Chung tay lo Tết cho người nghèo

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 11/01/2016 10:20 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán đã cận kề, tại nhiều tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân từ Trung ương tới địa phương đều đang nỗ lực, chung tay mang xuân ấm về cho người nghèo trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Bình luận 0

Hàng triệu suất quà tết

Tết Bính Thân 2016, TP.Hà Nội dành gần 283 tỷ đồng tặng quà cho 806.790 người có công, đối tượng chính sách và 34.000 hộ nghèo.

img

Người nghèo trong cả nước đang rất cần sự hỗ trợ để có cái tết ấm cúng. Một hộ nghèo ở Thường Xuân, Thanh Hoá.  Ảnh: Minh Nguyệt  

Ông Lê Toàn Khang – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.Hà Nội cho biết: Đối với người có công với cách mạng, mức quà dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/người. Ngoài phần tiền, UBND thành phố cũng có chủ trương xây sửa nhà cho hộ nghèo. Hỗ trợ tiền ăn trong các ngày tết cho các đối tượng và cán bộ ở trung tâm nuôi dưỡng, chữa trị bệnh do ngành lao động, công an, y tế, thanh niên quản lý. “Ngoài ra, thành phố cũng vận động các doanh nghiệp thăm, tặng quà tết cho các hộ nghèo. Thực hiện thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng ở trung tâm điều dưỡng, người có công” – ông Khang cho biết thêm.

Tại TP.HCM, dịp Tết Bính Thân 2016, TP.HCM đã chuẩn bị, chăm lo tết cho các đối tượng chính sách, người có công, dân nghèo, các đối tượng diện bảo trợ xã hội, công chức viên chức trên địa bàn thành phố với mức cao hơn so với năm trước (100.000 đồng/người). Theo đó, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết: Mức quà tặng cao nhất đạt 2,6 triệu đồng, thấp nhất 950.000 đồng, tùy từng đối tượng.

Từ ngày 10.1 đến 5.2, Ban Thường vụ Thành đoàn TP.HCM sẽ tổ chức nhiều hoạt động chăm lo tết cho các đối tượng chính sách, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, Thành đoàn tổ chức vận động kinh phí, thăm hỏi, tặng ít nhất 11.000 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng cho các đối tượng; hỗ trợ ít nhất 3.500 lượt vé xe miễn phí cho sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân về quê đón tết…

Chương trình “Tết làm điều hay” xuân Bính Thân do Hội Nông dân TP.HCM và Đài Truyền hình TP.HCM vừa tổ chức đặt mục tiêu kêu gọi 13 tỷ đồng nhằm hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn xây dựng 36 căn nhà tình thương, tặng 1.500 phần quà tết, 500 bồn chứa nước sạch, tặng 1.200 suất học bổng, hỗ trợ 30% giá trị thẻ BHYT cho hơn 23.000 nông dân nghèo… Tính đến thời diểm này, chương trình đã vận động được hơn 5 tỷ đồng.

img

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (trái) – Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, trao bồn chứa nước cho nông dân nghèo huyện Hóc Môn trong Chương trình “Tết làm điều hay” năm 2015. Ảnh:  Trần Đáng

Tại Đà Nẵng, thống kê sơ bộ của Sở LĐTBXH Đà Nẵng cho biết, tính đến nay Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đã vận động được hơn 22 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2014.

Với số tiền này, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Ban Vận động ở địa phương các cấp đã hỗ trợ xây dựng mới 140 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo có đất ở ổn định. Hỗ trợ sửa chữa 619 nhà hộ nghèo, hộ chính sách nghèo và đồng bào dân tộc. Hỗ trợ cho 3.845 lượt người phát triển sản xuất…

Còn tại tỉnh Gia Lai, đến nay Hội Chữ thập Đỏ địa phương đã vận động và tổ chức tặng 2.305 suất quà, 3 căn nhà tình nghĩa, 1.279 phần quà cho học sinh trong Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2016 với tổng trị giá 1,36 tỷ đồng.

Bà Trương Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho biết: MTTQ đã hoàn thành phân bổ kinh phí lo Tết Bính Thân năm 2016 cho người nghèo. Nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ cho 37 tỉnh, chủ yếu là những tỉnh có hộ nghèo cao, những địa phương thuộc vùng biên giới, hải đảo, ven biển, vùng sâu vùng xa, những địa bàn khó khăn. Mỗi tỉnh được 100 suất, mỗi suất trị giá 500.000 đồng. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 6.000 suất quà, trị giá gần 3 tỷ đồng được trao tặng.

Ngoài ra, các thành viên lãnh đạo của MTTQ sẽ đi thăm một số gia đình hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, những trung tâm bảo trợ xã hội… và có phần quà dành tặng các đối tượng này. “Đặc biệt, MTTQ cũng xúc tiến vai trò làm cầu nối để thực hiện việc xã hội hóa, lo tết cho người nghèo trong cả nước. Qua đó, vận động nhiều Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trực tiếp tham gia tặng tiền, tặng quà tết (quần áo, bánh kẹo, đồ dùng sinh hoạt) cho hộ nghèo và những đối tượng chính sách…” – bà Ánh nói.

Bà Ánh cũng cho biết, chương trình tặng quà Tết Bính Thân sẽ chính thức bắt đầu từ mùng 1 tháng Chạp và kết thúc muộn nhất vào 25 tháng Chạp.

Cùng với các đơn vị, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đang phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” trong Tết Bính Thân năm 2016. Theo đó, Hội phấn đấu vận động ít nhất một triệu suất quà tết, mỗi gói quà trị giá ít nhất 300.000 đồng.

Cần giám sát việc tặng quà 

Trao đổi với PV về vấn đề một số năm việc tặng quà còn chậm, có sự trùng lặp, thậm chí cấp sai đối tượng, ông Lê Toàn Khang khẳng định: “Chúng tôi đề ra mục tiêu, nguồn vận động xã hội hóa cấp quận và phường luôn theo đúng nguyên tắc tài chính, có mở sổ theo dõi tránh xảy ra thất thoát tiêu cực. Việc tổ chức trao tặng quà đúng đối tượng, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót, theo hướng công bằng, công khai, dân chủ, minh bạch".

 Theo báo cáo nhanh của 55/63 tỉnh, thành Hội Chữ thập đỏ VN, tính đến ngày 25.12.2015, các cấp Hội đã vận động được hơn 108 tỷ đồng, trong đó có hơn 93 tỷ đồng tiền quà (277.067 suất quà) và hơn 14 tỷ đồng hàng hóa, xây dựng các công trình nhân đạo... Phong trào sẽ được triển khai từ 1.11.2015 đến 5.2.2016.

Theo đó, năm nay thành phố quán triệt việc cấp phát quà tết phải kết thúc trước ngày 20 tháng Chạp. Trong trường hợp kinh phí thành phố về không kịp, địa phương ứng nguồn ngân sách để thực hiện sớm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lo ngại quà tặng không đảm bảo, ông Khang khẳng định: “Quà của Chủ tịch nước và thành phố tặng cho các cá nhân, đối tượng chính sách hoàn toàn bằng tiền, không có hiện vật. Còn quà (hiện vật) đi thăm các gia đình chính sách tiêu biểu, do thành phố mua. Tất cả sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, cơ bản là hàng Việt Nam, không có hàng Trung Quốc”.

Bà Ánh cũng thừa nhận: “Do hiện nay không có luật nào quy định MTTQ tham gia quản lý hoạt động từ thiện hay quản lý việc tặng quà cho người nghèo dịp tết, bởi hoạt động từ thiện mang tính tự nguyện. Chính vì vậy rất khó để chúng tôi giám sát hoạt động này”.

Theo bà Ánh, việc ăn chặn quà tết, dù nhiều hay ít cũng là vấn đề rất đau xót, khiến dư luận xã hội rất bức xúc. Chính vì vậy, trong những năm qua MTTQ cùng các tổ chức thành viên cũng tích cực tuyên truyền, giám sát việc thực hiện phát quà tại địa phương. Tuy nhiên, việc giám sát chỉ có thể thực hiện với các chương trình do MTTQ tổ chức hoặc quà do Chủ tịch nước tặng. 

Nâng cao vai trò giám sát

Theo tôi, để việc tặng quà tết đúng đối tượng, tránh trùng lặp thì cần nâng cao vai trò quản lý, giám sát, điều phối của các tổ chức xã hội, đặc biệt là chính quyền địa phương. Bởi vì, lượng quà tết mà các doanh nghiệp hay tổ chức xã hội dành tặng không thể bao phủ được hết các đối tượng. Tuy nhiên, việc điều phối cần phải có sự cân nhắc, lựa chọn, tư vấn kỹ càng vì có thể các đơn vị tài trợ, họ chỉ có nhu cầu tài trợ cho một đối tượng nhất định. Vì vậy, việc điều phối cũng không thể quá cứng nhắc.

Bà Hà Thị Liên – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Nhiều cách trợ giúp

Bên cạnh các hoạt động tặng tiền, tặng quà, Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cùng các tổ chức khác cũng có nhiều cách trợ giúp khác, như: Sửa chữa nhà ở; xây Nhà Chữ thập đỏ; tặng thẻ bảo hiểm y tế; khám chữa bệnh nhân đạo; triển khai ngân hàng bò... giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách, người có công, cán bộ lực lượng hải quân vượt qua khó khăn.

Bà Lê Thu Hiền - Phó Ban Truyền thông và Phát triển nguồn lực Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam

Địa phương khó kiểm soát

Thực tế, hoạt động tặng quà tết theo tinh thần, mức quà của Chủ tịch nước hay UBND tỉnh không gặp phải nhiều vấn đề, bởi đã có danh sách hộ được nhận, kèm mức quà kèm theo. Tuy nhiên, với một số tổ chức, cá nhân có nhu cầu tặng quà cho người nghèo, đối tượng trên địa bàn thì việc kiểm soát, điều phối của chúng tôi gặp nhiều khó khăn, do đó có thể có tình trạng trùng lặp quà, tặng sai đối tượng. Nguyên nhân là bởi có nhiều đơn vị trực tiếp tặng quà mà không thông qua địa phương, vì thế địa phương cũng không có thông tin.

Lê Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu (Yên Bái) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem