Chuyện sinh tử từ nơi cứu sống những bệnh nhân đột quỵ

Thứ bảy, ngày 24/04/2021 06:52 AM (GMT+7)
Sau hơn 5 tháng kể từ khi đưa vào hoạt động, Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị hàng nghìn bệnh nhân, trong đó nhiều người đang ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết...

Phút quyết đoán cứu bệnh nhân đột quỵ nguy cấp ở Bệnh viện Bạch Mai

Cách đây gần 1 tuần, anh Lã Văn Đại (36 tuổi, quê Thanh Hoá) đang giờ nghỉ trưa thì thấy đau đầu, chóng mặt. Không lâu sau, tình trạng cơ thể anh mỗi lúc một xấu, chân tay co cứng. 

Anh vốn làm nghề lắp đặt, sửa chữa điện nước ngoài Hà Nội, vợ con cùng người thân đều ở quê. Thấy sức khoẻ anh Đại bất thường, đồng nghiệp nhanh chóng đưa vào Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 1.

Bác sĩ Trung tâm đột quỵ cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Khi được đưa tới bệnh viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê. Chụp CT não, các bác sĩ phát hiện tắc mạch máu lớn trong đầu, nếu không kịp thời phẫu thuật sẽ khó giữ được tính mạng. 

Tuy nhiên, thời điểm bệnh nhân đến cấp cứu không có người thân ký cam kết đồng ý mổ, thứ 2 là việc ký đồng ý thanh toán phi phí điều trị lên đến hơn 100 triệu đồng cho các thủ thuật. Những người đồng nghiệp đưa anh Đại vào viện cũng không dám "ký bừa"…

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 3.

Anh Đại tỉnh táo sau khi trải qua ca phẫu thuật bị đột quỵ nguy kịch.

Trước tình huống cấp bách cần cứu chữa bệnh nhân ngay, kíp trực đã xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện cho kíp trực mổ. Về chi phí mổ quá lớn trong khi người nhà bệnh nhân không có mặt, ca trực đã xin ý kiến PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ.

"Bệnh nhân bị đột quỵ sẽ có khoảng thời gian vàng rất quan trọng. Ca phẫu thuật bệnh nhân bắt buộc sử một hai loại thuốc hết khoảng 26 triệu đồng. Đồng thời, bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật lấy máu tụ trong mạch máu não của bệnh nhân mất khoảng 60-120 triệu đồng.

Bình thường, tất cả bệnh nhân cần có người nhà ký đồng ý cho bác sĩ dùng thủ thuật, chi trả tiền phẫu thuật. Nhưng bệnh nhân này không có người thân, đồng nghiệp không dám ký. 

Trước tình huống sinh tử như thế, là giám đốc Trung tâm, tôi đồng ý chịu trách nhiệm về mặt tài chính làm sao tập trung cứu chữa cho người bệnh. Nếu người bệnh không có khả năng chi trả, tôi sẽ là người phải chịu trách nhiệm", PGS.TS Mai Duy Tôn chia sẻ.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 4.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ quyết đoán gấp rút cứu sống bệnh nhân.

Ca phẫu thuật nhanh chóng được tiến hành đã cứu sống anh Đại từ "cõi chết" trở về. Sau 5 ngày điều trị, tại bệnh viện, hiện sức khoẻ anh Đại dần hồi phục. Đứng bên cạnh chăm sóc cho chồng, chị Phạm Thị Nhung (32 tuổi, vợ anh Đại) không khỏi bồi hồi xúc động. Nghĩ lại lúc chồng bị đột quỵ, chị Nhung vẫn chưa hết sợ hãi.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 5.

Hiện tại anh Đại đã dần bình phục.

"Chiều 18/4, tôi đang ở quê thì nhận được tin đồng nghiệp của chồng báo tin anh bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu gấp. Tôi vội vã đi xe từ quê ra. Quãng đường kéo dài 4 tiếng ấy, tôi vừa khóc vừa gọi điện cho người thân. Tôi nhờ một người em trước đây từng ở khu nhà trọ đến viện giúp. Khi ra tới nơi cũng vừa là lúc chồng tôi trải qua ca mổ. Bác sĩ nhìn thấy tôi an ủi 'yên tâm, qua nguy kịch rồi'. Nghe bác sĩ nói, tôi mừng đến phát khóc", chị Nhung kể lại.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 6.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 7.

PGS.TS Mai Duy Tôn gọi điện điều hành công tác chữa bệnh từ xa.

Không lâu sau đó, chồng chị Nhung hồi tỉnh lại. Nhìn thấy nhau, cả hai vợ chồng bật khóc vì hạnh phúc. 

"Sau gần 1 tuần điều trị, các bác sĩ nói anh có thể được xuất viện. Một tuần nữa quay lại viện tái khám. Tuy nhiên, do nhà ở xa, tôi xin ở lại ít ngày để sức khoẻ của chồng được ổn định. 

Thật may mắn khi chồng tôi được cứu sống kịp thời. Nếu chậm chút nữa hoặc nếu bác sĩ không quyết đoán chờ người nhà đến đóng tiền mới tiến hành mổ cấp cứu thì không biết chồng tôi sẽ ra sao nữa. Tôi cảm ơn các bác sĩ rất nhiều. Những ngày qua, mọi người luôn quan tâm, chăm sóc, hết lòng vì người bệnh", chị Nhung xúc động chia sẻ.

Tiếp lời vợ, anh Đại xúc động: "Các bác sĩ ở Trung tâm đột quỵ đã trao cho tôi được sống lần 2. Tôi xin cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều".

Một tiếng cứu sống một người đột quỵ

Không riêng gì chị Nhung mà rất nhiều trường hợp bệnh nhân khác khi đến Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đều rơi vào tình trạng nguy cấp. Ngồi bên chăm sóc cho mẹ, Vũ Thị Hoài Thương (20 tuổi, quê huyện Ý Yên, Nam Định) chia sẻ, cách đây 3 ngày, mẹ mình là chị Mai Thị Duyên (42 tuổi) vừa trải qua phút thập tử nhất sinh.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 8.

Chị Duyên tỉnh táo sau một ngày nguy cấp vì đột quỵ.

Ngày 20/4, đang ở quê chị Duyên có biểu hiện đột quỵ. Ngay lập tức, chị được người thân đưa đến bệnh viện huyện sau đó chuyển lên Bệnh viện tỉnh Nam Định. Thấy bệnh nhân có dấu hiệu nặng, các bác sĩ đề nghị gia đình chuyển gấp lên Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai.

"Gia đình em đưa mẹ lên đến nơi lúc hơn 18h chiều. Sau khi chụp chiếu, bác sĩ xác định mẹ bị tai biến mạch máu não. Ca phẫu thuật kéo dài 1 tiếng đó là khoảng thời gian dài nhất trong cuộc đời em. Bước từ phòng mổ ra, bác sĩ nói người nhà yên tâm, lúc đó em cùng bố mới vơi bớt lo lắng", Thương kể.

Mấy ngày nay, sức khoẻ của chị Duyên đã dần ổn định trở lại. Chị cũng mong sớm bình phục để trở về bên gia đình.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 9.

Mỗi tháng Trung tâm đột quỵ cấp cứu cho hàng nghìn bệnh nhân.

PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, kể từ khi thành lập tới nay hơn 5 tháng, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai đã cấp cứu cho khoảng 5.500 người bệnh bị đột quỵ. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người bệnh đột quỵ mới mắc, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất.

Trong cuộc đời hành nghề, PGS.TS Mai Duy Tôn không thể nhớ mình đã cứu sống được bao nhiêu người bệnh bị đột quỵ.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 10.

Những câu chuyện sinh tử phía sau phòng bệnh tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 11.

Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân phục hồi chức năng sau đột quỵ.

"Quan điểm của tôi là tập trung cứu chữa người bệnh trước tiên. Bệnh nhân bị đột quỵ cần phải cấp cứu nhanh chóng. Không thể chờ người nhà bệnh nhân có hay chưa có tiền đóng viện phí, có bảo hiểm hay không… Nếu bệnh nhân không có tiền sau sẽ có cách. Có trường hợp bệnh nhân không có tiền tôi kêu gọi mọi đồng nghiệp, nhà tài trợ đến chi trả nhưng cái được đó là mang lại sự sống cho người bệnh", PGS.TS Mai Duy Tôn nói.

Đợt vừa qua, người dân tỉnh Hải Dương bị phong toả do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Có trường hợp người bệnh bị đột quỵ khiến các y bác sĩ địa phương phải "bó tay" và gọi điện "cầu cứu" Trung tâm đột quỵ. Nếu không cứu kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ vỡ mạch máu não và nguy cơ tử vong cao. Trung tâm đột quỵ đã báo cáo xin lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đưa bệnh nhân lên.

"Trớ trêu thay, hai người nhà đưa bệnh nhân lên phải thực hiện biện pháp cách ly, xét nghiệm phòng dịch Covid-19. Họ cũng không mang theo tiền, không gửi tiền từ quê lên được vì mọi người cũng phải thực hiện cách ly. 

Trước tình huống này, tôi gọi điện cho Phòng công tác xã hội chia sẻ đây là trường hợp bất khả kháng cần can thiệp ngay. Người nhà ký cam kết đồng ý cho bác sĩ cấp cứu ngay, sau khi hết cách ly sẽ quay về trả tiền. Phương án là làm sao tập trung cứu chữa tốt nhất cho người bệnh", Giám đốc Trung tâm đột quỵ chia sẻ thêm. 

Gia Khiêm - Vũ Quang Linh
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem