Chuyện chưa kể về cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương gây sốt ở Cà Mau

Chúc Ly Chủ nhật, ngày 31/05/2020 06:21 AM (GMT+7)
Mới đây, phóng viên Dân Việt đã có dịp gặp gỡ và trao đổi nhiều điều thú vị với cô Huỳnh Sơn Ca (SN 1989, giáo viên môn Ngữ Văn trường THPT Võ Thị Hồng, huyện Trần Văn Thời), cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương ở Cà Mau gây sốt thời gian qua.
Bình luận 0

Với mong muốn giúp học sinh cảm thấy hứng thú và yêu thích môn Ngữ Văn, cô giáo trẻ ở Cà Mau đã trổ tài dạy tác phẩm Truyện Kiều bằng cải lương và được các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình, gây sốt cộng đồng mạng thời gian qua.

Có mặt tại trường THPT Võ Thị Hồng (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), một ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn, chúng tôi được nhà trường tiếp đón và hướng dẫn nhiệt tình.

Chuyện chưa kể về cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương ở Cà Mau  - Ảnh 2.

Cô giáo trẻ Sơn Ca chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị về việc giảng dạy. Ảnh: Chúc Ly.

Lớn lên ở vùng đất Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), từ nhỏ, cô giáo Sơn Ca đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ tiếng đờn ngọt lịm lẫn tình yêu với nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương của người cha là nghệ sĩ Huỳnh Trường Hận - nhạc công đàn tranh của Đoàn cải lương Hương Tràm.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Ngữ Văn của Trường Đại học Cần Thơ, cô Sơn Ca về công tác tại ngôi trường vùng sâu, vùng xa miệt sông nước Cà Mau. Trải qua khoảng gần 8 năm gắn bó với nghề, cô giáo trẻ vẫn giữ nguyên nhiệt huyết, say mê trong giảng dạy, luôn tìm tòi, sáng tạo để mang đến tri thức và phương pháp dạy học hiệu quả cho học sinh.

Chuyện chưa kể về cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương ở Cà Mau  - Ảnh 3.

Một tiết daỵ Văn của cô Sơn Ca. Ảnh: Chúc Ly.

Trao đổi với phóng viên, cô Sơn Ca chia sẻ: "Trong một tiết dạy văn liên quan đến Truyện Kiều, tôi nhận thấy 34 câu Cổ Bản Vắn trong bài "Hoạn Thư bắt Thúy Kiều" của tác giả Trần Ngọc Thạch phù hợp với phần liên hệ mở rộng tiết dạy nên đã mạnh dạn hát cho học sinh nghe. Không ngờ, học sinh khá thích thú, hưởng ứng rất nhiệt tình. Sau đó nhiều học sinh về nhà đã tìm đọc trọn vẹn 3254 câu Kiều để nắm bắt tình tiết câu chuyện và có những chia sẻ sâu hơn về Thúy Kiều, Hoạn Thư cùng nhiều nhân vật khác".

Sự thích thú và chia sẻ lẫn nhau về tiết mục dạy Truyện Kiều bằng cải lương của cô từ học trò đã thôi thúc cô Sơn Ca tìm tòi và sáng tạo hơn trong giảng dạy. Ngoài hát cải lương, cô còn ca nhạc, có khiếu kể chuyện… Tùy vào tình huống nhất định, cô Sơn Ca đã vận dụng "tài lẻ" của mình lồng ghép trong mỗi tiết dạy một cách hiệu quả.

Theo cô Sơn Ca, trong đoạn clip được chia sẻ rộng rải trên mạng xã hội vừa qua, cô chỉ hát trong khoảng hơn 5 phút, đây là một hoạt động nhỏ của tiết dạy và không làm ảnh hưởng đến nội dung chính của bài. "Khi sử dụng phương pháp mới, tôi phải lên kế hoạch sẽ vận dụng chúng vào thời gian nào của tiết học, mục đích của việc vận dụng là gì…chứ không phải có khả năng ca hát là cứ tiết nào, bài học nào cũng hát, mà không tập trung giảng dạy thì sẽ phản tác dụng", cô Sơn Ca cho biết.

Chuyện chưa kể về cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương ở Cà Mau  - Ảnh 4.

Theo cô Sơn Ca, điều đáng mừng từ clip cô dạy Truyện Kiều bằng Cải lương là lan tỏa sự hứng thú của học sinh đối với tác phẩm và môn học. Ảnh: Chúc Ly.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cô Sơn Ca còn từng là "cây văn nghệ" tài năng từ khi còn là sinh viên đến khi là giáo viên của trường. Ngoài ra, ở địa phương, cô cũng tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và "ẵm" nhiều giải cao về cho quê nhà.

Điển hình như là cuộc thi "Tuyên truyền về xuất khẩu lao động" do xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) tổ chức. Lúc đó, cô đã dàn dựng một tiết mục giới thiệu đội chơi đầy thú vị bằng hình thức một bài ca cải lương với điệu Xuân Tình.

Theo thầy Phan Văn Lil - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng, trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, thời gian qua, nhà trường đã phát động và khuyến khích mỗi giáo viên có cách làm sáng tạo. Cô Huỳnh Sơn Ca là giáo viên tiên phong của trường trong việc kết hợp cải lương vào môn Ngữ văn. Qua đó, tạo được sự hứng thú và thu hút học sinh đối với môn học này.

Chuyện chưa kể về cô giáo dạy Truyện Kiều bằng cải lương ở Cà Mau  - Ảnh 5.

Cô Sơn Ca và lớp chủ nhiệm 10C2. Ảnh: Chúc Ly.

"Ngoài kết hợp cải lương vào môn học Ngữ văn, hiện có nhiều giáo viên bộ môn khác có cách làm đổi mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Thời gian tới, nhà trường sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở GDĐT sinh hoạt chuyên đề đối với môn Ngữ Văn theo loại hình cải lương. Tùy theo chuyên đề của từng khối học mà mình dàn dựng sân khấu hóa nhằm giáo dục cho học sinh có ý thức giữ gìn môn nghệ thuật cải lương", thầy Lil cho hay.

Như Dân Việt đã thông tin, thời gian gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại khoảnh khắc cô giáo ở Cà Mau hát cải lương dựa trên lời thơ Truyện Kiều. Cách truyền đạt này của cô giáo đang nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Theo đó, đoạn clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh cô giáo trẻ đang trổ tài dạy tác phẩm Truyện Kiều bằng cải lương và được hưởng ứng nhiệt tình. Sau khi đoạn clip được đăng tải lên các diễn đàn đã nhận được ý kiến tích cực từ cộng đồng, đã có hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem