Chưa dùng phương tiện này chưa phải sinh viên Sài Gòn

Hoàng Ba Đình Thứ tư, ngày 10/11/2021 07:58 AM (GMT+7)
Xe buýt đã bắt đầu được đi lại một vài tuyến. Còn sinh viên vẫn chưa được quay lại nhà trường. Người đi xe buýt đông, nhưng có lẽ đông nhất phải kể đến lực lượng sinh viên.
Bình luận 0

Một số bạn sinh viên có thể có nhà, có xe cá nhân... nhưng khi đi học ở những khu vực xa nhà vẫn lựa chọn xe buýt làm phương tiện chính. Dù không đi xe buýt thường xuyên, nhưng với một số nhóm bạn, mỗi khi đi chơi, không đủ xe riêng, cũng chọn xe buýt. 

Nói chung, kiểu gì xe buýt cũng nằm trong số phương tiện thường xuyên của sinh viên. Thậm chí có một số bạn còn thuộc được hầu hết các hành trình của từng tuyến xe buýt.

Chưa dùng phương tiện này chưa phải sinh viên Sài Gòn - Ảnh 1.

Xe buýt đã lưu thông trở lại. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Slogan của xe buýt Sài Gòn một thời từng là "nào ta cùng buýt". Nhưng với một số sinh viên mới nhập trường, "buýt" thế nào cũng là một vấn đề. Và khối người có trải nghiệm dở khóc dở cười với xe buýt khi mới từ tỉnh lên.

Anh Hoàng Sơn (An Giang) kể lại kinh nghiệm đi xe buýt khi mới tới bến xe miền Tây với hành lý lỉnh kỉnh. "Tôi ngồi ngay trạm, coi người ta đi như thế nào. Đầu tiên, thấy một chị nọ ngoắc xe hô to "Bảy Hiền, Bảy Hiền". Ông lơ đáp lại "Bảy Hiền lên xe". Tiếp đến một anh nọ hô rõ: "Phú Thọ, Phú Thọ", rồi cũng lên xe. Tôi đoán rằng muốn lên xe phải báo tên để người ta biết, đúng tên người ta mới cho lên.

Nhưng để chắc ăn, tôi chờ thêm xíu nữa. Đợi một chút, thấy một ông ra dáng đại ca, hô rằng "Năm Chuồng Chó"... À, chắc thứ Năm, mặt mày bặm trợn như vậy nên chắc tên "Chó" là do giới anh chị đặt cho. Vậy được rồi. Tôi thấy xe buýt trờ tới là liền nhào ra hô rõ lớn: "Hoàng Sơn, Hoàng Sơn...". Vừa hô xong, xe buýt thắng cái éc, rồi lao đi ngay lập tức. Nhớ tới giờ còn thấy quê.

Người ta gọi là gọi theo địa điểm muốn đến, chứ có phải xưng hô danh tính gì đâu. Tới lúc này, may sao được một bà chị hướng dẫn cách đi, mới tìm được đến trường để làm thủ tục nhập học".

Chưa dùng phương tiện này chưa phải sinh viên Sài Gòn - Ảnh 2.

Cảnh thường thấy trên một chuyến xe buýt. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Khổ nhất với sinh viên xa trường mỗi sáng, là phải dậy cực kỳ sớm để đón buýt đến trường. Có anh nhà ở Gò Vấp, học ở làng đại học Thủ Đức, phải dậy từ lúc 4h, 4h30 nhờ người nhà đưa ra bến xe An Sương, từ An Sương đón xe đến Đại học Nông Lâm. Đến đại học Nông Lâm tầm 6h15, cuốc bộ thêm tầm 20 phút nữa mới đến được trường. Ăn sáng, cà phê cà pháo xong vừa đến giờ vào lớp.

Đấy là đi một tuyến, còn tiện nhé, chứ phải đi nối tuyến còn xa xôi diệu vợi hơn nữa. Xui xẻo nhất mỗi khi vừa đến là xe đã chạy đi rồi. Lo lắng trong lòng mỗi khi sắp có bài kiểm tra mà buýt đến trễ vì kẹt xe.

Còn sung sướng? Phải nói là vừa đến đã có xe, lên xe có chỗ ngồi. Xí được chỗ nào cạnh một cô sinh viên xinh xắn, dễ thương nữa càng tốt, bắt chuyện làm quen được coi như trúng mánh. Liệu có mối tình sinh viên nào nhờ đi xe buýt chưa nhỉ? Chắc không hiếm.

Chưa dùng phương tiện này chưa phải sinh viên Sài Gòn - Ảnh 3.

Nhà chờ Bến Thành, nơi xuất phát của nhiều tuyến xe. Ảnh: Hoàng Ba Đình

Đến lúc về, cũng lặp lại hành trình buổi sáng, nhưng ác liệt hơn. Bởi khi đi học có thể đi học rải rác. Chứ tan trường là ra cùng lúc, kèm theo đó là người đi làm cũng tan sở... Cạnh tranh chỗ ngồi hết sức quyết liệt, xí được một chỗ là ngồi khư khư. Nhưng cũng may, hầu như chưa thấy trường hợp sinh viên nào thiếu ý thức đến nỗi không biết nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ bế trẻ em.

Anh Tùng Phương (quận 4) kể: "Có bữa nhường chỗ cho chị kia, mà chị ấy cứ lắc tay từ chối hoài. Té ra chị ta chỉ hơi tròn trịa, làm tôi tưởng có bầu. Nhưng thôi, dù gì cũng là phụ nữ, mình đàn ông nhường cũng đâu có sai".

Thời hơn chục năm trước, xe buýt còn phát hành thẻ và tem để đi xe buýt. Theo đó, sẽ có thẻ một tuyến, thẻ hai tuyến hoặc thẻ liên tuyến. Cứ đeo thẻ vào có thể đi theo lộ trình đã định sẵn. 

Có anh nọ, cứ cuối tuần không có gì làm, cứ cho hết sách vở vào ba lô, trèo lên xe với thẻ liên tuyến, đi khắp mọi ngóc ngách Sài Gòn. Vừa đi vừa đọc sách, có khi sách học, có khi sách truyện, mặc cho xe buýt đưa về đâu cũng được.

Còn vụ say xe thì sao? Chị Anh Tú (quận 12): "Tôi thuộc hệ say xe triền miên nhưng nhờ đi xe buýt, bệnh say xe đã hết, không còn sợ xe nữa". Hoặc chị Kim Thoa (quận 1): "Tôi học du lịch, nhưng say xe. Nhờ đi xe buýt hàng ngày, không quen vẫn cứ tập đi... nên sau này ra trường không còn sợ xe nữa. Vậy mới có thể hành nghề hướng dẫn du lịch".

Với anh Kỳ Nam (Đại học KHTN) lại gắn bó với "buýt" theo một cách khác. Anh không đi xe buýt, nhưng lại thường xuyên ngủ bụi tại những trạm xe buýt. 

Anh lắc đầu nhớ về một thời sinh viên oanh liệt: "Tôi ở quận 1, đi học ở quận 5, nên thường đi xe máy. Nhưng đôi lúc đi nhậu với mấy đứa bạn ở Thủ Đức. Nhà trọ tụi nó khó, không cho người lạ ngủ lại, nên đôi lúc xỉn quá, cứ ra nhà chờ xe buýt ở trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật mà nằm. Trải áo mưa ra, gối đầu lên cái ba lô... cũng qua được một đêm. Đến lúc có người ra trạm đón xe cũng là lúc đã tỉnh rượu mới lục tục đi về.

Mấy lúc đó tự nhiên nổi hứng lãng mạn, tôi cũng "lẩy Kiều" rằng: 'Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Giật mình mình lại thương mình xót xa'".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem