Chuyển đổi số, nông dân ở Quảng Ninh nuôi cả vạn con vịt nhàn tênh, nông thôn mới xuất hiện tỷ phú

Bùi My Thứ hai, ngày 20/03/2023 18:55 PM (GMT+7)
Ông Đồng Quang Cường được nhiều người biết đến với mô hình nuôi vịt khép kín hiện đại và quy mô nhất nhì xã Cẩm La, TX Quảng Yên, Quảng Ninh. Nhờ thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, việc chăn nuôi hàng vạn con vịt của ông trở nên nhàn tênh, trở thành tỷ phú nông thôn mới.
Bình luận 0

Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh và Hội Nông dân TX Quảng Yên tham quan mô hình nuôi vịt khép kín của ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh). Video: Bùi My

Đi đầu chuyển đổi số trong chăn nuôi vịt

Hiện nay, trên địa bàn TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trong số đó phải kể đến mô hình nuôi vịt khép kín của ông Đồng Quang Cường tại xã Cẩm La, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Theo chân Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi có dịp tham quan những khu chuồng trại quy mô lớn, được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại của ông Đồng Quang Cường.

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 11.

Mô hình chăn nuôi vịt khép kín của ông Đồng Quang Cường theo hướng hiện đại, có đầu tư lớn cho chuồng trại, thiết bị máy móc. Ảnh: Bùi My

Dẫn đoàn tham quan khu chuồng trại, ông Cường cho biết, ông vừa xuất bán toàn bộ 7.000 con vịt (tương đương 25 tấn vịt thương phẩm) trong chuồng này. Sau khi công nhân vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại, ông sẽ tùy theo tình hình thị trường để vào lứa vịt mới.

Mỗi năm, ông Cường nuôi 5 – 7 lứa vịt thịt, mỗi lứa khoảng 7.000 con, đồng thời duy trì thường xuyên đàn vịt đẻ khoảng 7.000 con. Thời điểm hiện tại, tổng đàn gia cầm của gia đình ông đạt khoảng 15.000 con.

Điều ấn tượng nhất là các khu chuồng trại nuôi vịt được dọn dẹp tươm tất, không có mùi hôi. Bên trong, sàn nuôi được làm bằng lưới mắt cáo, cách sàn bên dưới khoảng chừng 50cm. Với cách làm này, trong khu chuồng trại không cần rải trấu, chất thải của vịt rơi thẳng xuống sàn bên dưới, không phát tán nguồn thải ra môi trường mà còn thu được phụ phẩm để hỗ trợ cho trồng trọt, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường rõ rệt.

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 11.

Bên trong chuồng, sàn nuôi vịt làm bằng lưới mắt cáo, hệ thống uống nước, cho ăn tự động... Ảnh: Bùi My

Bên cạnh đó, ông Cường cũng đầu tư nhiều máy móc hiện đại như máy cho ăn tự động, nước uống tự động, hệ thống làm mát, khử mùi... Với máy cho ăn tự động, ông chỉ việc đứng ở kho cám, cho thức ăn vào máy. Bằng cảm biến hiện đại, máy đẩy thức ăn qua các đường ống rồi đưa vào khay đựng ở trong các khu chuồng nuôi. Hệ thống nước uống cũng tự động tương tự như vậy.

Các thông số trong chuồng trại nuôi vịt đều được ông Cường mã hóa, chuyển tải và kết nối với điện thoại thông minh của mình. Do vậy dù ở bất kỳ đâu, ông Cường cũng nắm rõ tình hình thực tế trong chuồng, có thể trực tiếp điều chỉnh thông qua điện thoại.

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 7.

Nhờ áp dụng công nghệ cao, ông Cường có thể dễ dàng theo dõi đàn vật nuôi, cho ăn tự động... Ảnh: Bùi My

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 6.

Đàn vịt của gia đình ông Cường khỏe mạnh, sạch sẽ nhờ được nuôi trên sàn lưới. Ảnh: Bùi My

"Quy trình nuôi vịt công nghệ cao khép kín có nhiều ưu điểm hơn so với chăn nuôi vịt truyền thống. Với nuôi vịt truyền thống, con vịt rất dễ mắc bệnh, chết với tỷ lệ cao. Nhưng nuôi vịt khép kín giúp hạn chế thấp nhất rủi ro do dịch bệnh gây ra, con vịt khỏe mạnh, phát triển tốt, sau khoảng 45 ngày đã có thể xuất chuồng, tỷ lệ bệnh và chết chỉ khoảng 1-2% thôi" - ông Cường chia sẻ.

Nông thôn mới xuất hiện tỷ phú chăn nuôi

Ông Cường cũng cho biết thêm, chăn nuôi vịt khép kín giúp giảm bớt công lao động, gia tăng năng suất. "Nhàn lắm! Việc áp dụng công nghệ kỹ thuật, chuyển đổi số có tác dụng rất lớn đến quá trình sản xuất, chăn nuôi. Với nuôi vịt truyền thống, 10.000 con vịt cần tới 8 nhân công chăm sóc, nhưng nuôi vịt khép kín chỉ cần 1 nhân công chăm sóc, chi phí giảm đi rất nhiều" - ông Cường nói.

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 12.

Nhờ chuyển đổi số trong chăn nuôi, ông Cường chủ động trong quản lý đàn vịt. Ảnh: Bùi My

Ngoài ra, gia đình ông Cường đầu tư hệ thống máy ấp trứng tự động với diện tích nhà xưởng lên đến 3.000m2; kinh doanh, phân phối cho thị trường các loại thức ăn gia súc, gia cầm.

Cùng với đó, gia đình ông Cường còn trồng nhiều loại cây như bưởi da xanh, vải, ổi, xoài, đinh lăng và đào ao nuôi cá. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông thu nhập khoảng 800 triệu - 1,2 tỷ đồng từ mô hình vườn ao chuồng.

Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Cường còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hộ dân ở các xã, phường bằng việc cung ứng vịt giống, thức ăn chăn nuôi cho các hộ có nhu cầu.

nuôi vịt công nghệ cao - Ảnh 8.

Hệ thống máy ấp trứng tự động, với công suất ấp gần 20.000 quả/máy. Ảnh: Bùi My

Ông Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Cẩm La cho biết, số lượng đàn thủy cầm trên địa bàn xã Cẩm La rất lớn, khoảng 170.000 con. Mô hình nuôi vịt của ông Đồng Quang Cường là mô hình tiêu biểu của xã Cẩm La. Sản phẩm trứng vịt của ông Cường đã được đăng ký sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao của xã Cẩm La.

Với cương vị là Chi Hội trưởng Chi Hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Cẩm La, ông Cường đã hỗ trợ cho hơn 100 hộ dân trên địa bàn cùng lĩnh vực chăn nuôi có thể tham gia vào chuỗi sản xuất các sản phẩm từ con vịt. Từ đó góp phần phát triển nông thôn mới của địa phương.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh nhận xét, ông Đồng Quang Cường là tấm gương đi đầu về áp dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quy trình sản xuất, chăn nuôi ở địa phương. Đồng thời, ông Cường còn là Chi Hội trưởng Chi Hội nông dân nghề nghiệp rất trách nhiệm, hướng dẫn cho các hộ tham gia nuôi vịt thương phẩm về kỹ thuật chăm sóc vịt thương phẩm, cách xử lý chất thải trong chăn nuôi, giúp các hộ nâng cao giá trị sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem