Chú trọng giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội

Lê Sơn - Anh Thư Thứ năm, ngày 12/11/2020 09:40 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm mà một số đại biểu Quốc hội nêu ra khi phát biểu tại phiên họp toàn thể ngày 4/11, thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), trước những thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, vai trò của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác giáo dục hướng nghiệp của các trường phổ thông, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, vẫn còn nhiều bất cập như thiếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thiếu giáo viên chuyên trách, tư vấn hướng nghiệp; giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản... Trong khi đó, hoạt động tư vấn hướng nghiệp chủ yếu do nhà trường tự tổ chức hoặc phối hợp với các trung tâm giáo dục, dạy nghề, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tổ chức, chỉ diễn ra trong mùa tuyển sinh. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp chỉ có 9 tiết học/1 năm, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác giáo dục nghề nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn kiến nghị Bộ GDĐT cần có giải pháp khắc phục tình trạng bất cập, nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thông qua việc tích hợp các tiện ích của công nghệ thông tin và khai thác sự tham gia của cộng đồng xã hội, phát huy hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp.

Chú trọng giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo an sinh xã hội  - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu thảo luận. ảnh TTXVN

"Cần có một bộ chủ quản duy nhất chịu trách nhiệm để đảm bảo chất lượng của các cơ sở GDĐT nghề nghiệp, giáo dục đại học; quy hoạch đồng bộ mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học xuất sắc hiện nay" - đại biểu Sơn nêu rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình), báo cáo của Chính phủ về 6 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014 của Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy, giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đạt những con số ấn tượng, vượt mục tiêu Nghị quyết 76 đề ra. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,42%; ước tính trong năm 2020 còn khoảng 2,75% hộ nghèo.

Nhận định về kết quả giảm nghèo đến hết năm 2019 và dự báo đến cuối năm 2020 kết quả giảm nghèo chưa bền vững, có sự chênh lệch giữa các vùng miền, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề cập sự cần thiết của vấn đề đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo bà Dung, ở Việt Nam, các chính sách giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người nghèo, nhưng dường như chỉ tập trung vào giáo dục cơ bản hoặc đào tạo ngắn hạn. Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được công nhận rộng rãi là một công cụ thiết yếu để giảm nghèo. Đào tạo không chính thức có thể giúp giảm nghèo trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế đang hướng tới việc giúp người dân thoát nghèo bền vững, chính thức hóa việc làm phi chính thức, việc đào tạo ngắn hạn sẽ không đủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, giáo dục nghề nghiệp góp phần giúp các cá nhân và hộ gia đình thoát nghèo bền vững; đồng thời hỗ trợ quá trình chính thức hóa thị trường lao động, nâng cao khả năng tìm được việc làm cho người được đào tạo chính quy.

Đại biểu Dung nhấn mạnh, để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo nghề, việc làm là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo để phát huy tốt nhất vai trò của giáo dục nghề nghiệp, góp phần quan trọng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững trong giai đoạn tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem