Chuyển đổi số nông nghiệp gặp khó vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng

Khương Lực Thứ sáu, ngày 26/05/2023 16:35 PM (GMT+7)
Ngày 26/5, tại Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp”.
Bình luận 0

Dù được đánh giá là xu hướng tất yếu, nhưng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế ngành nông nghiệp đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á.

Một trong những nguyên nhân mà các đại biểu chỉ ra là do cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Một số cơ sở sản xuất, HTX phản ánh, phía đơn vị viễn thông VNPT chưa đồng ý lắp mạng intenet ra ngoài đồng.

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 1.

Chủ tọa hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp". Ảnh: Khương Lực

Khó chuyển đổi số vì viễn thông không kéo mạng ra đồng

Phát biểu khai mạc hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp", bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị thông tin, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, là "chìa khóa" cho phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 2.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm khuyến nông Hà Nội, Chủ tịch Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị phát biểu khai mạc hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp”.Ảnh: Khương Lực

Theo bà Hương, thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tuy nhiên, hiện nay trên cả nước quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ và rời rạc giữa các vùng, miền, địa phương.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nói chung và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nói riêng, bà Vũ Thị Hương mong muốn các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại địa phương mình, chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiện đại thực sự hiệu quả và bền vững.

Tại hội thảo, ông Đỗ Minh Phương - đại diện Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (Bộ NNPTNT) trình bày tham luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nâng cao năng suất lao động. Theo ông Phương, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Các ứng dụng của AI giúp các nông dân quản lý đất, tưới cây và thu hoạch nông sản một cách tối ưu hơn, đồng thời giúp ngành nông nghiệp dự đoán được sự bất ổn về môi trường và đưa ra các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại.

"Nói về thực trạng chuyển đối số trong nông nghiệp Việt Nam, chúng ta sẽ xem xét trong bối cảnh Việt Nam có 96 triệu dân, chúng ta thấy theo thống kê có 161 triệu thuê bao với 80% người dùng internet, 70% người dùng mạng xã hội... Đây là tiền năng rất lớn cho chuyển đổi số" - ông Phương nói và cho biết đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang ở mức rất khiêm tốn.

Đơn cử, năm 2020, Bộ NNPTNT đứng thứ 17/19 bộ ngành về chuyển đổi số, năm 2021 chúng ta thăng hạng lên một chút là 15/17. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi số đang được ứng dụng mạnh mẽ ở chính quyền điện tử, chính phủ điện từ và chữ ký số trong công tác quản lý là chính" - ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, đối với sản xuất như quản lý mã số vùng trồng hay truy xuất nguồn gốc còn tương đối hạn chế, thương mại điện tử nông nghiệp cũng là mảng chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng nghe giới thiệu về việc ứng dụng các phần mềm, thiết bị ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp như: Phần mềm nhật ký sản xuất, phần mềm kế toán hay các thiết bị máy báy không người lái, các ứng dụng nông nghiệp chính xác nhằm giảm chi phí, tăng giá trị và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trường, Công ty Cổ phần Đại Thành, ở Bắc Ninh cho biết, việc đưa máy bay không người lái vào phun thuốc trừ sâu hay phân bón chỉ mất 2,5-3 phút sẽ phun, bón được cho 1 ha. Như vậy, một ngày có thể phun, bón cho cả 100ha, nhờ đó chi phí giảm đi rất nhiều, giảm tới 50%.

"Thực tế chi phí ứng dụng chuyển đổi số vào giảm rất lớn, ví dụ ở miền Bắc nếu phun 1 sào lúa 360m2 mất 30.000-50.000 đồng, nhưng đối với máy báy không người lái chỉ mất 20% đối với chi phí bằng thủ công" - ông Trường đơn cử.

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Xuân Thám ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh phản ánh khu sản xuất 1ha cách khu dân cư 300m, nhưng khi làm việc với VNPT Bắc Ninh thì họ không kéo mạng nên gia đình ông không thể làm chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ thông tin vào được. Ảnh: Khương Lực

Tại hội thảo, nói về khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thám ở xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cho biết, gia đình có 1ha sản xuất nông nghiệp cách khu dân cư 300m, nhưng khi làm việc với VNPT Bắc Ninh thì họ không kéo mạng nên gia đình ông không thể làm chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ thông tin vào được.

Tương tự, ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số. "Chúng tôi cũng mắc tình trạng như thế này, chúng tôi cũng toàn bộ hệ thống camera ngoài đồng, tuy nhiên theo quy định của VNPT 500m không thể lắp được. Ngoài đồng thì không thể nói là 500m đến được" - ông Thám nói.

Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh nhận định, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp hiện mới được thực hiện đơn lẻ tại một số đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các mô hình cụ thể, chứ chưa kết nối thành một hệ thống hay mạng lưới, qua đó các cơ quan quản lý có thể quản lý được sản lượng, tư vấn về dịch bệnh và thị trường.

"Bộ NNPTNT cần có chính sách để hỗ trợ nông dân tham gia vào chuyển đổi số" - ông Phạm Lâm Chính Văn nói và cho biết khi thu hút được nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số nông nghiệp thì chúng ta mới thay đổi được tập quán sản xuất và giải quyết được bài toán cung cầu của thị trường. Nhờ sự kết nối, các khâu trung gian sẽ giảm bớt, qua đó giảm chi phí và tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp lên.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Minh Lịch – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Trung tâm đang xây dựng đề án chuyển đổi số trong nông nghiệp, Khi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình Bộ ban hành đề án thì sẽ có cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật về chuyển đổi số trong nông nghiệp để các địa phương có căn cứ triển khai, thực hiện.

Bắc Ninh nằm trong tốp đầu cả nước về chuyển đổi số

Bắc Ninh là một trong những tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước đưa chuyển đổi số vào ứng dụng trong hoạt động điều hành, giám sát; tính đến hết năm 2021 Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó chính quyền số xếp thứ 4, kinh tế số xếp thứ 6, xã hội số xếp thứ 6.

Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT khẳng định, trong xu thế toàn cầu hóa và sự bùng nổ về phát triển công nghệ thì chuyển đổi số là tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU ngày 18/3/2022 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh cũng xác định việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Sở NNPTNT phát biểu chào mừng hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Ảnh: Khương Lực

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 6.

Đại diện 27 Trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị thăm quan mô hình Trung tâm ứng dụng và DỊch vụ khoa học tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: N. Tuấn

Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh luôn có chính sách thúc đẩy chuyển đổi số như: hỗ trợ dán tem truy suất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đến nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ước đạt chiếm 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

"Hiện nay sản xuất nông nghiệp truyền thống đã và đang dần được thay thế bằng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất" – ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh nói.

Chuyển đổi số trong sản xuất hiện nay được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giúp cho người sản xuất tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa sản phẩm khi đưa ra ngoài thị trường.

Đối với diện tích sản xuất rau, hoa cao cấp trong nhà màng, nhà kính hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thông minh có kiểm soát, quản lý cây trồng theo lập trình qua máy tính, điện thoại thông minh được áp dụng hầu hết các cơ sở.

Trong sản xuất lúa nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa thiết bị bay không người lái vào áp dụng trong gieo giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giảm khả năng tiếp xúc trực tiếp với hóa chất bảo vệ thực vật độc hại bảo vệ sức khỏe đối với người sản xuất.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được nhiều cơ sở, trang trại áp dụng, giúp nâng cao trong việc quản lý, giám sát, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người với vật nuôi góp phần hạn chế, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hiện đã có 5 cơ sở sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh đã đưa ứng dụng công nghệ số vào áp dụng một phần trong sản xuất, như quản lý đàn cá bố mẹ thông qua con chíp gắn trên cá.

Theo ông Hải, chuyển đổi số trong hoạt động chính quyền đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần thay đổi tư duy cho cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt đối với công tác văn phòng. Đến nay, 100% các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đều có kết nối với Hệ thống quản lý, điều hành văn bản của tỉnh, do vậy hồ sơ xử lý được thực hiện trên môi trường mạng.

Dù vậy, việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn mới, nên nhận thức hầu hết của doanh nghiệp, cơ sở và đặc biệt là người nông dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phần lớn chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số.

Với những khó khăn trên, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ NNPTNT ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật về chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; Hỗ trợ xây dựng các chương trình, dự án khuyến nông trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nông nghiệp gặp vướng vì viễn thông không kéo mạng ra ngoài đồng - Ảnh 8.

Ông Lê Minh Lịch – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu kết luận hội thảo khuyến nông đô thị lần I năm 2023, chuyên đề: “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Ảnh: Khương Lực

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Minh Lịch – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thông tin, Việt Nam là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khá mạnh. "Hiện nay chúng ta đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, do vậy nội dung chuyển đổi số trong nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội" - ông Lịch nói và cho biết các ý kiến đóng góp của các đại biểu rất có ý nghĩa đối với nền nông nghiệp Việt Nam

Theo ông Lịch, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cụ thể hóa các đóng góp ý kiến bằng hành động và báo cáo Bộ NNPTNT để thực hiện. "Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu trong sự phát triển hiệu quả trong các hoạt động để chúng tôi hoàn thiện chuyên nghiệp hơn và gia tăng năng suất lao động" - ông Lịch khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem