Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh: Phải bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê xong mới chia cổ tức

Quốc Hải Thứ ba, ngày 25/04/2023 13:39 PM (GMT+7)
Lý giải nguyên nhân Sacombank chưa thể chia cổ tức trong năm nay, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, còn điều kiện duy nhất là phải bán đấu giá xong cổ phiếu của ông Trầm Bê vào cuối năm 2023 mới có thể chia cổ tức cho cổ đông.
Bình luận 0

Sau 8 năm liên tiếp không chia cổ tức, trả lời chất vấn của cổ đông tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2022 diễn ra sáng nay (25/4), ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank nhấn mạnh, Sacombank cơ bản đã xử lý xong nợ xấu, nhưng vẫn còn điều kiện duy nhất là đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh: Phải bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê xong mới chia cổ tức - Ảnh 1.

Theo Chủ tịch Sacombank, phải bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê xong mới chia cổ tức cho cổ đông. Ảnh: Quốc Hải

Vẫn chưa đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định

Theo ông Minh, Sacombank đã trình vấn đề đấu giá cổ phần của ông Trầm Bê và bên liên quan lên Ngân hàng Nhà nước để xin phép triển khai bán đấu giá vào cuối năm nay.

"Ban điều hành sẽ phấn đấu trong năm 2023 sẽ giải quyết xong vấn đề đấu giá lượng cổ phiếu trên. Khi hoàn thành tái cơ cấu theo lộ trình mới có thể tiến hành chia cổ tức cho cổ đông", ông Minh nói thêm.

Cũng theo Chủ tịch Sacombank: "Tôi là cổ đông lớn nhất và có tâm trạng giống các cổ đông khác, cũng muốn được chia cổ tức chứ không phải ngâm mãi. Nhưng cũng phải chờ vì ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu".

Người đứng đầu Sacombank cũng kỳ vọng năm 2023 sẽ là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và ban điều hành sang năm tiếp theo sẽ không còn phải nghe cổ đông chất vấn và bức xúc về việc chia cổ tức.

Chia sẻ về kết quả điều hành kinh doanh trong năm 2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trong năm qua Sacombank thu hồi xử lý 15.886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó có 12.010 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4,3%.

Đặc biệt, ngân hàng hoàn tất xử lý toàn bộ 21.576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc đề án và trích lập dự phòng theo quy định. Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22.742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh: Phải bán đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê xong mới chia cổ tức - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại Sacombank.

Tính đến cuối năm 2022, lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3.741 tỷ đồng. Cộng với 8.930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank còn 12.672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Tại đại hội, Sacombank cũng trình cổ đông phương án sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ với số tiền 12.672 tỷ đồng.

Về kế hoạch cho năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng 11% lên mức 657.800 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 574.600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491.600 tỷ đồng, tăng 12%.

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được đề ra cho cả năm là 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Sacombank dự kiến trích 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% sau trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ cho quỹ dự phòng tài chính, 7% cho quỹ khen thưởng và 7% cho quỹ phúc lợi.

Quý I/2023, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 2.383 tỷ đồng, tăng trưởng 50%

Tại đại hội, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank tiết lộ, kết thúc quý I/2023, Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 2.383 tỷ đồng, tăng trưởng 50% và đạt 25% kế hoạch năm.

Sacombank cũng đã trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC là 2.213 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng hết quý I đạt trên 2%. Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của Sacombank đến hết quý vừa qua là 4.226 tỷ đồng, so với năm trước đang giảm 1.255 tỷ đồng.

Một số cổ đông cũng góp ý với lãnh đạo Sacombank nên cân nhắc về hợp đồng vay vốn của Sacombank thường đi kèm với hợp đồng bảo hiểm, việc này có thể sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng. Đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực bảo hiểm theo kiểu "bia kèm lạc" thời gian qua gây tác động tiêu cực khá nhiều.

Trả lời vấn đề này của cổ đông, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank khẳng định, ngân hàng không có chủ trương và không chỉ đạo hay áp đặt khách hàng khi vay vốn phải mua hợp đồng bảo hiểm.

"Các nhân viên đều phải tư vấn chuyên nghiệp, rõ ràng cho khách hàng hiểu rõ quyền lợi cũng như chi phí họ phải bỏ ra khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Việc kiểm soát rủi ro của các hợp đồng bảo hiểm cũng được ngân hàng thực hiện chặt chẽ", bà Diễm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem