Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020: Xóa bỏ cơ chế cho không

Lê San Thứ năm, ngày 21/04/2016 15:03 PM (GMT+7)
Chương trình 135 (CT135) giai đoạn 2016 – 2020 đang trong quá trình lấy ý kiến để đưa ra báo cáo khả thi và thông tư hướng dẫn. Ông Võ Văn Bảy (ảnh) - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng điều phối CT 135 (Uỷ ban Dân tộc) đã trao đổi với Báo NTNN về những thay đổi và mục tiêu của chương trình này.
Bình luận 0

Thưa ông, việc xây dựng thiết kế CT 135 giai đoạn 2016 - 2020 đã rút ra được những kinh nghiệm gì từ các giai đoạn trước?

- Quá trình thực hiện CT 135 các giai đoạn trước đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Về nguồn vốn, dù đã có chủ trương phân bổ dựa trên mức độ khó khăn và điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương, nhưng thực tế chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn giữa các hợp phần/tiểu dự án cũng chưa được linh hoạt. Có tình trạng các địa phương cân đối nguồn lực theo cách nếu địa bàn đó đã thụ hưởng CT 135 thì sẽ hạn chế  các nguồn lực khác.

imgGiai đoạn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ khuyến khích hỗ trợ theo tổ nhóm sinh kế (hộ nuôi lợn theo tổ nhóm dự án tại xã Pa Ham, Mường Chà, Điện Biên).Ảnh: L.S 

Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, kiểu “cấp phát” ở một số dự án đã góp phần dẫn đến tâm lý ỷ lại, hạn chế sự chủ động của đối tượng hưởng lợi trong phát huy kiến thức bản địa để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập...

CT 135 giai đoạn tới sẽ được thiết kế để nâng cao khả năng làm chủ của nhân dân. Vậy người dân sẽ được tham gia như thế nào, thưa ông?

Hợp phần đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở là một trong những điểm quan trọng của CT 135 giai đoạn mới, góp phần thúc đẩy phát triển và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt hợp phần này sẽ giúp cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ xã, thôn tiếp cận thêm thông tin và các nguồn lực giảm nghèo.

- Với mục tiêu thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, an toàn khu và thôn bản ĐBKK, CT 135 sẽ gồm 3 tiểu dự án: Tiểu dự án 1 là xây dựng cơ sở hạ tầng cấp xã, thôn bản phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của người hưởng lợi theo phương châm xã/thôn bản có công trình, dân có việc làm và thu nhập, do cộng đồng thực hiện.

Chỉ với các công trình có giá trị cao, yêu cầu kỹ thuật phức tạp mới lựa chọn nhà thầu, còn với các công trình giao cho cộng đồng tự triển khai thì sẽ đơn giản hoá thủ tục đầu tư, thanh quyết toán.

Tiểu dự án 2 là hỗ trợ phát triển sản xuất tăng thu nhập, khuyến khích hỗ trợ theo tổ nhóm sinh kế cả trong nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tiểu dự án 3 là xoá bỏ cơ chế cho không, tăng cường đóng góp của người hưởng lợi trong các hoạt động. Giai đoạn này có thêm một hợp phần là nâng cao năng lực cho cán bộ xã và cộng đồng để đáp ứng yêu cầu làm chủ đầu tư, tham gia vào lập kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động.

Được biết CT 135 giai đoạn 2016 – 2020 có nhiều điểm mới khác biệt, thưa ông?

- Từ năm 2016, về mặt tổ chức chỉ còn một ban chỉ đạo chung cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia, với sự tham gia của các bộ, ngành và ở phía địa phương cũng chỉ có một ban chỉ đạo, giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư cơ chế đặc thù rút gọn.

Mặc dù chương trình chưa được phê duyệt nhưng Chính phủ đã phân bổ kinh phí cho các địa phương, với tổng mức gần 90%. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn tạm thời để các địa phương chủ động triển khai. Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành Văn bản 146 hướng dẫn các địa phương triển khai CT 135 với nguồn lực đã được phân bổ.

Điểm mới nữa là phân cấp rất mạnh cho các địa phương, trên cơ sở lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách, các nguồn lực đóng góp của người dân, doanh nghiệp, cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem