Chuyên gia “mách nước” kênh đầu tư an toàn giữa bão giá bủa vây

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 18/03/2022 07:18 AM (GMT+7)
Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng, tìm kênh trú ẩn. Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư cũng đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư.
Bình luận 0

Các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn

Trong một dự báo vào tháng 1/2022, Bloomberg cho rằng lạm phát tại Việt Nam năm nay có thể tăng vọt lên 3,45%, tức mức tăng nhanh bậc nhất so với các nền kinh tế châu Á khác trong bối cảnh áp lực nhập khẩu lạm phát và tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục.

Đáng chú ý, dự báo này được đưa ra trước cả khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ gây thêm sức ép cho lạm phát và chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi sức ép từ chiến sự ở Ukraine khiến giá cả trên thị trường hàng hóa thế giới, từ dầu thô cho đến kim loại, lương thực thực phẩm tăng vọt; mục tiêu kiểm soát lạm phát tại Việt Nam đang bị đặt trước nhiều thách thức.

Bão giá bủa vây, tiền nhàn rỗi "trú ẩn" vào đâu? - Ảnh 1.

Giá xăng dầu tăng, hàng loạt hàng hóa tăng giá. (Ảnh: N.Q)

TS.Võ Trí Thành – Chuyên gia kinh tế cho biết, mặc dù áp lực lạm phát đối với Việt Nam đã xuất hiện từ cuối năm 2021 nhưng bước sang năm nay, các yếu tố gây lạm phát đều đã có nhưng trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay. Điều này làm ông Thành lo ngại, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% là khó có thể đạt được.

Còn theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến nhóm giao thông, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (các nhóm này chiếm đến 28,5% trong rổ hàng hóa tính CPI), đồng thời tác động vòng 2, vòng 3… đến các nhóm hàng hóa khác và gây áp lực lên CPI tổng thể.

Ông Lực ước tính, nếu giá xăng dầu bình quân năm 2022 tăng 30-40% so với năm 2021, GDP sẽ giảm tốc độ tăng trưởng từ 1,2 – 1,5 điểm % năm 2022 và lạm phát sẽ đội lên từ 0,8 – 1 điểm %.

Bão giá, phòng thủ vào vàng và bất động sản?

Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng, tìm kênh trú ẩn.

Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán… và tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm.

Tại Việt Nam, dòng tiền đầu tư của người dân, nhà đầu tư cũng đang có sự dịch chuyển giữa các kênh đầu tư.

Đối với kênh tiền gửi ngân hàng, mặc dù lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng từ nay đến cuối năm nhưng kênh tiết kiệm vẫn chưa thực sự hấp dẫn khi mặt bằng lãi suất huy động được dự báo vẫn duy trì mức thấp. Do đó, kênh tiền gửi ngân hàng, phù hợp với những nhà đầu tư "tiền ít" và khẩu vị rủi ro thấp.

"Mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm vừa qua đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm như trước kia.

BVSC dự báo tăng trưởng tiền gửi dân cư vẫn thấp trong năm nay khi người dân có nhiều sự lựa chọn đầu tư với mặt bằng lãi suất còn ở mức thấp", báo cáo của BVSC đề cập.

Bão giá bủa vây, tiền nhàn rỗi "trú ẩn" vào đâu? - Ảnh 3.

Mức lãi suất giảm sâu trong 2 năm vừa qua đã khiến người dân tìm tới những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng khoán hay bất động sản, thay vì gửi tiết kiệm như trước kia. (Ảnh: SSB)

Chia sẻ với PV Dân Việt, giảng viên trường Học Viện Ngân hàng cho biết, lo lắng về lạm phát tăng vọt trong thời gian tới người dân, nhà đầu tư là có cơ sở, xu hướng dòng tiền đầu tư sẽ "ưu ái" hơn vào bất động sản và vàng.

"Bất động sản và vàng là 2 kênh đầu tư sẽ được người dân, nhà đầu tư ưu ái hơn khi áp lực lạm phát tăng cao, đặc biệt là vàng. Bởi tâm lý của người Việt Nam từ trước đến nay, vàng được xem là một trong những kênh bảo vệ tài sản của nhà đầu tư một cách tốt nhất.

Đồng tình với ý kiến cho rằng vàng thường được coi là một tài sản an toàn trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu, có thể tạo ra một đợt tăng giá đối với giá vàng quốc tế. Khi đó, giá vàng trong nước có thể trên 77 triệu đồng/lượng, trong bối cảnh những lo ngại hiện hữu về rủi ro lạm phát.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng.

"Bất kỳ kênh đầu tư nào cũng có rủi ro nhất định. Đặc biệt, trong thời điểm giá vàng biến động khủng khiếp như vừa rồi, cũng có người chớp được thời cơ thì sẽ hiện thực hóa được lợi nhuận, tức là không tham, cắt lời ngay khi đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên, hầu như đa số đều không làm được do mọi người đều kỳ vọng giá sẽ còn tăng hơn nữa, nên cứ gồng lãi, đến khi giá đảo chiều thì trở tay không kịp. Thực sự, sau khi tăng khủng khiếp, giá vàng đã "quay xe". Cú quay xe này đã khiến nhiều người "ngã ngựa" vì mua vàng lúc đỉnh với kỳ vọng giá lên", ông Hiếu nhấn mạnh.

Bão giá bủa vây, tiền nhàn rỗi "trú ẩn" vào đâu? - Ảnh 4.

Thời điểm này đầu tư vào vàng phải hết sức thận trọng.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022 dòng tiền sẽ tiếp tục tăng mạnh vào bất động sản, bất chấp lạm phát tăng, chủ yếu vẫn là thị trường đầu cơ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng chốt lời chứng khoán và đổ tiền sang bất động sản.

Đối với kênh đầu tư cổ phiếu, mặc dù cho rằng thị trường chứng khoán năm 2022 vẫn còn nhiều dư địa nhưng theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS đánh giá năm 2022 sẽ khó đầu tư hơn, nhiều thách thức hơn và đòi hỏi nhà đầu tư kiên nhẫn hơn. Điều này có thể hiểu được bởi thị trường chứng khoán thường sẽ tăng chậm lại sau một quá trình tăng rất mạnh.

Theo dự báo của ông Khánh đánh, giá VN-Index đang ở pha điều chỉnh đã kéo dài 2-3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha.

Ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400 – 1.410 điểm. Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan quá, dù thị trường lên hay xuống, điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào.

"Đôi khi, bất chấp lạm phát, dòng tiền vẫn trú ẩn ở một số mã chứng khoán.Trong năm tới, không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên", ông Khánh gợi ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem