Chuyện lạ Sài Gòn: U70 đi xóa nghèo cho “người dưng khác họ”

Trần Đáng Thứ ba, ngày 20/10/2020 19:10 PM (GMT+7)
Cũng là 1 trong 26.000 hộ hiến đất làm nông thôn mới (NTM) ở TP.HCM, nhưng ông Ba Đức còn đặc biệt hơn khi giúp hàng chục hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả.
Bình luận 0

Nghỉ hưu năm 2006, chưa chịu an dưỡng tuổi già, lão nông Ba Đức (Hoàng Minh Đức) về xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) mua đất mở trại ương cá giống.

Kéo nhau thoát nghèo

Trên diện tích 4.500m2, ông Ba Đức xây dựng 6 ao nuôi cá bố, cá mẹ để lai giống. Bình quân, sản lượng cá bột mà trang trại của ông sản xuất hàng năm khoảng 100.000 con.

Thời điểm đó, nông dân xã Thái Mỹ chủ yếu là nuôi cá thương phẩm theo kiểu truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ mô hình của mình, ông Ba Đức đánh giá nghề ương cá giống hoàn toàn có khả năng mang lại hiệu quả cho nông dân dù diện tích nhỏ khoảng 1.000m2. Ông phát động nông dân xã Thái Mỹ nuôi cá giống. Lúc đầu chỉ 10-15 hộ trong xã tham gia, đến nay đã được gần 60 hộ, mỗi hộ nuôi từ 2-5 ao ương giống.

U70 đi xóa nghèo cho “người dưng khác họ” - Ảnh 1.

Ông Ba Đức đang kiểm tra cá bố mẹ trước khi cho ương cá bột. Ảnh: P.V

"Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định và làm giàu từ ương cá bột thì nay tôi cũng muốn giúp đỡ lại bà con từng có hoàn cảnh giống mình. Mặt khác, cũng giúp địa phương giải quyết việc làm cho một số lao động lớn tuổi, vươn lên làm giàu".

Ông Ba Đức

Hôm tôi đến thăm, ông lôi ra khu đất rộng khoảng 1ha giáp ranh 2 ấp Bình Thượng và Bình Hạ Đông để giới thiệu các hộ ương cá do ông trợ giống. 

Ông Ba Đức kể, trong phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu, nhiều năm qua ngoài hàng chục hộ khó khăn trong xã ông đã hỗ trợ con giống, còn có hơn chục hộ tại đây mỗi hộ được ông giúp khoảng 300.000 con cá bột để bước đầu có tư liệu sản xuất. Ông cũng thường xuyên bán chịu cho nhiều nông dân thiếu vốn, đến sau vụ thu hoạch cá mới thu tiền.

Anh Thạch Diện - một nông dân ương cá giống cho biết, anh đến đây thuê đất làm 3 ao ương cá hơn năm nay. Sau vụ ương cá trê giống đầu tiên, anh lời được 50 triệu đồng. 

"Nghe tiếng ông Ba Đức ương cá bột tốt, theo lời rủ rê của anh em quê nhà, tôi lên TP.HCM mua cá bột của ông Đức để ương cá giống bán. Ở Trà Vinh chưa có thị trường, lại cũng chưa có trại ương cá bột nên chúng tôi phải lên đây làm. Cá bột của ông Ba Đức chất lượng tốt nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn được ông Ba hỗ trợ giống hay bán chịu nên đỡ lo đồng vốn nhiều"- anh Thạch Diện thổ lộ.

Chung tay xây dựng NTM

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, kết quả lớn nhất của quá trình phát động xây dựng NTM trên địa là đã làm khơi dậy tính tích cực của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ tham gia. Khi chương trình xây dựng NTM được triển khai, ông Ba Đức là 1 trong những hội viên nông dân tích cực tham gia. Lão nông này đã hiến 400m2 đất, trị giá 400 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn tạo điều kiện cho bà con nông dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản được thuận lợi. 

"Ông Ba Đức là 1 trong số rất nhiều tấm gương điển hình đang từng ngày góp sức cùng Củ Chi xây dựng, phát triển NTM" - ông Lê Đình Đức chia sẻ.

Theo ông Ba Đức, ông tích cực tham gia chương trình NTM của địa phương cũng chỉ muốn góp tay xây dựng vùng đất giàu truyền thống yêu nước này, và cũng muốn nâng đỡ các hộ khó khăn thoát nghèo, vươn lên khá giả. "Gia đình tôi có được cuộc sống ổn định và làm giàu từ ương cá bột thì nay tôi cũng muốn giúp đỡ lại bà con từng có hoàn cảnh giống mình. Mặt khác cũng giúp địa phương giải quyết việc làm cho một số lao động lớn tuổi, vươn lên làm giàu" - ông Ba Đức nói.

Chia sẻ về ông Ba Đức, ông Phạm Phú Cường - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Củ Chi cũng cho rằng, ông Ba Đức không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố, mà còn là người nghĩa tình với quê hương, bà con Củ Chi.

Bằng nhiều cách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Củ Chi tăng từ 40 triệu đồng/năm (2015) lên hơn 69 triệu đồng/năm (2019). Theo ông Lê Đình Đức, kết quả NTM mà huyện đạt được mới chỉ là một số kết quả bước đầu. Vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục, đổi mới để phát triển tương xứng với tiềm năng của huyện. 

Hiện, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm đổi mới, công tác dạy nghề nông thôn chưa đảm bảo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

"Đây là các vấn đề mà xã, huyện cần tập trung, có giải pháp cụ thể để giải quyết trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo. Trong đó, huyện rất cần những tấm gương như ông Ba Đức" - ông Lê Đình Đức nhấn mạnh.

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem