Chưa tăng lương cho công chức: Chia sẻ khó khăn với đất nước

Nguyệt Tạ (thực hiện) Thứ tư, ngày 27/05/2020 06:11 AM (GMT+7)
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng tăng lương cơ sở. Xung quanh vấn đề này PV Báo NTNN/Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động (Bộ LĐTBXH).
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người lao động cũng phải chia sẻ với Nhà nước. Lương không hẳn là yếu tố quyết định của xã hội. Trong trường hợp này cần phát huy tinh thần đồng thuận để mọi người nỗ lực vượt qua khó khăn.

Vừa qua Chính phủ đã quyết định tạm dừng tăng lương cơ sở. Bà đánh giá gì về điều này?

- Tất nhiên việc tạm dừng tăng lương là điều không một ai mong muốn cả, nhưng về khách quan và chủ quan cũng nên ủng hộ tạm dừng tăng lương. Bởi vì trong đại dịch vừa qua, đối tượng ít bị tác động hơn chính là đối tượng hưởng lương hành chính nhà nước. Còn nhiều đối tượng lao động đang rất là khó khăn, Chính phủ còn phải hỗ trợ, trợ cấp tiền. Tôi nghĩ rằng việc này không phải dừng tăng lương mà về bản chất chỉ là "nợ tăng lương", sau này có điều kiện thì "tăng trả lại", tức là tăng nhanh hơn. Lộ trình đúng ra là 4 năm, nhưng nếu năm đầu không tăng thì ta phải chia cho 3 năm đầu để tăng. Đây chỉ là một sự trì hoãn để chia sẻ với xã hội. Dù sao thì đối tượng cán bộ công nhân viên chức cũng là đối tượng ít chịu tác động nhất.

Về nguyên tắc, tôi ủng hộ phương án này của Chính phủ.

Liệu có lo ngại điều này sẽ tác động xấu tới tâm lý của cán bộ, công nhân viên chức không thưa bà?

- Theo tôi, bên cạnh tri thức, năng lực, mỗi cán bộ, công nhân viên chức cần được giáo dục về đạo đức công việc. Bởi vì đó không phải là vấn đề tâm lý mà đó là vấn đề anh ăn lương Nhà nước, lúc đất nước khó khăn thì cũng phải biết chia sẻ, phải hỗ trợ. Trong bối cảnh đại dịch, nhiều người giảm sâu thu nhập, thậm chí mất việc làm, mình dù có bị tác động nhưng lương vẫn không giảm thì cũng nên chia sẻ. Nhiều nơi, những cầu thủ bóng đá, những tập đoàn lớn, lãnh đạo cũng tình nguyện không nhận lương, giảm lương.

Tôi cho rằng về cơ bản lương không phải là tất cả. Lương không phải là thứ giải quyết mọi vấn đề xã hội. Sự đồng thuận của xã hội còn tạo ra rất nhiều nguồn lực. Chính bởi vậy, phát huy tinh thần đồng thuận xã hội sẽ khiến cho lao động bất kể khu vực công tư nỗ lực, có thể đồng cam cộng khổ, có động lực cống hiến tốt hơn.

Chưa tăng lương cho công chức:  Chia sẻ khó khăn với đất nước - Ảnh 1.

Tạm dừng tăng lương cơ sở cho 253.517 công nhân, viên chức người lao động hưởng lương Nhà nước (ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội). ảnh M.N

Bà nghĩ sao trước một số ý kiến các chuyên gia cho rằng, hạn chế tăng lương cho công nhân viên chức có thu nhập cao, nhưng vẫn tăng lương cho người có thu nhập thấp?

- Theo tôi đây cũng là giải pháp phổ biến, nhưng nó đòi hỏi phải tính toán rất kỹ. Khái niệm tăng lương, không có nghĩa là tăng trợ cấp. Tăng lương là gắn với tăng trưởng năng suất, gắn với cải thiện điều kiện sống. Những người lương cao cũng phải cống hiến nhiều, chi phí nhiều vì vậy vẫn cần tăng lương. Nếu tính vậy, nên tính dựa trên con số tuyệt đối như một số quốc gia khác. Ví dụ như Philippines, cũng có thời kỳ người ta dùng cách tính, đối với người có thu nhập thấp người ta tăng 10%; đối tượng thu nhập cao tăng 7-8% thôi. Gọi là tăng theo cấp số lùi, nhưng điều này đòi hỏi cần có một tính toán thật kỹ.

Nói về tác động của đại dịch Covid-19 thì thực ra Việt Nam mình cũng đã qua được thời kỳ đáy rồi. Chính vì thế khả năng kinh tế phục hồi sẽ tốt hơn các nước. Bởi vậy, theo tôi nên làm chậm đi quá trình tăng lương chứ không nên thay đổi việc tăng lương hay chuyển phương thức tăng lương.

Mặt khác, việc tăng lương cũng phải tính toán thật kỹ tránh trường hợp chồng lương. Ví dụ như người lương cao tăng càng cao, người lương thấp thì tăng thấp. Vì thế nên tính toán để tăng giá trị tuyệt đối, ví dụ chia nhóm ra. Nhóm 1 tăng 100 nghìn đồng; nhóm 200 nghìn đồng, nhóm 3 tăng 300 nghìn đồng. Bộ Nội vụ chỉ cần tính toán một chút là tính ra được. Điều này sẽ giảm áp lực lũy kế, tránh việc bất công trong tăng lương, mất niềm tin trong xã hội.

Vậy việc trì hoãn tăng lương cơ sở trong năm 2020 sẽ tác động thế nào tới lộ trình cải cách tiền lương quốc gia thưa bà?

Việc tạm dừng tăng lương nhìn góc độ tích cực cũng là một phương pháp thử thách lòng kiên trì, sự đồng thuận trong người lao động. Nếu cán bộ, công nhân, viên chức đồng thuận thì việc dừng tăng lương không có gì là cản trở sự cống hiến của họ cho đất nước".

Bà Nguyễn Thị Lan Hương

- Tất cả cải cách tiền lương đều được nhấn mạnh là đặt trong điều kiện bình thường. Khi có những biến cố, hoặc có những cú sốc của xã hội thì anh phải ưu tiên để xử lý các biến cố đó. Bởi vì, thứ nhất căn cứ để tăng tiền lương là tăng về phát triển kinh tế; thứ hai là tăng về giá; thứ ba là tăng về phúc lợi xã hội.

Nếu nói về phát triển kinh tế thì rõ ràng là chúng ta đang âm, hoặc là chậm. Thứ hai là về giá cả, thực chất giá cả cũng không tăng mấy (trừ 1-2 mặt hàng). Thứ ba là phúc lợi xã hội, về vấn đề này thì chúng ta cũng đang làm tốt sự chia sẻ lại.

Như vậy, lộ trình tăng lương này có thể bảo lưu, chứ chúng ta không bỏ. Trong cuộc đua thì 1/3 chặng đường đầu có thể chạy chậm đi, 2 chặng sau đẩy nhanh tốc độ thì vẫn có thể về đích đúng hạn. Tôi tin là Việt Nam sẽ vượt qua được dịch bệnh, sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác bởi chúng ta cũng chịu tổn thất ít hơn. Hiện nay nên ưu tiên cho khu vực sản xuất kinh doanh để vực dậy đã. Lúc kinh tế đã vững, có nguồn ta sẽ đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem