Chuyển đổi nghề và khấm khá

Thứ tư, ngày 06/11/2013 11:09 AM (GMT+7)
Với việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân (ND) ở TP.Đà Nẵng đã chuyển đổi ngành nghề, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.
Bình luận 0
(Phát triển nghề mây tre đan. Ảnh: TTĐT Thanh Hoá)
(Phát triển nghề mây tre đan. Ảnh: TTĐT Thanh Hoá)
Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch Hội ND xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thông tin: Năm 2013, qua 10 tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội, Ngân hàng CSXH huyện đã cho các hộ ND nghèo vay 650 triệu đồng đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng tổng số dư nợ toàn xã lên 4,9 tỷ đồng.

Xây dựng kế hoạch sử dụng vốn

Anh Phan Công Hạ (45 tuổi) ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương bộc bạch: “Tôi được cán bộ Hội ND hướng dẫn lập hồ sơ và tín chấp vay 20 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Số vốn này tôi đầu tư nuôi cá trê lai với diện tích 3 sào (1.500m2). Tôi vừa xuất lứa cá đầu tiên, trừ hết chi phí lãi trên 30 triệu đồng”.

Anh Hạ chia sẻ, được ngân hàng cho vay vốn, gia đình anh quyết định đầu tư nuôi cá. Trước khi nuôi, anh tìm đọc nhiều tài liệu về nuôi cá, bảo đảm nguồn nước để cá phát triển và không bị bệnh. Cá trê lai là loài dễ nuôi, nhanh lớn nên gia đình anh khá thành công với mô hình này.

Với anh Huỳnh Mùi (48 tuổi) ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, sử dụng 20 triệu đồng Ngân hàng CSXH cho vay cộng thêm vốn tự có của gia đình mua 1 chiếc máy cày để làm dịch vụ. Từ khi có máy, ngoài làm đất cho gia đình, anh tranh thủ cày đất sản xuất cho các hộ trong và ngoài xã. Mỗi ngày anh cày gần 2 mẫu, trừ các chi phí xăng dầu, hao mòn máy, anh bỏ túi hơn 200.000 đồng. Sau 2 năm anh đã hoàn trả hết vốn và lãi.

Chuyển đổi nghề phù hợp

Bà Ngô Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch Hội ND quận Cẩm Lệ cho biết, Cẩm Lệ là quận có tốc độ đô thị hoá nhanh, vì vậy nhu cầu vốn để ND chuyển đổi ngành nghề không nhỏ. Đến nay Hội ND quận đã giúp 1.663 hộ hội viên vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này nhiều hộ đã chuyển đổi nghề, từ làm nông thuần tuý sang trồng hoa cây cảnh, trồng nấm ăn và nấm dược liệu… “Vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của thành phố” - bà Trang khẳng định.

“Tiền vay mua máy cày đã trả xong, bây giờ chỉ bỏ công và tiền mua xăng dầu làm đất cho gia đình và cho bà con xung quanh, vừa tiện vừa có thu nhập chi tiêu trong gia đình”.

Anh Huỳnh Mùi

Còn theo bà Hồng Thị Trinh - Chủ tịch Hội ND huyện Hòa Vang, rất nhiều hộ ND trong huyện đã tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện và sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý để phát triển sản xuất và kinh doanh.

Nhiều hộ dùng nguồn vốn này phát triển chăn nuôi heo, nuôi cá nước ngọt, sắm máy cày… đem lại hiệu quả rất cao; có tiền để xây dựng công trình hệ thống nước sạch hay nhà vệ sinh, giải quyết khó khăn trong gia đình.

Song một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, không chịu khó làm ăn, chậm trả nợ vốn và lãi. Hội và Ngân hàng CSXH sẽ tổ chức ký kết chương trình phối hợp phân định rõ trách nhiệm của hai bên, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nguồn vốn vay phát huy được hiệu quả và sử dụng đúng mục đích.
Đăng Bình (Đăng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem