Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị TP.HCM: “Cú hích” từ hỗ trợ vốn

Trần Đáng Thứ ba, ngày 15/11/2022 15:31 PM (GMT+7)
Nhờ sự nỗ lực lớn và quyết tâm thực hiện của các ban ngành, chính quyền, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp, chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Bình luận 0

Theo Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư trong nông nghiệp, cải thiện thu nhập của người dân.

Hỗ trợ vốn vay chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị 

UBND quận 12 vừa cho biết, đã kiểm tra các hộ có phương án được phê duyệt theo các chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố trên địa bàn. Theo các Quyết định 655 và 04 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp TP.HCM, trên địa bàn quận 12 có 51 phương án. 

Kết quả kiểm tra cho thấy, các chủ đầu tư đều thực hiện đúng phương án ban đầu của UBND quận phê duyệt và đảm bảo đúng tiến độ. Các phương án cơ bản đều phát huy hiệu quả kinh tế trong sản xuất, trả lãi và vốn vay đúng quy định của ngân hàng.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị TP.HCM: “Cú hích” từ hỗ trợ vốn - Ảnh 1.

Trồng lan công nghệ cao ở huyện Bình Chánh. Ảnh: Trần Đáng

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị TP.HCM: “Cú hích” từ hỗ trợ vốn - Ảnh 2.

Tương tự, tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn... cũng có nhiều hộ nông dân sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, trong hơn 10 năm triển khai chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, các quận, huyện đã phê duyệt 8.504 quyết định với 24.611 lượt vay, tổng vốn đầu tư là 13.847.771 triệu đồng và tổng vốn vay là 8.403.278 triệu đồng.

Chính sách được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, có hiệu quả đến bà con nông dân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Báo cáo tổng kết cho thấy, quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. 

Đặc biệt từ năm 2018 - 2020, bình quân vốn đầu tư 1.368 triệu đồng/hộ/phương án, cao hơn 2,43 lần bình quân giai đoạn từ 2011 - 2019 (562 triệu đồng/hộ/phương án) và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 805 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn, cao hơn 2,36 lần so với bình quân giai đoạn từ 2011 - 2019 (341 triệu đồng/hộ/phương án).

Nhiều chính sách hỗ trợ

Nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, góp phần tái cơ cấu ngành nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực ngoại thành, TP.HCM đã ban hành quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo các Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và Nghị quyết số 10/2017 của HĐND thành phố quy định khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020.

Người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện chính sách được ngân sách thành phố hỗ trợ một phần lãi vay, từ đó chủ động phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Qua đánh giá và kiểm tra tình hình thực hiện cho vay tại các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu cho vay thực hiện chính sách thấp. Doanh nghiệp, hộ dân tham gia vay vốn đầu tư đúng mục đích.

Nhìn chung, đa phần các phương án vay vốn của người dân, doanh nghiệp tập trung đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Tôm nước lợ, lợn, bò sữa, hoa lan cây kiểng, rau an toàn, cá cảnh. Qua công tác kiểm tra thực tế việc triển khai các phương án được hỗ trợ cho thấy, chính sách góp phần quan trọng giúp nhiều hộ dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả (lúa, mía) sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem