Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Tầm nhìn 2045, TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á

Lương Kết (lược ghi) Thứ hai, ngày 25/01/2021 19:21 PM (GMT+7)
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM đã xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương.
Bình luận 0

Nhân sự kiện Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh vấn đề phát triển của TP.HCM, đầu tàu kinh tế của đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Tầm nhìn 2045, TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM (ảnh IT).

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: Nhìn lại nhiệm kỳ qua (2015 - 2020), TP.HCM tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước (tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước,…) và đóng góp nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý kinh tế - xã hội của đất nước.

Vẫn theo ông Phong, trên cơ sở định hướng của Trung ương, cụ thể là kết luận của Bộ Chính trị tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy góp ý văn kiện Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố, cùng với nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là: 

Đến năm 2025: Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

"Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 5 lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên,…", Chủ tịch UBND TP.HCM nói vào cho biết thêm, để thực hiện mục tiêu Thành phố sẽ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, cụ thể:

Một là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế Thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. 

Hai là, Thành phố phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững.

Ba là, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bốn là, luôn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; thực hiện tốt chủ trương kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh; xử lý có hiệu quả các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh chính trị, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn.

Năm là, tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên tinh thần chủ động và sáng tạo, phù hợp với đặc điểm và tình hình thành phố, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, phát huy hiệu quả nguồn kiều hối cho sự phát triển toàn diện của Thành phố.

Sáu là, đổi mới quản lý TP.HCM; tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội giai đoạn 2017 - 2022, đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Đặc biệt, trên cơ sở 3 đột phá chiến lược theo dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Thành phố vận dụng sáng tạo để xây dựng 3 chương trình đột phá, đồng thời đề ra 1 chương trình trọng điểm với tổng số 51 đề án, nội dung thành phần phù hợp với thực tiễn, là nhiệm vụ thường xuyên, cũng là lâu dài để tạo tiền đề vững chắc phát triển Thành phố…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem