Chuyển đổi số nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 1): Ứng dụng IoT vào trồng rau, nông dân thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ sáu, ngày 23/07/2021 14:12 PM (GMT+7)
Ông Bùi Ngọc Cung (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) với thâm niên hơn 30 năm bám nghề nông trên vùng rau Đơn Dương giờ cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng IoT trên trang trại khoảng 2 ha của mình.
Bình luận 0

Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 đánh dấu sự bùng nổ công nghệ thông tin, từ đó hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng có bước nhảy vọt. Tuy nhiên, bối cảnh COVID-19 đã và đang tạo ra rất nhiều áp lực mới cho tiêu thụ hàng hóa của ngành nông nghiệp. 

Vì vậy, ngoài các phương thức tiêu thụ truyền thống thì việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) đang là giải pháp đắc lực giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.

Chuyển đổi số nông nghiệp ở Lâm Đồng (bài 1): Ứng dụng  IoT vào trồng rau, nông dân thu tiền tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Nông dân chuyển đổi số ứng dụng nông nghiệp thông minh 4.0 vào sản xuất

Tăng tốc ứng dụng nông nghiệp thông minh 4.0

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QÐ-TTg về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số.

Ông Bùi Ngọc Cung (xã Lạc Lâm, Đơn Dương) với thâm niên hơn 30 năm bám nghề nông trên vùng rau Đơn Dương giờ cảm thấy nhàn nhã khi ứng dụng IoT trên trang trại khoảng 2 ha của mình. 

Ông kể: “Cách đây hơn 4 năm, tôi được tỉnh cho “xuất ngoại” học tập kinh nghiệm làm nông nghiệp. Sau những chuyến đi ấy, tôi quyết định đầu tư để thay đổi quy trình sản xuất. Trước đây, tôi đã sử dụng công nghệ điều khiển tưới cũng qua hệ thống điện thoại nhưng chỉ là bật và tắt nước tự động nhưng với ứng dụng công nghệ IoT lại có một sự khác biệt. Qua đó, người sử dụng sẽ thoải mái hơn về thời gian, chính xác hơn về quy trình, sản phẩm chất lượng hơn - nơi thiết bị IoT kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH,... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp. Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email đến người quản lý. Hiệu quả kinh tế đã rõ, giờ các loại rau, củ của trang trại đã vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng rau sạch trong nước, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm”.

Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Lâm Đồng đã đạt những kết quả khả quan. Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Hiện ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện và bền vững, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đến năm 2020 đạt 60.228 ha, chiếm 21,7% diện tích canh tác toàn tỉnh (cao hơn 39,8% so với 2015).

Trên nền tảng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp, HTX và trang trại đã áp dụng thành công hệ thống quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng thông qua hệ thống IoT cảm biến kết nối với hệ thống computer, điện thoại thông minh với quy mô 238,95 ha. 

Đây là điểm nổi bật trong nông nghiệp thông minh, so với trước năm 2016 thì chỉ có những mô hình nhỏ lẻ 5 - 7 ha thử nghiệm trên cây rau, hoa. Công nghệ thông minh ứng dụng trong nông nghiệp đã hiện đại hóa khâu sản xuất và được đánh giá rất cao, đặc biệt trong năm 2019 - 2020, các mô hình IoT ứng dụng quản lý canh tác tiết kiệm được 10 - 30% lượng nước tưới nhờ cảm biến độ ẩm đất, cây trồng; giảm 30% lượng phân bón; giảm nhân công lao động đến 50% và giúp tăng năng suất từ 10 - 20%; đồng thời thông qua IoT giúp quản lý chuỗi liên kết phân tích dưỡng chất đất, giá thể, nước tưới, quản lý sâu bệnh hại, phân tích dữ liệu và nhật ký điện tử điều chỉnh quy trình canh tác hiệu quả; góp phần kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công t hương, sàn TMĐT Shopee và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) - đơn vị quản lý sàn TMĐT Postmart đã hỗ trợ đưa nông sản và các sản phẩm tiêu biểu của địa phương lên sàn TMĐT.

Công ty Cổ phần Nguyên Long (Đạ Sar, Lạc Dương) cũng đã đưa 2 sản phẩm là Nấm hương Langbiang và Nấm hương ăn liền của mình lên sàn TMĐT Voso.vn, Shopee và nhận được sự đón nhận, phản hồi rất tốt từ khách hàng. 

Ông Trương Bình Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nguyên Long cho biết: Xác định việc bán hàng trên các kênh thông tin điện tử, các trang mạng rất hiệu quả và phù hợp với xu thế thời đại, chính vì vậy, công ty đã và đang tìm kiếm thêm các đối tác để đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Theo ông Nguyên, việc tham gia sàn TMĐT là một hoạt động rất thiết thực, các chủ thể sản phẩm sẽ mở rộng hướng để xúc tiến thương mại, giúp cho các sản phẩm đặc sản của địa phương không chỉ vươn tầm trong nước mà còn hướng đến mở rộng thị trường quốc tế.

Bên cạnh việc đưa các sản phẩm lên các sàn TMĐT, việc chuyển đổi số còn giúp doanh nghiệp, HTX hiện diện trên môi trường điện tử nhiều hơn với các tiện tích của google, youtube, facebook... truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được minh bạch thông tin, nhật ký chăm sóc được nhập liệu đầy đủ các thông tin về hoạt động canh tác, chăm sóc, thu hái và vận chuyển...

Bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, Lâm Đồng thuộc nhóm phát triển TMĐT ở mức trung bình của cả nước và đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Từ chỉ số xếp hạng có thể thấy năm 2021, Lâm Đồng có sự phát triển về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; các doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến việc sử dụng các công cụ trực tuyến để hỗ trợ cho công việc kinh doanh của mình. Hiện, toàn tỉnh có 12 website cung cấp dịch vụ TMĐT và 160 website bán hàng của doanh nghiệp đã được Bộ Công thương xác nhận.

Để phát triển TMĐT phục vụ cho tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, các cấp tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm ở địa phương thông qua các nền tảng công nghệ số. Đây được xem là biện pháp phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đồng thời cũng là định hướng lâu dài nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả.

Sở Công thương đã và đang khẩn trương kết nối các doanh nghiệp phân phối với các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ nông sản với sản lượng lớn đang gặp khó khăn về thị trường. Đồng thời, Sở phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã ở các địa phương chủ động ứng dụng TMĐT để phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Sở Công thương luôn đồng hành với doanh nghiệp sản xuất, HTX địa phương, sản phẩm địa phương, thông qua các chương trình có ý nghĩa và hiệu quả như “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn TMĐT như: Voso.vn, Sendo.vn,... Đây cũng là một trong những chương trình quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”; đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần nhất định hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, người nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia.

(CÒN NỮA)

* Tít do Dân Việt đặt lại


Theo Hoàng Yên (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem