Chuyển đổi số trong lĩnh vực Bất động sản, xu hướng tất yếu để bắt kịp thời đại

Khải Phạm Thứ ba, ngày 13/12/2022 16:44 PM (GMT+7)
Nhờ chuyển đổi số, những giao dịch mua bán Bất động sản sẽ tiết kiệm đến 30% thời gian và tối ưu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Bất động sản chiếm 11% GDP

Chiều nay (ngày 13/12), Diễn đàn bất động sản 2022 với chủ đề Proptech - Xu hướng tất yếu của thị trường đã được báo Thanh Niên tổ chức. Diễn đàn có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; GS - TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo Chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Về phía đơn vị tổ chức, có bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực Bất động sản, xu hướng tất yếu để bắt kịp thời đại - Ảnh 1.

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Khải Phạm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Đặng Thị Phương Thảo - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, Diễn đàn bất động sản năm 2022 với nội dung rất thiết thực về sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản gắn với chuyển đổi số.  

Kể từ năm 1986, Việt Nam tiến hành Đổi mới, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là tại các thành phố lớn, đồng thời thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bất động sản tạo ra nhu cầu về lao động và thúc đẩy các ngành khác phát triển như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và nhà ở kết nối với thị trường đất đai và các dịch vụ môi giới, pháp lý và định giá.

Cụ thể, theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây ngày càng tăng và chiếm khoảng 11% (trong đó, ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%). Theo tính toán, tỷ lệ tác động lan tỏa của bất động sản là 1,3 - 1,4, tức là cứ 1% tăng trưởng bất động sản sẽ tạo ra 1,3 - 1,4% tăng trưởng GDP nền kinh tế.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, trong nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52/NQ-TW về tham gia cuộc cách mạng số, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ... Những chủ trương này đã khẳng định chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, chứ không còn là sự lựa chọn.

Tại Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021. Dù vậy, theo nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, chuyển đổi số nói chung và trong thị trường bất động sản nói riêng dù có cơ hội rất lớn, song vẫn còn đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, “cơn sốt” trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vừa qua, cùng với ách tắc trong huy động nguồn vốn, cơ chế và chính sách chưa đầy đủ… khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản, dự án bị đình trệ, đóng băng; hàng trăm nghìn lao động và cán bộ, nhân viên mất việc làm.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021, cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công, trong đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ là 111.640 giao dịch. Lượng giao dịch tăng nhưng lại chủ yếu là các giao dịch trực tiếp truyền thống, gây tốn kém chi phí, thiếu công khai, minh bạch và tốn rất nhiều thời gian.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp Bất động sản nhanh nhạy

Bà Phương Thảo chia sẻ: “Nằm trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, bất động sản cũng sẽ phải chuyển mình mạnh mẽ. Bởi chỉ có chuyển đổi số trong chặng đường này thì các bất động sản mới có cơ hội vô giá để phát triển. Và Proptech (Property technology) chính là công cụ, phương thức tối ưu nhất để chúng ta sử công nghệ giúp cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu, giao dịch, mua bán, thuê, cho thuê và quản lý trong lĩnh vực bất động sản".

Theo bà Thảo, với Proptech, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm 30% thời gian và tối đa hóa chi phí lợi nhuận. Khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột có thể mua nhà, mua đất trong chớp mắt.

Thực tế, trong vài năm qua, các công ty khởi nghiệp của Proptech trong ngành bất động sản đã mang đến nhiều sản phẩm mới; các ứng dụng ưu việt, hiện đại đã và đang ra đời, phát triển hết sức đa dạng, sôi động. Tuy nhiên, cũng có không ít các startup Proptech gặp khó khăn, kêu gọi vốn lên tới cả hàng chục triệu USD song vẫn phải rời bỏ thị trường. Điều đó cho thấy thách thức vô cùng lớn, bên cạnh cơ hội vàng của Proptech.

Về nguyên nhân đã được đề cập rất nhiều từ thiếu vốn, thiếu cơ chế chính sách, thiếu nhân lực, yếu về công nghệ... Vì vậy, việc tháo gỡ những khó khăn này, đồng thời đưa ra các giải pháp đúng đắn là nhiệm vụ rất lớn của Chính phủ, cũng như các thành viên tham gia thị trường.

Trong bối cảnh này, Báo Thanh Niên đã quyết tâm kết nối tổ chức diễn đàn về chuyển đổi số trong bất động sản. Diễn đàn sẽ gồm có 2 phần nội dung quan trọng: tham luận toàn cảnh về thị trường bất động sản và chuyển đổi số và tọa đàm kiến nghị các chính sách hỗ trợ phát triển.

"Hy vọng diễn đàn khi kết thúc sẽ có một “Kiến nghị thư” chất lượng với đầy đủ các giải pháp từ các chuyên gia, doanh nghiệp, khách hàng… để gửi tới Chính phủ. Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục theo sát các nội dung kiến nghị, phản biện, đóng góp xây dựng để cùng chung tay xây dựng một thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước", nhà báo Đặng Thị Phương Thảo nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem