Chủ tịch Vietcombank "giải đáp" về kế hoạch tăng vốn khủng, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 21/04/2023 15:38 PM (GMT+7)
Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đồng thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023. Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình với tỷ lệ tán thành cao.
Bình luận 0

Theo đó, ĐHĐCĐ của Vietcombank đã thông qua mục tiêu chính cho giai đoạn 2023 - 2028 như sau: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.

Chủ tịch Vietcombank "giải đáp" về kế hoạch tăng vốn khủng, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém - Ảnh 1.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ Vietcombank sáng 21/4. (Ảnh: LT)

Tự tin đạt 43.000 tỷ đồng lợi nhuận, quý I đạt 11.200 tỷ đồng

Riêng năm 2023, lợi nhuận trước thuế theo định hướng được ĐHĐCĐ thông qua tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

Tự tin rằng, Vietcombank có thể hoàn thành và cố gắng vượt các mục tiêu kinh doanh đề ra, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ thêm với cổ đông: Năm 2023, dù gặp nhiều rất nhiều thách thức, nhưng kết quả kinh doanh quý I/2023 của Vietcombank tương đối khả quan.

Ông cho biết, tính đến 31/3/2023, tín dụng tăng trưởng 2,5%, trong khi đó huy động vốn tăng 3,2% - cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành. Đáng chú ý, NIM cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %.

Quý đầu năm nay, lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt 11.050 tỷ đồng, và 11.200 tỷ đồng sau hợp nhất. Kết quả này tăng trưởng 14% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch năm 2023 đại hội đã thông qua.

"Kế hoạch tăng trưởng đã được xây dựng rất kỹ lưỡng và hoàn toàn khả thi. Vietcombank sẽ cố gắng vượt kế hoạch đã đề ra", Chủ tịch Phạm Quang Dũng nói.

Về kế hoạch trích lập dự phòng, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết, năm 2023 này ngân hàng dự kiến trích lập 10.000 tỷ dự phòng rủi ro. 

Theo Chủ tịch Vietcombank, toàn bộ khoản cho vay được trích lập này đều có tài sản đảm bảo. Đến nay đã thu hồi một phần và hoàn nhập chỉ còn 5.800 tỷ đồng.

"Ban lãnh đạo tin tưởng rằng, các khoản dư nợ được trích lập dự phòng năm ngoái này không có rủi ro, hoàn toàn thu được vốn", ông Dũng đặc biệt nhấn mạnh.

Sẽ chia cổ tức 18,1% trong tháng 5/2023 và tiến hành nhiều kế hoạch tăng vốn khác

Đối với kế hoạch tăng vốn "khủng", trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội sáng nay, ông Phạm Quang Dũng cho biết, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn.

Thứ nhất, theo nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. 

Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này của Vietcombank. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này, theo Chủ tịch Vietcombank.

Hai là, phương án tăng vốn đã thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường mới đây (tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018). Mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.

Ba là, kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Ông Dũng cho hay, Vietcombank đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023 - 2024.

Chủ tịch Vietcombank "giải đáp" về kế hoạch tăng vốn khủng, nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank nêu rõ: Nội dung tăng vốn thứ nhất (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%) sẽ được triển khai các bước và thực hiện trong tháng 5/2023. 

Với nội dung tăng vốn thứ 2 là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.

Về nội dung phân phối lợi nhuận năm 2022, lãnh đạo ngân hàng cho biết, dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại là hơn 21.000 tỷ đồng.

Lộ trình nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém

Cũng tại ĐHĐCĐ, trả lời cổ đông ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Vietcombank cho biết, sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Hiện nay Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Đến nay phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém đã được trình và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Liệu đây là cơ hội hay là trách nhiệm chính trị đối với Vietcombank? 

Ông Dũng nói, đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định.

Cũng theo vị Chủ tịch Vietcombank, đây cũng là một cơ hội cho ngân hàng, với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Vietcombank động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới.

"Chúng tôi chưa đưa việc nhận chuyển giao bắt buộc này vào kế hoạch kinh doanh năm 2023, cũng như kế hoạch đến năm 2025. Khi nào nhận được chuyển giao chính thức mới đưa vào kế hoạch" - ông Dũng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem