Chuyển đổi số doanh nghiệp là vấn đề quan trọng quốc gia

Thế Anh Thứ tư, ngày 12/01/2022 12:30 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 đã thúc đẩy tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp và gia tăng các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số.
Bình luận 0

Thị trường M&A vẫn tăng trưởng mạnh

Tại buổi Hội thảo "Chuyển đổi số và xu hướng M&A trong lĩnh vực công nghệ năm 2022", do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, với lĩnh vực công nghệ số, điểm nổi bật nhất của làn sóng M&A đó chính là hoạt động thâu tóm công ty chip công nghệ cao, các công ty có sở hữu danh sách khách hàng toàn cầu, có nền tảng công nghệ tiềm năng.

Chia sẻ về sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, TS. Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, năm 2020, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19, thị trường M&A thế giới vẫn tăng trưởng mạnh. So với 6 tháng đầu năm, số lượng thương vụ nửa cuối năm 2020 tăng 20% tại châu Mỹ và 17% tại khối các quốc gia châu Âu, Trung Đông, châu Phi (EMEA) và châu Á - Thái Bình Dương. Tổng giá trị các thương vụ tại châu Mỹ chứng kiến mức tăng lớn nhất trên 200%.

Chuyển đổi số doanh nghiệp là vấn đề quan trọng quốc gia - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Trọng Hiếu

Tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đạt mức 3.600 tỷ USD trong năm 2020, chỉ kém 5% so với năm 2019 bất chấp đại dịch Covid-19. Ngành công nghệ, chăm sóc y tế và dịch vụ tài chính dẫn dắt thị trường M&A.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã thúc đẩy tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp và gia tăng các hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghệ số.

Với lĩnh vực công nghệ số, điểm nổi bật nhất của làn sóng M&A đó chính là hoạt động thâu tóm công ty chip công nghệ cao, các công ty có sở hữu danh sách khách hàng toàn cầu, có nền tảng công nghệ tiềm năng. Các thương vụ thâu tóm giữa Nvidia-Arm Holdings (40 tỷ USD), AMD-Xilinx (35 tỷ USD) và Salesforce-Slack (27,7 tỷ USD)

Trong khu vực Đông Nam Á, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số ở đạt 19 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, mức cao nhất từ trước đến nay, được thúc đẩy bởi các thương vụ mua lại của các tập đoàn hàng đầu như Grab, Gojek và Sea.

Theo TS. Nguyễn Thanh Tuyên, tại Việt Nam, hoạt động M&A đã gia tăng mạnh mẽ trong suốt 10 năm từ 2007 - 2017, đạt đỉnh năm 2017 với quy mô 10 tỷ USD với sự đóng góp 50% giá trị của thương vụ Sabeco. Giá trị M&A có xu hướng giảm trong năm 2018, 2019.

Năm 2020, giá trị các thương vụ M&A tại Việt nam có thể giảm 51,3% do những tác động của dịch Covid-19. Dự báo hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2022, đồng thời quy mô thị trường có thể trở lại mốc bình thường ở mức 5 tỷ USD.

Đối với lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, trước 2015, hoạt động M&A chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh bất động sản… không có M&A công nghệ số

Giai đoạn 2015 - 2018, đã xuất hiện một số thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ số có giá trị chuyển nhượng lớn như: Công ty CP VNG mua 38% vốn điều lệ, tương ứng sở hữu 3,72 triệu cổ phần của Công ty CP Tiki. Năm 2018, Vingroup mua 51% cổ phần Mundo Reader, công ty chủ quản của thương hiệu smartphone BQ

Giai đoạn 2019 - 2021 đã xuất hiện hàng loạt thương vụ lớn như VNPay nhận đầu tư 300 triệu USD từ SoftBank Vision Fund và Quỹ GIC; thương vụ Teamsek đầu tư 100 triệu USD vào nền tảng thương mại điện tử Scommerce; Affirma Capotal đầu tư 34 triệu USD vào Siêu Việt Group , FPT mua lại nền tảng quản trị doanh nghiệp Base...

Ngày 1/9/2021, KKR  công bố thông tin trở thành nhà đầu tư chính trong vòng đầu tư 45 triệu USD vào KiotViet cùng sự tham gia của ngân hàng lớn thứ 2 tại Thái Lan- Kasikornbank (KBank).

Thương vụ Công ty Tiki Global Pte. Ltd (Singapore) nhận chuyển nhượng 90.5% cổ phần của Tiki sau khi công ty này phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức chào bán riêng lẻ.

Mặc dù công nghệ số Việt Nam là lĩnh vực có tiềm năng lớn, có khả năng bùng nổ các hoạt động M&A so với các lĩnh vực khác trong tương lai gần. Tuy nhiên, do các công ty công nghệ ở Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn thành hình, phần nhiều vẫn còn ở hình thức các công ty khởi nghiệp.

Nhiều công ty có thể có ý tưởng sản phẩm công nghệ tốt, nhưng chưa thể phát triển thành các doanh nghiệp hoạt động quy mô bài bản, có nền tảng, bởi còn hạn chế về năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp, hoạch định chiến lược, cũng như năng lực tài chính chưa đủ mạnh.

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và sản phẩm công nghệ số phần lớn đang chỉ phục vụ cho thị trường trong nước, chưa nhiều sản phẩm có tính khu vực và toàn cầu thì hoạt động M&A còn chưa thực sự bùng nổ, tạo nên kênh huy động vốn cho phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam

Các nhà đầu tư không chỉ tìm kiếm một ý tưởng sản phẩm đơn thuần, mà hướng đến thành phẩm hoàn thiện để có thể tích hợp vào hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh, năng lực hỗ trợ trong việc điều hành thường không sẵn lòng theo đuổi các ý tưởng, sản phẩm chưa có hình hài rõ nét, trừ khi sản phẩm đó thực sự nổi bật và khác biệt. Hay nói cách khác, chất lượng hàng hóa của các công ty công nghệ tại Việt Nam chưa thật sự “khớp” với kỳ vọng của bên mua, để đủ giúp làn sóng M&A trong lĩnh vực công nghệ thật sự bùng nổ

Ngoài những hạn chế, hoạt động M&A trong lĩnh vực CNTT vẫn có rất nhiều tiềm năng. Thương mại điện tử, đi kèm với sự phát triển của các ứng dụng trung gian thanh toán là mảng thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhất.

Fintech cũng là một điểm nhấn đầu tư trong giai đoạn chuyển đổi số sắp tới. Tiêu biểu như thương vụ rót 300 triệu USD vào VNPay của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và Softbank Vision Fund; thương vụ 100 triệu USD đổ vào Momo từ quỹ đầu tư toàn cầu Warburg Pincus; thương vụ VinID tiến hành thâu tóm nền tảng MonPay.

So với quy mô M&A của Việt Nam, lĩnh vực công nghệ số trong thời gian qua chủ yếu là các thương vụ nhỏ, tập trung trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, sẽ là tiềm năng cho M&A. M&A lĩnh vực công nghệ số chính là mảng đầu tư rất hứa hẹn cho các nhà đầu tư. Hoạt động M&A mang cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp công nghệ số

Dự báo, Việt Nam cũng có sự chuyển dịch làn sóng M&A ở hầu hết các lĩnh vực từ sản xuất hàng hoá đến công nghệ trên nền tảng internet

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, dịch Covid-19 đã khiến các chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhìn nhận lại về cách thức làm việc, đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng (họp trực tuyến, làm việc tại nhà, khám chữa bệnh từ xa, đào tạo trực tuyến, livestream...); là động lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ.

Quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế hơn so với đối thủ.

Nhiều dịch vụ tài chính số mởi nổi lên như ngân hàng mở (Open banking) trên nền tảng API (application programming interface); Cho vay ngang hàng (P2P lending); Huy động vốn cộng đồng (crowd funding); Chứng khoán số (digital securities); Bảo hiểm số (InsurTech); Bất động sản số (Proptech); Tài sản/tiền mã hóa/kỹ thuật số (cryptoassets/currencies....).

Phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh

Chuyển đổi số doanh nghiệp là vấn đề quan trọng quốc gia - Ảnh 2.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. Ảnh Trọng Hiếu

TS. Cấn Văn Lực cho biết, tại Việt Nam, khung pháp lý về chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh đang được hoàn thiện, gồm có: Luật Giao dịch điện tử (2005) - đang chuẩn bị sửa đổi; Các nghị định về giao dịch điện tử; nghị định 130/2018/NĐ-CP về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Nghị định 52 (2013) về thương mại điện tử; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0; Nghị quyết 52 (2019) của Bộ Chính trị về chủ động tham gia CMCN 4.0; QĐ 645 của TTg (2020) về KH tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025; QĐ 749 (6/2020) của TTg về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030;

Ngài ra, Chính phủ, NHNN đã ban hành về quy định E-KYC (12/2020); dự thảo quy định quản lý Fintech...; Quyết định 316/QĐ-TTg (9/3/2021) phê duyệt triển khai thí điểm Mobile money; Quyết định 810 (NHNN) ngày 11/5/2021 phê duyệt "Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'; Quyết định số 942/QĐ-TTg (15/6/2021) phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án thanh toán không dùngtiền mặt 2021-2025...; Quyết định 34/QĐ-TTg ngày 8/11/2021 quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....

Các doanh nghiệp cũng đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số (cả kênh bán hàng và quy trình nội bộ); Hình thành hệ sinh thái tài chính với các NHTM/DN lớn hay Bigtech giữ vai trò điều phối; Dữ liệu khách hàng được sử dụng để tạo ra những sản phẩm "cá thể hóa"; Các Bigtech, Fintech, DN bán lẻ trên nền tảng số... sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tới thị trường: cạnh tranh hoặc hợp tác với các DN truyền thống; Các mô hình kinh doanh mới xuất hiện nhiều hơn.

Một số vấn đề đặt ra với xu hướng chuyển đổi số trong đầu tư, kinh doanh của Việt Nam gồm: Cần tiêu chí, đo lường kinh tế số; giải bài toán về dữ liệu lớn và xuyên biên giới; giải bài toán về hạ tầng số; đầu tư trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, R&D...; bài toán nguồn nhân lực; quản lý rủi ro CNTT và chuyển đổi số, an ninh mạng, dữ liệu, sở hữu trí tuệ, văn hóa số...v.v.

Có cách tiếp cận, lộ trình và giải pháp về  tiền kỹ thuật số; Có tầm nhìn, chiến lược và thực thi trong thời gian tới.

Đối với các khuyến nghị để thành hình và phát triển kinh tế số trong đầu tư kinh doanh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Chính phủ cần sớm sửa đổi Luật giao dịch điện tử. Xây dựng khung pháp lý (gồm cả sandbox) cho các hoạt động kinh doanh số, tài sản số (Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, Proptech, Insurtech, Edutech, Healthtech; tài sản số; e-KYC ...); Quy định về quản lý dữ liệu và chia sẻ thông tin, dữ liệu; Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ở cả cấp quốc gia (dữ liệu dân cư và doanh nghiệp); Quy định về dịch vụ đám mây (cloud services); dùng blockchain, AI trong cáclĩnh vực chủ chốt...; Quy định, chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính (gồm cả tài chính số).

Cần tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số; đầu tư AI, R&D; an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao và tài chính số; Đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu về tiền KTS của NHTW. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng khi sử dụng các dịch vụ tàichính số (chương trình "giáo dục tài chính quốc gia").... Doanh nghiệp cần có tầm nhìn, chiến lược và thực thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem