Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn: "Nhìn thanh niên khăn gói đi, tôi cũng tâm tư lắm..."

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 10/03/2021 18:56 PM (GMT+7)
"Là một lãnh đạo tỉnh, sau thời gian nghỉ Tết, tôi thấy thanh niên của tỉnh mình phải khăn gói đi các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên làm công nhân ở các khu công nghiệp, nói thật tôi cũng tâm tư lắm..." - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Mới đây, Dân Việt đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện với ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về những giải pháp mà tỉnh đang và sẽ triển khai để vừa thực hiện sứ mệnh là bảo vệ biên cương Tổ quốc vừa phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh.

Hướng đi mới cho nông sản xứ Lạng

Mở đầu câu chuyện với Dân Việt, ông Hồ Tiến Thiệu chia sẻ, Lạng Sơn là tỉnh miền núi có 80% dân số là nông dân với nhiều dân tộc khác nhau.

Tỉnh Lạng Sơn có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với vùng nguyên liệu hồi ở huyện Văn Quan, quýt Bắc Sơn nhưng do lịch sử hình thành phát triển và thói quen canh tác từ lâu đời của bà con, chủ yếu là tự cung tự cấp chứ chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.

Mới đây, có một tin vui cho nông dân Lạng Sơn là đã tìm ra hướng phát triển mới, đó là thâm canh cây thạch đen sau khi Trung Quốc và Việt Nam chính thức ký nghị định thư cho phép xuất khẩu chính ngạch nông sản này sang Trung Quốc.

Thạch đen cũng là sản phẩm nông sản thứ 10 của Việt Nam được Trung Quốc đồng ý đưa vào danh mục xuất khẩu trực tiếp và chính ngạch. 

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 2.000 ha thạch đen, chủ yếu ở huyện Tràng Định. Đây là một hướng đi mới của nông dân Lạng Sơn, giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, làm giàu cho chính mình.

Ngoài cây thạch đen, Lạng Sơn cũng đang chú ý phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch những sản phẩm từ cây hồi, chế biến hoa hồi thành tinh dầu để sản xuất dược liệu, sản xuất mỹ phẩm.

Sứ mệnh của Lạng Sơn bảo vệ biên cương và phát triển kinh tế. - Ảnh 1.

Nông dân Lạng Sơn chăm sóc cây thạch đen.

"Lạng Sơn cũng là tỉnh có độ che phủ rừng 61%, cao hơn bình quân chung cả nước. Đối với Lạng Sơn việc giữ và phát triển rừng là sứ mệnh bảo vệ biên cương và chúng tôi cũng phải quan tâm tới phát triển kinh tế rừng sao cho phù hợp để bà con có nguồn thu dưới tán rừng" - ông Thiệu chia sẻ.

Sứ mệnh bảo vệ biên giới

Không chỉ quan tâm đến tìm giải pháp phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng hết sức trăn trở đối với phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, bởi theo ông, phải làm công nghiệp mới có nguồn thu, kinh tế bà con mới có cơ hội phát triển hơn.

"Là một lãnh đạo tỉnh, sau thời gian nghỉ Tết, tôi thấy thanh niên của tỉnh mình phải khăn gói đi các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên làm công nhân ở các khu công nghiệp, nói thật tôi cũng tâm tư lắm chứ", ông Thiệu chia sẻ.

Cũng theo ông Thiệu, vì lí do địa lý nên Lạng Sơn chưa có điều kiện phát triển công nghiệp ở các huyện biên giới. Nhưng tỉnh đã xác định phải làm công nghiệp mới có nguồn thu ngân sách ổn định, đồng thời cũng thay đổi tập quán suy nghĩ sản xuất của người dân trong tỉnh. 

Vừa qua tỉnh đã thực hiện đề án xây dựng khu công nghiệp tại huyện Hữu Lũng với diện tích gần 600ha và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 Tỉnh cũng đã tìm được nhà đầu tư uy tín xứng tầm để hợp tác xây dựng và phát triển khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, hứa hẹn rất nhiều tiềm năng.

Lạng Sơn được thiên nhiên ưu đãi có khu du lịch Mẫu Sơn nằm ở địa bàn huyện Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn 30km, đây là điểm du lịch cấp quốc gia. 

Tỉnh cũng đã tìm được nhà đầu tư uy tín là Tập đoàn Sungroup, dự kiến trong năm 2021 sẽ khởi công những hạng mục du lịch để "thắp sáng" điểm du lịch này.

Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Lạng Sơn luôn quan tâm, chú trọng thực hiện sứ mệnh của mình. "Hiện nay trên tuyến biên giới Lạng Sơn có hàng nghìn người làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, đối với một tỉnh thu ngân sách còn hạn chế thì để duy trì một lực lượng như vậy rất tốn kém nhưng chúng tôi vẫn xác định tỉnh mình là một trong những lá chắn của cả nước, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. Tôi nghĩ đây cũng là điểm cộng để Trung ương xem xét có những đầu tư hợp lý hơn nữa đối với Lạng Sơn" - ông Thiệu nói.

Sứ mệnh của Lạng Sơn bảo vệ biên cương và phát triển kinh tế. - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu (bên trái) chia sẻ với nhà báo Phan Huy Hà - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt.

Tuy Lạng Sơn không có nhiều nông sản xuất khẩu, nhưng là cửa ngõ để các tỉnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, có những lần xe nông sản ùn ứ kéo dài hàng chục kilomet, tỉnh phải ngày đêm đàm phán với nước bạn để rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường thời gian làm việc, để làm sao giải phóng nông sản của bà con nông dân sớm nhất.

Lạng Sơn còn là điểm nóng mà các loại tội phạm ma túy xuyên biên giới hoạt động, có vụ bắt giữ đến 7,5 tấn tiền chất ma túy. Việc ngăn chặn tình trạng buôn bán và sử dụng tiền giả, vượt biên trái phép… trong những năm qua Lạng Sơn đã làm rất tốt.

"Lạng Sơn luôn mang một sứ mệnh là bảo vệ biên cương, nhưng chúng tôi cũng không quên nhiệm vụ phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Hướng tới kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi sẽ có một diện mạo mới nhờ thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế, chính trị của địa phương, xứng đáng với những tiềm năng mà chúng tôi đang nắm giữ" - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem