Chuyên gia khí tượng: Có gì bất thường hay không trong đợt nắng nóng đầu tiên của năm 2023?

L.V.S Thứ ba, ngày 21/03/2023 15:24 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những thông tin mới nhất về diễn biến đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2023. Cụ thể, từ ngày mai 22/3, miền Bắc và miền Trung sẽ ghi nhận sự tăng nhiệt nhanh chóng.
Bình luận 0

Tin mới nhất về diễn biến đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong năm 2023

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định chưa thể khẳng định đợt nắng nóng lần này có gì bất thường hay không vì cần phải có thời gian để theo dõi thêm.

Cụ thể, từ ngày hôm nay 21/3, các tỉnh Bắc Bộ trời chủ đạo là nắng, ít mưa. Nắng xuất hiện từ sớm và đến trưa chiều nhiều nơi đạt ngưỡng nắng nóng trên 35 độ C. Những ngày tiếp theo đó, nắng nóng khả năng gia tăng, riêng các tỉnh phía Tây Bắc và Hà Nội có nơi nắng nóng vượt ngưỡng 37 độ C.

Từ ngày 21-24/3, các tỉnh Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế nắng nóng cũng xuất hiện trên diện rộng với mức nhiệt trên 36 độ C. Các khu vực khác của Trung Bộ thời tiết có nắng, có nơi xuất hiện nắng nóng cục bộ.

Chuyên gia khí tượng: Chưa thể khẳng định có gì bất thường hay không trong đợt nắng nóng đầu tiên năm 2023 - Ảnh 1.

Chia sẻ với PV Dân Việt, Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có những thông tin mới nhất nhận định về diễn biến đợt nắng nóng đầu tiên trong năm 2023.

Còn tại Nam Bộ, từ đầu tháng 3 đến nay, nắng nóng đã liên tiếp xuất hiện nhiều ngày do ảnh hưởng của hệ thống áp cao cận nhiệt đới kết hợp với áp thấp nóng phía Tây. Dự báo, thời tiết nắng nóng ở Nam Bộ sẽ tiếp diễn trong nhiều ngày tới với mức nhiệt trên 35 độ C, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi trên 37 độ C.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, nắng nóng sẽ gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ vào tháng 4 và 5.

Trong quãng thời gian giao mùa chuyển tiếp giữa nóng và lạnh, cần đề phòng những hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, lốc, sét, dông.

Cũng trong ngày 22/3, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ. Các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ thành phố Đà Nẵng đến Phú Yên, có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C; có nơi trên 36 độ C.

Chuyên gia khí tượng quốc gia cảnh báo trong những ngày tới, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, nên một số nơi có thể có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.

Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Năm 2023 thời tiết nắng nóng gay gắt hơn năm 2022

Trước đó, chia sẻ với PV Dân Việt, chuyên gia thời tiết Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết về xu thế nhiệt độ, nắng nóng năm 2023.

Chuyên gia khí tượng: Chưa thể khẳng định có gì bất thường hay không trong đợt nắng nóng đầu tiên năm 2023 - Ảnh 2.

chuyên gia thời tiết Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia: "Dự báo nắng nóng năm 2023 ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022".

Cụ thể, ông Hưởng cho biết các tháng nửa đầu năm 2023, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.

"Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4-8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ" ông Hưởng lưu ý.

Nhận định thêm về diễn biến thủy văn năm 2023, ông Hưởng cho biết từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông suối hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%; thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng Hạ lưu sông Hồng-Thái Bình, trong tháng 1-2, mực nước xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 10-20%, do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân.

Mùa lũ năm 2023, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Riêng các sông suối nhỏ lớn hơn trung bình nhiều năm.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%. Riêng một số sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, lượng dòng chảy ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Đối với khu vực Nam Bộ, trong mùa khô năm 2023, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022.

Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2-3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2023.

Với diễn biến dòng chảy trên, ông Hưởng lưu ý các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem