Chục nghìn tỷ đồng bảo hiểm xã hội nợ đọng, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tăng xử phạt, khởi kiện

H.Anh Thứ bảy, ngày 20/05/2023 09:45 AM (GMT+7)
Theo báo cáo gửi tới Quốc hội của Tổng Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2021 có hơn 5,7 triệu lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội với số tiền nợ gốc là 12.757 tỷ đồng.
Bình luận 0

Tổng Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2021 phục vụ kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 5 này.

Dẫn cáo cáo tài chính năm 2021 và Dự toán thu chi Quỹ BHXH 3 năm 2022-2024, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, kết dư Quỹ BHXH trong năm 2021 là 100.178 tỷ đồng, số dư quỹ BHXH chuyển năm sau 962.808 tỷ đồng.

Theo dự kiến giai đoạn 2022-2024, quỹ BHXH sẽ tiếp tục thặng dư lần lượt là 66.893 tỷ đồng (năm 2022), 76.111 tỷ đồng (năm 2023), 81.736 tỷ đồng (năm 2024).

Qua kiểm toán, số kết dư quỹ BHXH năm 2021 là 100.170 tỷ đồng và số dư quỹ BHXH chuyển năm sau là 962.800 tỷ đồng tương ứng giảm 08 tỷ đồng so với số báo cáo của BHXH Việt Nam.

Về quản lý thu, chi BHXH, kết quả kiểm toán cho thấy, thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với số tiền 3,5 tỷ đồng và 78 trường hợp đã nghỉ hưu với số tiền 350 triệu đồng; thu BHXH bắt buộc trùng đối tượng đóng BHXH bắt buộc 4.815 trường hợp với số tiền 30.173 triệu đồng.

Trong khi đó, chi chế độ BHXH đối với 28 trường hợp là chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng đóng BHXH với số tiền 356 triệu đồng; chi trợ cấp BHXH một lần đối với 91 trường hợp chưa đúng quy định với số tiền 3.630 triệu đồng.

Một số trường hợp người hưởng chế độ BHXH (được chi trả qua Bưu điện) đã chết nhưng Bưu điện chưa phát hiện để báo giảm kịp thời và BHXH Việt Nam chưa tính lãi phạt đầy đủ đối với Bưu điện.

Chục nghìn tỷ đồng bảo hiểm xã hội nợ đọng, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tăng xử phạt, khởi kiện  - Ảnh 1.

Người dân nhận giấy hưởng bảo hiểm xã hội tại Trạm y tế phường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Về quản lý nợ đọng, chậm đóng, kiểm toán chỉ rõ đến 31/12/2021, theo báo cáo của BHXH Việt Nam có hơn 5,7 triệu lao động tại 205.961 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm với số tiền nợ gốc là 12.757 tỷ đồng (tăng 1.773 tỷ đồng so với năm 2020), trong đó nợ lãi là 3.593 tỷ đồng (tăng 433 tỷ đồng so với năm 2020) chiếm 3,09% và 0,87% số thu bảo hiểm của năm 2021.

Số nợ đọng BHXH tại ngày 31/12/2021 của 29.724 doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ nước ngoài bỏ trốn là 3.083 tỷ đồng song chưa có quy định, hướng dẫn xử lý để giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Từ kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm quỹ BHXH 8 tỷ đồng. Đồng thời, kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi bảo hiểm xã hội, rà soát, kiểm tra, giám định chặt chẽ đối tượng thu, đối tượng hưởng chế độ để đảm bảo thu, chi chính xác, đúng quy định.

Đồng thời, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết đối với các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội là chủ hộ kinh doanh không đúng đối tượng đóng, đối tượng thụ hưởng theo quy định của luật.

Cũng theo kiến nghị được Tổng Kiểm toán Nhà nước, BHXH Việt Nam phải theo dõi tiền lãi các khoản nợ đọng, chậm đóng đầy đủ, đúng quy định và tăng cường các biện pháp xử phạt hành chính, khởi kiện để xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng, chậm đóng.

Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để báo cáo Chính phủ xử lý đối với khoản nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn hiện nay không thể thu hồi nhằm có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ, đồng thời giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Ngoài ra, nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền để có giải pháp xử lý các vướng mắc về thu, chi bảo hiểm để quy định thống nhất và hợp lý trong công tác thu, chi bảo hiểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem