Chưa xuất hiện sự “trả đũa” thương mại nào của Trung Quốc

Mai Hương Thứ tư, ngày 23/07/2014 06:45 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thặng dư thương mại của Trung Quốc từ Việt Nam đã lên tới 12% tổng thặng dư thương mại hàng năm của nước này, nên Việt Nam đã và sẽ vẫn là thị trường quan trọng của Trung Quốc. 
Bình luận 0

Hôm qua 22.7, Bộ Công Thương đã tổng kết 6 tháng hoạt động thương mại biên giới. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn ổn định. Tháng 6, Việt Nam đã tăng xuất (đạt 1,2 tỷ USD, tăng 1,1%) và giảm nhập hàng hóa khá mạnh từ Trung Quốc (3,47 tỷ USD, giảm 13,5% so với tháng 5.2014). Tuy nhiên, sự tăng giảm xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc trong tháng 6 so với tháng trước đó có tính chu kỳ lặp lại hàng năm.

Dẫu vậy, diễn biến xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tháng 6.2014 chưa thể kết luận là do ảnh hưởng của yếu tố chính trị do cùng kỳ năm trước, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc trong tháng 6.2013 đã giảm đến 16,8% so với tháng 5.2013. Về hàng nhập từ Trung Quốc, hiện có đến 22 nhóm hàng hóa Việt Nam phải nhập khẩu, đáp ứng từ 20 – 70% nhu cầu hàng nhập khẩu trong nước.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, đến thời điểm này chưa xuất hiện sự “trả đũa” thương mại nào của Trung Quốc với Việt Nam. Theo ông Doanh, thặng dư thương mại của Trung Quốc từ Việt Nam đã lên tới 12% tổng thặng dư thương mại hàng năm của nước này, nên Việt Nam đã và sẽ vẫn là thị trường quan trọng của Trung Quốc. Ngoài ra, quan hệ thương mại với Trung Quốc thời gian qua chủ yếu là khối tư nhân bị tác động, trong đó là xuất khẩu nông sản, xuất khẩu tiểu ngạch bị ảnh hưởng. Còn lại khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI chỉ bị tác động không đáng kể. Việt Nam cũng đã tiến bộ hơn một bước trong việc chủ động tích cực giảm thiểu các tác động tiêu cực với thương mại với Trung Quốc. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường xuất khẩu mới, tìm nguồn nguyên vật liệu, phụ liệu từ các thị trường mới để nhập khẩu thay thế, giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan thì từ nay tới cuối năm, nhiều nhóm hàng vẫn sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc trong xuất khẩu. Đó là nhóm mặt hàng sắn và sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản khác và cao su. Nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng còn có mặt hàng gạo và hàng rau quả hiện đang xuất sang Trung Quốc lần lượt đạt khoảng 40% và 30%. Hàng rau quả có thời gian tiêu thụ ngắn, trong khi đó gạo, cao su, khoáng sản, quặng lại chủ yếu do khối doanh nghiệp nhà nước thực hiện. Do vậy, việc chủ động lường trước các khó khăn trong xuất khẩu của các ngành hàng này vẫn cần được đặt ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem