồng quản trị đã đặt ra phương châm năm 2020 của MB là "Củng cố nền tảng và chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững", trong đó, MB đặt "Ngân hàng số" là một mục tiêu, chuyển dịch chiến lược tiên quyết cho Chiến lược giai đoạn hiện nay. Đồng thời, MB tiếp tục giữ vững tôn chỉ "Thượng tôn pháp luật" cùng với mục tiêu "Duy trì Top 5 về chất lượng hoạt động, hiệu quả; Dẫn đầu về ứng dụng số".
"Các mục tiêu này thực sự là thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái vì dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành MB quyết tâm nỗ lực, tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh khó khăn để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra", Chủ tịch MB Lê Hữu Đức nhấn mạnh.
Báo cáo của Ban điều hành MB thì cho hay, dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt thấp (10% - 12%).
"Các ngân hàng thương mại cần tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và trích lập dự phòng để đối phó với các kịch bản xấu", Ban điều hành MB khuyến cáo.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Ban điều hành MB cho biết trước mắt sẽ ưu tiên triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó đại dịch Covid-19 đảm bảo kinh doanh liên tục, an toàn cho khách hàng, nhân viên và các cơ sở kinh doanh.
Cùng với đó, bám sát chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng nhà nước để cung cấp các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, các chính sách hỗ trợ khách hàng. Thêm vào đó, đánh giá danh mục khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, phối hợp cùng khách hàng cơ cấu gia hạn thời hạn trả nợ, chính sách miễn giảm lãi suất, phí hợp lý giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
MB đặt mục tiêu quản lý tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đồng thời ứng dụng mô hình trong quản trị rủi ro, mô hình hóa xếp hạng tín dụng, xác suất vỡ nợ (PD), mô hình ước lượng tỷ lệ tổn thất dự kiến (LGD), giá trị chịu rủi ro khi vỡ nợ (EAD)... để tăng tốc độ xử lý hồ sơ khách hàng, quản lý rủi ro hiệu quả.
Trong bối cảnh khó khăn, Ban điều hành MB cho biết sẽ tiết giảm chi phí và tiết kiệm chi phí hoạt động, các khoản chi chưa cấp thiết.
Kết thúc năm 2019, tổng tài sản hợp nhất của MB đạt 411.488 tỷ đồng; vốn điều lệ đạt hơn 23.727 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của tập đoàn đạt 10.036 tỷ đồng - là năm đầu tiên MB gia nhập nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10 nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.
Đồng thời, nợ xấu kiểm soát dưới 1,2%, ROE ước đạt 21,8%.
Trong năm 2019, MB đã hoàn thành chương trình tăng vốn đợt 1 do Đại hội đồng cổ đông phê duyệt theo đúng kế hoạch.
Đáng chú ý, các công ty thành viên của MB năm 2019 đã bứt phá về lợi nhuận, đạt hơn 1.100 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2018, qua đó đóng góp 11% lợi nhuận toàn tập đoàn.
Một số công ty là những điển hình kinh doanh tốt trong toàn ngành như: Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (MBAL) đạt lợi nhuận gần 200 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư (MBCapital) đứng thứ 2 toàn ngành về lợi nhuận và là công ty có mức ROE và Năng suất lao động cao nhất trong ngành…