Chuyên gia: Cần cân nhắc khi hạ thêm lãi suất

13/08/2020 14:03 GMT+7
Việc giảm lãi suất cần cân nhắc đến tác động tỷ giá và khả năng "USD hóa" trong xã hội. Chuyên gia cho rằng hạ thêm lãi suất là khả thi, nhưng mức độ phải tuỳ thuộc vào thị trường.

Trong tọa đàm FiinTrade Talk#2 do Fiin Group tổ chức, vấn đề lãi suất tiền gửi được các diễn giả đưa ra thảo luận. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh đề cập mặt bằng lãi suất huy động từ đầu năm đã thấp hơn 100 điểm cơ bản và tốc độ giảm nhanh từ tháng 5 đến hiện tại (80 điểm cơ bản).

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, nhận định mặt bằng lãi suất giảm như hiện nay là hợp lý vì thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dư thừa, nhu cầu tín dụng thấp.

Theo ông Tú Anh, khả năng tăng lãi suất sẽ khó nhưng việc giảm thêm cũng cần cân nhắc một số yếu tố khác như tỷ giá. Nếu lãi suất giảm thấp quá, khiến chênh lệch tỷ giá giữa VND và USD âm, người dân sẽ chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, dẫn đến tình trạng "USD hóa". Mặt khác, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng anh hưởng của dịch bệnh trong làn sóng thứ 2 không quá lớn như giai đoạn đầu tiên vì người dân, doanh nghiệp nền kinh tế cũng đã phần nào thích ứng. 

Chuyên gia: Cần cân nhắc khi hạ thêm lãi suất - Ảnh 1.

Hội thảo triển vọng cơ hội chứng khoán nửa cuối năm 2020 của FiinGroup.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định mặt bằng huy động lãi suất trung bình tại các NHTM cổ phần kỳ hạn 13 tháng dao động 6 - 6,5%/năm. Nếu so với mức lạm phát kiểm soát dưới 4%, việc giảm thêm lãi suất là khả thi, mức độ phải tuỳ thuộc vào thị trường.

Theo các chuyên gia, với cán cân thương mại thặng dư, Việt Nam sẽ tăng được dự trữ ngoại hối trong năm nay. Do đó, cung cầu ngoại tệ và khả năng giữ ổn định tỷ giá không quá lo lắng. Ông Linh dự kiến mức giảm từ 6,5%/năm xuống 5,8%/năm, gửi tiền VND vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với giữ USD với lãi suất 0%. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng giảm lãi suất huy động đã và đang thúc đẩy dòng tiền chuyển sang kênh trái phiếu. Lãi suất trung bình trái phiếu sơ cấp của doanh nghiệp (phi ngân hàng) khoảng 10%, đây là mức khá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng (cao nhất khoảng 8%/năm). Mức chênh lệch 2% khiến nhiều người cảm thấy có lợi nhuận phù hợp để chấp nhận rủi ro tại kênh trái phiếu. 

Trâm Anh/NDH
Cùng chuyên mục