Chuyển đổi số Công ty Thủy điện Đồng Nai: Những hiệu quả lớn lao, giảm thiểu chi phí

Tú Linh Thứ sáu, ngày 26/08/2022 10:11 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, Công ty Thủy điện Đồng Nai (Tổng Công ty Phát điện 1) đã tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Bình luận 0

Ông Ngô Văn Sỹ - Giám đốc Công ty Thủy điện Đồng Nai, cho biết: Chuyển đổi số đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty, giúp giảm chi phí. Đây là nơi cung cấp các công cụ, phương tiện để hỗ trợ cán bộ, công nhân viên trong việc tìm kiếm và chia sẻ thông tin nhằm tiết kiệm thời gian, sức lao động. Ngoài ra, chuyển đổi số còn giúp tăng khả năng tự động hóa các quy trình, quy định làm tăng hiệu quả công việc.

Công ty xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, nền tảng tất yếu cho việc ứng dụng công nghệ 4.0, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và của ngành điện. Đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động của Công ty hiện nay và trong thời gian tới.

Công ty Thủy điện Đồng Nai: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm 2021-2023 - Ảnh 1.

Công ty Thủy điện Đồng Nai xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2023. Ảnh: T.L

Đến nay, theo kế hoạch của công ty, các mục tiêu về hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số tiếp tục được hoàn thiện cho các lĩnh vực như: Kỹ thuật sản xuất, hoạt động kinh doanh thị trường điện, đấu thầu, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin.Cũng nhờ các lĩnh vực đã áp dụng chuyển đổi số mà trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Thủy điện Đồng Nai đã sản xuất 1,08 tỷ kWh điện, đạt 114,2% kế hoạch sản lượng 6 tháng mùa khô, đạt 66,7% kế hoạch sản lượng cả năm 2022.

Cụ thể, công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật được giao, nộp ngân sách nhà nước hơn 165 tỷ đồng; đồng thời đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình vận hành liên hồ; duy trì các tổ máy vận hành ổn định, tin cậy, hiệu quả.

"Hiện nay, công ty đã xây dựng được chương trình giám sát trực tuyến nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4. Từ đó, tập trung nghiên cứu đưa các thông tin lên nền tảng cơ sở dữ liệu giám sát online, trang web. Song song với đó là việc xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ công tác vận hành thiết bị nhà máy như trang bị máy tính bàn, micro hay lập trình cho trợ lý ảo tự động trả lời sau khi nhận diện được giọng nói"- ông Ngô Văn Sỹ cho biết.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong công ty cũng gặp nhiều khó khăn như hệ thống thiết bị truyền dẫn tại 2 nhà máy đã lạc hậu do sử dụng hơn 75% năng lực truyền tải của thiết bị với tốc độ truyền dẫn STM1 155.52 Mbps (theo khuyến cáo của hãng sử dụng dưới 70% năng lực truyền tải). Các card nâng cấp tốc độ truyền dẫn đã ngừng sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ chuyển đổi số cần trang bị đồng bộ hệ thống truyền dẫn mới tại hai nhà máy với tốc độ STM4 622 Mbps. Ngoài ra, các giải pháp chuyển đổi số chất lượng đòi hỏi đầu tư thiết bị công nghệ với chi phí lớn cũng gây khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ của công ty.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem