Chuyển dịch kịp thời, giữa thành phố này "mọc" lên những vườn lan tiền tỷ

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 26/11/2022 13:00 PM (GMT+7)
Nhiều nông dân ở TP.HCM mong muốn thành phố tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2022 - 2025.
Bình luận 0

Tiên phong trồng lan giữa đô thị

Bà Đặng Thị Thanh Thủy - nông dân trồng lan ở TP.Thủ Đức kể, năm 2013, UBND quận 9 (cũ) có chủ trương giải tỏa, di dời các lò gạch truyền thống của gia đình, đồng thời khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi ngành nghề. Nhận thấy mô hình trồng lan mokara cắt cành phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, bà Thủy quyết định triển khai. Tuy nhiên, do là hộ tiên phong trồng lan tại địa phương nên bà gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính.

Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ, bà Thủy có dịp tham quan học tập các mô hình hiệu quả ở nước ngoài. Bà Thủy cũng mạnh dạn vay vốn theo Quyết định 04 ngày 23/2/2016 của UBND TP.HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. 

Sau nhiều năm đầu tư, bà Thủy đã trả hết vốn vay 2 tỷ đồng, rồi tiếp tục đầu tư mở rộng. Vườn Bến Sạn Tây của bà hiện có diện tích khoảng 9ha, trung bình cung cấp ra thị trường 4.000 cành/ngày.

Duy trì hỗ trợ chuyển dịch nông nghiệp đô thị - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Thanh Thủy và các sản phẩm hoa lan hồ điệp của mình. Ảnh: Trần Khánh

Lãnh đạo Sở NNPNTNT cho biết, việc ban hành quy định khuyến khích chuyến dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị cho phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị là cần thiết.

Bà Thủy cho biết, thị trường hoa lan đang nhiều biến động do hội nhập và thị hiếu thay đổi. Lan hồ điệp được thị trường ưa chuộng, thậm chí ngày tết không có hàng để bán. Bà Thủy đang liên kết với các nhà vườn ở Lâm Đồng để xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp. 

Hoa lan là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.HCM. Theo bà Thủy, nhiều nông dân vẫn đang cải tiến mô hình trồng hoa lan để phục vụ tốt hơn nhu cầu đô thị. Tuy nhiên, vốn đầu tư luôn là trở ngại. Để tiếp tục phát triển nông nghiệp đô thị, bà Thủy đề nghị, TP.HCM cần duy trì chính sách hỗ trợ lãi vay để giúp người dân đầu tư sản xuất theo định hướng.

Cần duy trì chính sách hỗ trợ

Chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay) được xem là động lực khuyến khích hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại có giá trị kinh tế cao hơn. 

Chính sách này được triển khai thực hiện xuyên suốt từ năm 2011 đến nay, theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23/2/2016, hiện là Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017.

Theo Sở NNPNTNT, chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị đã tác động hiệu quả đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp, cũng như thu nhập của người dân vùng ngoại thành TP.HCM. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả đạt được, việc triển khai chính sách đến với người dân, doanh nghiệp ở vùng ven có sản xuất nông nghiệp còn chậm. 

Nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa cao, số hộ sản xuất nông nghiệp giảm mạnh. Số lượng người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn có hỗ trợ lãi vay theo chính sách nhiều, nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức cho vay, do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi.

Sở NNPTNT đã tham mưu dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 10/2017 phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, Sở NNPTNT đã đề xuất ban hành nghị quyết quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem