Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành: Tài chính Vietcombank rất vững chắc

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 26/06/2020 13:13 PM (GMT+7)
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) nhấn mạnh, trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu đi thì Vietcombank cũng phải “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, an toàn phải đi cùng với hiệu quả, bền vững, trách nhiệm.
Bình luận 0
Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành: Tài chính Vietcombank rất vững chắc - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 Vietcombank

Sau năm 2019 lợi nhuận cao kỷ lục, Vietcombank muốn "hạ cánh mềm"

Báo cáo tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) sáng nay 26/6 của Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2019 Vietcombank đã hoàn thành trước hạn kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng đến 2020 được NHNN phê duyệt.

Trong hoạt động, ngân hàng cũng hoàn thành phần lớn các kế hoạch, chỉ tiêu do cổ đông giao. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng 13,8% so với năm 2018 và vượt 1,6% kế hoạch; huy động vốn tăng 15,9% và vượt 2,1% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế tăng 26,6% - vượt 15,6% kế hoạch và đạt cao kỷ lục, dẫn đầu ngành ngân hàng với hơn 23.122 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD).

Duy chỉ có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là còn "thiếu chút ít" so với kế hoạch khi đạt 15,9% (kế hoạch tăng 16%).

Các chỉ số khác như chi phí lương trên lợi nhuận; mở rộng mạng lưới và tăng nhân sự đều nằm trong kế hoạch. Năng suất lao động của cán bộ nhân viên được cải thiện, lợi nhuận bình quân 1,681 tỷ đồng/người, vượt 12% kế hoạch.

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức chỉ 0,78% - so với kế hoạch dưới 1% được cổ đông giao. Đáng chú ý, quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.417 tỷ đồng giúp tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt 179% - mức cao nhất từ trước đến nay.

Báo cáo về hoạt động của Vietcombank cũng như Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh tới mục tiêu, phương châm của ngân hàng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Vietcombank, chu kỳ suy thoái kinh tế 10 năm toàn cầu đã xảy ra và Việt Nam cũng khó tránh khỏi. Do đó, mục tiêu quan trọng năm 2020 của Vietcombank là hạn chế thiệt hại, hoạt động an toàn, đưa Vietcombank "hạ cánh mềm" (giảm các chỉ tiêu kinh doanh).

Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản 7%, dư nợ tín dụng tăng 10% - mức cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Mức tăng trưởng tín dụng này thấp hơn năm 2019 của Vietcombank nhưng theo ông Thành là phù hợp với định hướng tăng tín dụng toàn ngành của Ngân hàng nhà nước (10%).

Huy động vốn sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn (dự kiến tăng 8%). Tỷ lệ chi trả cổ tức đảm bảo ở mức 8%, tương tự như năm 2019.

Đối với mục tiêu lợi nhuận, theo Chủ tịch Vietcombank, ngân hàng trình ĐHCĐ giao HĐQT Vietcombank thực hiện theo kế hoạch tài chính năm 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và định hướng chỉ đạo của NHNN.

"Trong giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu đi thì Vietcombank cũng phải hạ cánh mềm. Tuy nhiên, an toàn phải đi cùng với hiệu quả, bền vững, trách nhiệm. Đặc biệt phải đổi mới, sáng tạo tăng sức cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt", ông Thành nhấn mạnh.

Trong năm 2020, Vietcombank hướng tới 4 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh đó là: Giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững; Tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; Cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, cung cấp các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới...

Tăng trưởng tín dụng cao hơn toàn ngành, tài chính rất vững chắc.

Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành: Tài chính Vietcombank rất vững chắc - Ảnh 3.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Vietcombank

Báo cáo cập nhật về tình hình kinh doanh của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết: Tính đến ngày 25/6, huy động vốn tăng 3,4%, tín dụng cũng tăng 3,4% so với cuối năm. Dự kiến lợi nhuận 6 tháng ngót nghét mức cùng kỳ 2019,

"Huy động vốn đang xấp xỉ tốc độ toàn ngành, trong khi tín dụng cao hơn mức tăng bình quân của toàn ngành ngân hàng và cũng mức tăng trưởng tín dụng tương đối cao so với các ngân hàng thương mại nhà nước khác. Đây là tín hiệu khả quan trong bối cảnh hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, trong khi nợ xấu chỉ ở khoảng 0,8%, tăng nhẹ so với mức 0,78% hồi đầu năm", ông Dũng thông tin.

Liên quan đến vấn đề về nợ xấu, cổ đông đặt câu hỏi, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank hiện nay chỉ trên 0,8%, Vietcombank trích lập dự phòng bao nợ xấu cao có đúng với TT02 của NHNN không? Trả lời câu hỏi của cổ đông, Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành thông tin, dự phòng phải trích của Vietcombank hiện là 12.400 tỷ. Trong đó, có 50% cho dự phòng chung và 50% cho dự phòng cụ thể.

Với dự phòng cụ thể, theo quy định tại Thông tư của NHNN và Bộ Tài chính, là trích lập cho các khoản nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5. Hiện nay, quỹ dự phòng nợ xấu của Vietcombank đã lên tới 16.700 tỷ như vậy dư ra 4.300 tỷ. Tuy nhiên, đây là thời điểm trong năm tài chính do vậy việc trích lập dự phòng có dư trong thời điểm năm tài chính. Đến cuối năm, theo quy định số dư phòng phải trích và số dự phòng trích phải cân nhau.

"Theo báo cáo với các cổ đông, hiện tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank chỉ khoảng 0,82% nhưng với diễn biến của dịch Covid-19, Vietcombank dự kiến nợ xấu lên tới 1,5%. Việc trích lập dự phòng dư ra như hiện nay không trái quy định bởi Vietcombank sẽ thực hiện kết chuyển vào 31/12 của năm tài chính. Hiện nay chỉ là mức tạm trích. Tuy nhiên, qua đó cho thấy, tài chính của Vietcombank rất vững chắc, chúng ta đã dự phòng cho cả các khoản nợ xấu phát sinh cho tương lai", Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành nhấn manh.

Giảm tiền thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát

Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, trong năm 2019 ĐHĐCĐ đã phê duyệt mức thù lao cho HĐQT và BKS là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm vừa qua, thù lao theo con số được phê duyệt tương đương với hơn 64 tỷ đồng.

Trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng những chỉ tiêu kinh doanh được trình cổ đông tại đại hội và tham khảo các mức chi thù lao cho HĐQT và BKS ở các ngân hàng khác, Vietcombank dự định giảm mức thù lao cho HĐQT và BKS xuống mức tối đa là 0,28% lợi nhuận sau thuế.

Như vậy giả sử Vietcombank có lợi nhuận tương đương năm 2019 thì thù lao năm nay sẽ giảm xuống khoảng 48 tỷ đồng, thay vì mức 64 tỷ đồng của năm ngoái.

Được biết HĐQT Vietcombank hiện có 9 người, ông Nghiêm Xuân Thành là chủ tịch; Ban kiểm soát (sau khi bầu bổ sung ông Lê Hữu Phước) có 4 người trong đó bà Trương Lệ Hiền là trưởng BKS.

Về chi phí cho nhân viên, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện Vietcombank nằm trong nhóm chi trả thu nhập cao cho cán bộ nhân viên, là một trong các ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng chủ trương của ngân hàng là không cắt giảm lương của người lao động, nếu cắt giảm thì sẽ giảm của lãnh đạo.

Vietcombank cũng dự kiến sẽ tăng 12% quy mô nhân sự và tăng thêm 5 chi nhánh trong năm 2020. Cuối năm 2019, ngân hàng có 18.948 nhân viên, do vậy, Vietcombank sẽ tuyển dụng thêm hơn 2.200 nhân viên trong năm nay. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem