Có sân bay Long Thành, chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành lưỡng dụng "lợi ích rất lớn"?

Thế Anh Thứ năm, ngày 09/02/2023 19:22 PM (GMT+7)
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng, chuyển đổi sân bay quân sự Biên Hoà, Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng, dùng chung với dân sự có lợi lớn là không tốn kém đất đai và kinh phí.
Bình luận 0

Chuyển đổi sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng có lợi lớn

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam dự thảo chuyển đổi các sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng theo mô hình cảng hàng không là chỉ khi thu hút được nhà đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Việc bổ sung 2 sân bay quân sự Thành Sơn và Biên Hòa sang khai thác lưỡng dụng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai đang đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, thì việc chuyển đổi sân bay Biên Hoà có hợp lý và phát huy hiệu quả hay không?

Có sân bay Long Thành, chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành lưỡng dụng "lợi ích rất lớn"? - Ảnh 1.

Sân bay Biên Hòa. Ảnh: baodongnai.com.vn

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng: "Việc chuyển đổi sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng dùng chung với dân sự có lợi lớn là không phải xây dựng sân bay dân sự mới rất tốn kém về cả đất đai và kinh phí". 

"Mặt khác, đây cũng thuộc chiến lược dung hợp quân sự dân sự trong lĩnh vực hàng không, bao gồm cả hoạt động khai thác sân bay và hoạt động nghiên cứu chế tạo máy bay kể cả máy bay không người lái",  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.

Theo  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, hầu hết các sân bay dân sự hoạt động hiện nay là sân bay hỗn hợp dân sự quân sự, trong đó có nhiều sân bay lúc đầu hoàn toàn là quân sự như sân bay Cam Ranh, sân bay Thọ Xuân...

"Vấn đề chính cần xem xét là có nhu cầu hàng không dân sự cho việc sử dụng sân bay quân sự đó không",  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đặt vấn đề.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho hay: "Nhu cầu của một sân bay mới cho một tỉnh càng cao khi cự ly cách sân bay lân cận càng lớn. Cự ly 100 km và thời gian đi 2 giờ có thể là mốc cự ly để xem xét nhu cầu của sân bay mới".

Đối với trường hợp sân bay Biên Hòa,  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng: "Xét theo nhu cầu hàng không bổ sung cho sân bay Tân Sơn Nhất, chứ không xét theo cự ly".

Có sân bay Long Thành, chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành lưỡng dụng "lợi ích rất lớn"? - Ảnh 2.

Sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên quá tải. Ảnh: N.N

"Sân bay Tân Sơn Nhất đang bị quá tải, dù mở rộng tăng năng suất lên 50 – 60 triệu hành khách/năm cũng sẽ bị quá tải và cần sân bay bổ sung để đáp ứng nhu cầu hàng không của khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận, chủ yếu là Miền Đông Nam Bộ", PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống nói về sự cần thiết của sân bay Biên Hoà.

Mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng

Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống phân tích, sân bay Long Thành được xây dựng với mục đích bổ sung cho sân bay Tân Sơn Nhất, tuy nhiên vì vấn đề đền bù giải tỏa và thiếu vốn đầu tư nên dễ xảy ra chậm tiến độ.

Hiện nay, không có căn cứ gì rõ ràng để biết chắc lúc nào sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động. Mặt khác ngay cả khi sân bay Long Thành được xây dựng xong giai đoạn 1 với năng suất 25 triệu hành khách/năm thì kết nối giao thông đường bộ với TP.HCM và với Miền Tây cũng không đáp ứng nhu cầu hành khách hàng không đến sân bay Long Thành.

Vì thời gian đi lại và chi phí cao sẽ hạn chế hành khách sử dụng sân bay Long Thành. Hành khách hàng không Miền Tây sẽ tập trung về sân bay Cần Thơ khi sân bay phát triển đúng vai trò trung tâm hàng không khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, có nhu cầu cấp thiết về hàng không dân sự để chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành sân bay hỗn hợp quân sự dân sự để tài nguyên đất sân bay và bầu trời được khai thác sử dụng hiệu quả vì lợi ích chung của quốc gia.

Có sân bay Long Thành, chuyển sân bay quân sự Biên Hòa thành lưỡng dụng "lợi ích rất lớn"? - Ảnh 3.

Sân bay Long Thành đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Ngọc Hải

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống chỉ ra, sân bay Biên Hòa có hai đường băng cất hạ cánh dài 3048 m và diện tích tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất nên có thể phát triển thành sân bay có năng suất 40 – 50 triệu hành khach/năm. Sân bay Biên Hòa cách sân bay Tân Sơn Nhất 30 km và ở vị trí kết nối với QL 1A, với đường sắt cũng như có thể kết nối đường metro với TP.HCM.

"Trên cơ sở vật chất có sẵn của sân bay Biên Hòa, chi phí để cải tạo chuyển thành sân bay hỗn hợp có năng suất 40 – 50 triệu HK/năm ước tính khoảng 1,5 tỷ USD", PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống nêu ra vấn đề.

PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cho biết thêm: "Sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa cần được tổ chức lại thành cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa để tất cả quỹ đất hiện nay của hai sân bay cũng như vùng trời được khai thác sử dụng chung cho hoạt động hàng không dân sự và quân sự".

Như vậy, cụm sân bay này sẽ vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng cho TP.HCM và cho cả nước. Khi đó, Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay nội địa đường dài, còn sân bay Biên Hòa phục vụ các chuyến bay nội địa đường ngắn và vận chuyển hàng hóa.

Nói về sân bay Thành Sơn vừa được Cục Hàng không bổ sung vào dự thảo quy hoạch báo cáo Bộ GTVT,  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống đánh giá: "Sân bay Thành Sơn ở TP.Phan Rang tỉnh Ninh Thuận chỉ cách sân bay Cam Ranh 67 km và thời gian đi 72 phút nên không có nhu cấu hàng không dân sự cho việc chuyển thành sân bay hỗn hợp".

Theo  PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống, sân bay Thành Sơn có 3 đường băng cất hạ cánh đều dài 3050 m nhưng chỉ còn một đường băng hoạt động còn 2 đường kia bỏ hoang. Mặt khác dân số thành phố Phan Rang chỉ 160 ngàn người và dân số cả tỉnh Ninh Thuận chỉ 612 ngàn người nên lượng hành khách hàng không hàng năm cũng rất ít, ngoài ra khách du lịch còn bị thu hút về hai phía Nha Trang và Phan Thiết.

Việc chuyển sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay hỗn hợp dân sự quân sự không khả thi vì không có nhu cầu hành khách và các hãng máy bay không có đủ hành khách để mở đường bay giữa Thành Sơn với các sân bay khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem