Chủ tịch Quốc hội: Bảo hiểm nông nghiệp như bệ đỡ giúp dân yên tâm sản xuất sau dịch bệnh

Trần Quang Thứ hai, ngày 25/10/2021 21:46 PM (GMT+7)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mặc dù bảo hiểm nông nghiệp rất khó triển khai, nhưng không thể không làm. Bởi về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn vì có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.
Bình luận 0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bảo hiểm nông nghiệp là rất khó nhưng không thể không làm - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh bảo hiểm vi mô trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Ảnh: TQ

Thảo luận tại tổ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào ngày 25/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh về bảo hiểm vi mô trong bảo hiểm phi nhân thọ cần chú ý đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nước ta là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai gây thiệt hại đến cây trồng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. 

Tuy nhiên, hiện nay, thiệt hại do thiên tai còn nặng về hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ hoạt động thiện nguyện trong nhân dân. Trong khi đó, bù đắp cho thiệt hại này từ sản phẩm bảo hiểm còn chưa đáp ứng, thậm chí sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp gần như chưa có. 

Đối với bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi đã triển khai làm thí điểm theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, tuy vậy trên thực tế triển khai rất khó khăn. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời kỳ triển khai thí điểm sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp này lại diễn ra đúng thời kỳ rủi ro khi có dịch bệnh ở tôm thẻ chân trắng, khi áp dụng mô hình này đã không đủ sức để đền bù cho thiệt hại của dịch bệnh trên. Từ đó việc triển khai thí điểm không phát triển mà lụi dần đi. 

Hơn nữa, việc triển khai  bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian qua mới chủ yếu tập trung vào hộ gia đình kinh doanh nông nghiệp với sự hỗ trợ đóng góp của Nhà nước mà chưa đạt được mục tiêu doanh nghiệp khi tham gia sản xuất nông nghiệp phải tham gia bảo hiểm. 

Các nông trại, trang trại lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia bảo hiểm chưa nhiều.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, mặc dù dự thảo Luật đã có tiếp thu nhưng nội dung về sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp là chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển thị trường này trong thời gian tới.

"Khi có thiệt hại do thiên tai, bão, lũ bên cạnh phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, là một phần hỗ trợ bắt buộc, trách nhiệm của Nhà nước, thì cần chuyển hướng bù đắp thiệt hại chủ yếu bằng các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp rất khó triển khai, khó trong tính toán phí bảo hiểm nhưng không thể không làm.

Bởi về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại của các lĩnh vực này bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn vì có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Bảo hiểm nông nghiệp là rất khó nhưng không thể không làm - Ảnh 2.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào ngày 25/10. Ảnh: TQ

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, dân mình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản rất vất vả, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, trong đó có cả bảo hiểm tài sản, kể cả bảo hiểm liên quan đến thời tiết thì cũng cần được tính toán đến.

"Dự thảo Luật không thể quy định hết mọi nội dung nhưng cần quy định những vấn đề căn bản nhất để Chính phủ có hướng dẫn chi tiết, tiếp tục hoàn thiện Nghị định hướng dẫn về bảo hiểm nông nghiệp", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) đề nghị cần quan tâm hơn tới chính sách bảo hiểm nông nghiệp. 

Theo đại biểu Bảo, trong thời gian qua, nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã có nhiều chính sách để tập trung phát triển. 

Tuy nhiên, qua giám sát của Quốc hội cho thấy còn nhiều vướng mắc khiến năng suất lao động ở khu vực nông thôn chưa được cải thiện, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp cũng như cao, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn. 

"Do vậy, ở góc độ bảo hiểm, chúng ta cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm trong nông nghiệp để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, nhất là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...", đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh.

Tại thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải có quy định một cách mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm đánh bắt hải sản, thiên tai tại dự thảo Luật…

Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật thiết kế quy định về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô là vô cùng cần thiết. 

Đây là loại hình bảo hiểm hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và có nhiều đặc thù khác với bảo hiểm thương mại thông thường. 

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, cần cân nhắc có quy định rõ về loại hình bảo hiểm này trong dự thảo luật.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem