Chuyển sàn HOSE, "kẻ khóc người cười"

Quang Dân Thứ năm, ngày 11/02/2021 14:48 PM (GMT+7)
Năm 2020 thị trường chứng khoán chứng kiến làn sóng chuyển sàn của không ít những doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Cao su Việt Nam, Vinaconex, Dược phẩm Bến tre...từ UpCOM, HNX sang HOSE...
Bình luận 0

Doanh nghiệp chuyển từ UpCOM sang HOSE lãi lớn

Ngay từ đầu năm 2020, sàn HOSE đã đón 4 tỷ cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) chuyển từ UpCOM sang. Ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE vào 17/3/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 11.570 đồng/cổ phiếu trong khi GVR đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên UpCOM ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng cổ đông công ty đã "tạm mất" đi 940 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu ngay khi doanh nghiệp chuyển sàn.

Đến nay, sau 1 năm chuyển sàn, chốt phiên giao dịch ngày 9/2/2021, cổ phiếu GVR đã tăng gần 100%, lên 24.500 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt Thanh khoản cũng rất ổn định với hàng triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

Chuyển sàn sang HOSE, doanh nghiệp "kẻ khóc người cười" trong năm 2020  - Ảnh 1.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) chuyển từ UpCOM sang HOSE

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2020, Tập đoàn Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 23.032 tỷ đồng, thực hiện 93% kế hoạch cả năm, tăng gần 3% so với doanh thu năm 2019. Lợi nhuận trước thuế của GVR đạt 4.955 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch và tăng 6% so với năm 2019.

Trong đó, doanh thu công ty mẹ đạt 4.071 tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch đề ra, lãi trước thuế 2.962 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch năm 2020.

Năm 2021, VRG phấn đấu kế hoạch hợp nhất toàn Tập đoàn có doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng; doanh thu riêng Công ty mẹ – Tập đoàn 4.610 tỷ đồng và lợi nhuận riêng 2.900 tỷ đồng.

Một "ông lớn" khác chuyển sàn từ UpCOM sang HOSE là Tổng CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex (BCM). Becamex IDC đưa hơn 1,03 tỷ cổ phiếu BCM lên giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào 31/8/2020. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 28.000 đồng/cổ phiếu.

Đáng nói, BCM đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom ở mức 30.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, xuất phát điểm khi chuyển sàn, nhà đầu tư đã "tạm mất" đi 2.100 đồng trên mỗi cổ phiếu sở hữu.

Tuy nhiên BCM đã tạo "ấn tượng" khi tăng trần 6 phiên liên tiếp khi gia nhập HOSE. Hiện BCM đang giao dịch quanh mức 41.600 đồng/cổ phiếu.

Sau khi chuyển sàn, hiện tại Becamex IDC chưa tiến hành tăng vốn điều lệ, trong khi đó công ty đã thanh toán cổ tức 1 lần, danh sách chốt ngày 25/11/2020 với tỷ lệ chi trả 4% bằng tiền mặt.

Kết thúc năm 2020, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của BCM đạt 7.723 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế đạt 2.149 tỷ đồng, giảm 18,3% so với năm 2019. Trong đó ghi nhận lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.958 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát đạt 190,6 tỷ đồng.

Năm 2020, ban lãnh đạo BCM đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 6.016 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 931 tỷ đồng. Như vậy, năm qua, BCM đã vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 28,3% doanh thu thuần và 130,8% lợi nhuận sau thuế.

Chuyển từ HNX sang HOSE, kẻ khóc người cười 

Theo đó, sau 12 năm niêm yết tại sàn Hà Nội, ngày 29/12/2020 Vinaconex (VCG) đã chuyển sang sàn HOSE với giá tham chiếu cho cổ phiếu VCG trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa 18.500 tỷ đồng.

Đáng nói, ngay trong phiên giao dịch cùng ngày, cổ phiếu VCG khớp giá giao dịch quanh mức 45.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá thị trường khoảng 19.877 tỷ đồng tại cùng thời điểm, ghi nhận mức tăng khoảng 8%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/2/2020, giá cổ phiếu của VCG niêm yết ở ngưỡng 48.200 đồng, tương ứng mức tăng khoảng 15% so với ngày 29/12/2020.

Chuyển sàn sang HOSE, doanh nghiệp "kẻ khóc người cười" trong năm 2020  - Ảnh 3.

Vinaconex chuyển sang sàn HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 41.800 đồng/cổ phiếu

Về tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2020, dù VCG chỉ đạt 5.495,4 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, giảm 42,2% so với thực hiện năm 2019 nhưng biên lợi nhuận gộp hợp nhất được cải thiện, tăng lên mức 15,27% từ mức 13,79% của năm 2019.

Cùng doanh thu tài chính tăng đột biến, chủ yếu là từ hoạt động tái cấu trúc vốn đầu tư, các chi phí bán hàng, quản lý giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế đạt 1.712,2 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng 117,6% so với thực hiện năm 2019 và hoàn thành gấp gần 2,1 lần kế hoạch của năm 2020, mặc dù chi phí dự phòng phải thu tăng 1.178 tỷ đồng trong năm 2020.

Tương tự, sau 11 năm niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX, Công ty cổ phần Dược phẩm Bến Tre (DBT) đã chính thức chuyển sang niêm yết trên HOSE từ cuối tháng 10 với tổng khối lượng chứng khoán đăng ký niêm yết là hơn 13,5 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 135 tỷ đồng.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.000 đồng/cp, tương ứng với mức định giá 203 tỷ đồng. Biên độ dao động trong ngày chào sàn là 20%, đồng nghĩa giá cổ phiếu có thể biến động trong khoảng 12.000 – 18.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, kết thúc ngày 9/2/2021, cổ phiếu DBT niêm yết ở mức 13.700 đồng/cp, giảm 9% so với ngày niêm yết. Kết quả kinh doanh có phần giảm sút là một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu Dược Phẩm Bến Tre rớt giá trong thời gian qua.

Kết thúc năm 2020, Dược phẩm Bến Tre ghi nhận doanh thu thuần đạt 843 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2019. Tuy nhiên, các chi phí tăng cao khiến lãi ròng doanh nghiệp chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, giảm 48%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem