Nông thôn mới Nam Định: Số hóa sản phẩm OCOP lợi đủ đường

Đ. Lực - M. Chiến Thứ hai, ngày 13/03/2023 19:20 PM (GMT+7)
Một trong những giải pháp quan trọng đang được tỉnh Nam Định chú trọng thực hiện trong Chương trình OCOP là đẩy mạnh chuyển đổi số. Qua đó, giúp các chủ thể làm quen với công nghệ thời kỳ cách mạng nông nghiệp 4.0.
Bình luận 0

Tăng cường chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định cho hay, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Nam Định chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương...

Nam Định: Số hóa để nâng tầm và lan tỏa sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định (ngoài cùng bên phải) tham quan cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Sở NNPTNT Nam Định đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn.

Bên cạnh đó, Văn phòng đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, Shopee… Đến nay đã có trên 150 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định chia sẻ về công cuộc chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Video: Mai Chiến

Theo ông Hữu, để góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề "Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP".

Chương trình diễn ra dưới hình thức livestream trực tuyến trên Fanpage "Sản phẩm OCOP Nam Định" với sự tham gia của trên 25 sản phẩm đến từ các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Chương trình thu hút đông đảo người xem, người tương tác.

Nam Định: Số hóa để nâng tầm và lan tỏa sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Hằng năm, Sở NNPTNT Nam Định tổ chức các phiên chợ nhằm quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

"Livestream đã thu hút được đông đảo người xem và tương tác trực tuyến về các sản phẩm trên nền tảng Facebook. Đại diện các chủ thể đã mang đến chương trình những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với mục đích thông qua livestream trực tuyến, các sản phẩm OCOP sẽ đến gần hơn với đông bảo mọi người trên cả nước; từng bước tạo nền tảng vững chắc để sản phẩm OCOP có mặt trên thị trường trong cả nước", ông Hữu nói.

Có thể thấy, Chương trình OCOP đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại, cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các Hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.

Nhờ chuyển đổi số, chủ thể OCOP kết nối với bạn hàng qua "chợ mạng"

Được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều năm nay, anh Trần Văn Phúc, Chủ cơ sở sản xuất nước mắm, mắm cáy Ninh Cường (thị trấn Ninh Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã tích cực tham gia các sự kiện hội chợ, hội nghị nhằm quảng bá sản phẩm truyền thống của gia đình mình.

Anh Phúc bảo, tham gia sự kiện hội chợ, hội nghị, anh kết nối được với nhiều bạn hàng ở các tỉnh, thành trong cả nước. Bởi vậy, ở đâu trong hoặc ngoài tỉnh có hội chợ, hội nghị là ở đó có sản phẩm nước mắm và nước mắm cáy của gia đình anh.

"Hội chợ được coi là kênh bán hàng rất chạy, được nhiều khách hàng, người tiêu dùng quan tâm và chú ý đến. Bởi, họ được tận mắt nhìn thấy sản phẩm, được cầm trên tay, thậm chí được dùng thử sản phẩm ngay tại gian hàng trưng bày", anh Phúc thổ lộ.

Nam Định: Số hóa để nâng tầm và lan tỏa sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Ngày hội Livestream với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP” thu hút nhiều người xem và tương tác. Ảnh: Mai Chiến.

Theo anh Phúc, ngoài quảng bá sản phẩm, bán hàng ở hội nghị, hội chợ; gia đình anh còn bán hàng trực tiếp tại cơ sở sản xuất. Đặc biệt, để nắm bắt kịp xu hướng công nghệ 4.0, anh đã đăng tải thông tin sản phẩm lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… Qua đó, số lượng sản phẩm bán ra tăng lên rõ rệt.

"Thời buổi công nghệ 4.0 nên tôi cũng phải đổi mới cách thức bán hàng. Nhờ áp dụng chuyển đổi số, bán hàng trên các nền tảng số nên tôi đã kết nối được với nhiều khách hàng, mọi giao dịch mua bán giữa 2 bên diễn ra rất thuận lợi", anh Phúc chia sẻ.

Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Đó là, sản phẩm nước mắm Ninh Cường và sản phẩm nước mắm cáy Ninh Cường.

Với quy mô tổng đàn lợn dao động từ 300 - 350 con/lứa, HTX Chăn nuôi đa dạng sinh học Trực Thái (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) do anh Nguyễn Văn Thục làm Giám đốc đã đầu tư lò giết mổ với công suất lên đến 10 con/ngày.

Nam Định: Số hóa để nâng tầm và lan tỏa sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

HTX Nông sản sạch Trực Thái (xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đẩy mạnh bán hàng trên “chợ mạng”. Ảnh: Mai Chiến.

Lợn sau khi giết mổ được pha lọc, cắt xẻ, thái miếng cung cấp cho khách hàng. Ngoài cung ứng thịt lợn hơi, HTX còn chế biến thành các sản phẩm chín (như giò, ruốc, xúc xích…). Các sản phẩm ngoài bán trực tiếp tại cửa hàng, HTX còn đẩy mạnh kênh bán hàng trên "chợ mạng".

Theo đó, hàng ngày, HTX đăng tải thông tin sản phẩm, kèm theo số điện thoại di động lên Fanpage Facebook "Nông sản sạch Trực Thái" để khách hàng, người tiêu dùng nắm bắt được và chủ động liên hệ với HTX.

Hiện tại, HTX đã có 3 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm được bán trực tiếp tại cửa hàng và bán trên mạng xã hội Facebook. Nhờ bán hàng qua mạng xã hội, HTX đã mở rộng được thị trường tiêu thụ.

"HTX áp dụng chuyển đổi số trong khâu bán hàng đã được 1 thời gian dài. Theo tôi, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội cũng được coi là chuyển đổi số, bởi qua không gian mạng đã giúp HTX kết nối, tương tác được với nhiều khách hàng", anh Thục tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem