Chuyện về Kì họp Quốc hội đầu tiên chỉ diễn ra trong vòng 4 giờ

Đức Minh (t/h) Thứ ba, ngày 02/03/2021 09:16 AM (GMT+7)
Hôm nay (2/3/2021), tròn 75 năm Quốc hội tiến hành kỳ họp đầu tiên (2/3/1946). Đây là mốc son có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Bình luận 0

Tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và dân chủ

Sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức được thành lập. Hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, lần đầu tiên trên đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến có một Quốc hội do nhân dân bầu, đại diện cho những người lao động, với 403 đại biểu (trong đó có 333 đại biểu được bầu chính thức và 70 đại biểu bổ sung theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các đảng phái khác).

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập có 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu là người các dân tộc thiểu số, thành phần của Quốc hội khóa I chủ yếu là công nhân, nông dân, trí thức, chiến sĩ cách mạng (chiếm khoảng 65%), còn lại Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội và các đảng phái khác chiếm khoảng 35%.

Chuyện về Kì họp Quốc hội đầu tiên chỉ diễn ra trong vòng 4 giờ - Ảnh 1.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, Kỳ họp thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam. Ảnh: TL

Theo Biên bản của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I, gần 2 tháng sau ngày Tổng tuyển cử, đúng 8 giờ sáng ngày 2/3/1946, Quốc hội tiến hành kỳ họp đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Do điều kiện đất nước vừa giành được độc lập, kẻ thù đang lăm le quay lại xâm lược nước ta, nên chỉ có gần 300 đại biểu tham dự.

Chính giữa diễn đàn Nhà hát là lá cờ nền đỏ sao vàng, hai bên treo cờ các đảng, phái khác, và nổi bật là khẩu hiệu lớn "Kháng chiến - Kiến quốc". Cụ Ngô Tử Hạ là đại biểu cao tuổi làm Chủ tịch kỳ họp, hai đại biểu trẻ là Nguyễn Đình Thi và Đào Thiện Thi làm thư ký đoàn. Trong phiên họp đã có hơn 100 bức điện của đồng bào khắp cả nước gửi về chào mừng Quốc hội và tin tưởng Quốc hội sẽ sáng suốt lãnh đạo quốc dân.

Khai mạc kỳ họp, nhạc "Tiến quân ca" và "Hồn tử sĩ" được cử hành nghiêm trang. Nhân danh Chính phủ liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Toàn quốc Đại hội đại biểu, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau hai tháng Tổng tuyển cử.

Mở đầu báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 đã "tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết là chúng ta đã đoàn kết nhất trí". Người đề nghị với Quốc hội mở rộng số đại biểu ra thêm 70 người nữa ở hải ngoại về là Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội. Tất cả các đại biểu đã giơ tay tán thành đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đại biểu vừa được Quốc hội công nhận được mời vào hội trường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo tiếp những công việc Chính phủ liên hiệp lâm thời đã thực hiện trong 6 tháng qua, đó là: Thực hiện sự đoàn kết toàn dân, "Vua cũng thoái vị để làm người bình dân của nước tự do. Vua Bảo Đại đã trở nên ông Vĩnh Thụy, tối cao cố vấn cho Chính phủ dân chủ cộng hòa Việt Nam". Mặc dầu gặp nhiều khó khăn sau khi giành được chính quyền, "song nhờ ở sự ủng hộ nhiệt liệt của toàn thể đồng bào và lòng kiên quyết phấn đấu của Chính phủ, chúng ta đã làm được một số việc:

- Việc thứ nhất là ra sức kháng chiến.

- Việc thứ hai là giảm bớt sự đói kém bằng cách thực hành tăng gia sản xuất.

- Việc thứ ba là Chính phủ đã tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử.

- Việc thứ tư là do kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ấy mà có Quốc hội hôm nay".

Người nói tiếp: "Đồng thời Chính phủ cũng phải thừa nhận trước Quốc hội là còn nhiều việc lớn lao hơn nữa nên làm, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Chính phủ chưa làm hết"(3). Gánh nặng đó "Chính phủ để lại cho Quốc hội, cho Chính phủ mới mà Quốc hội cử ra". Thay mặt Chính phủ cũ, Người hứa với Quốc hội, với Chính phủ mới và quốc dân sẽ "hết sức đem tài năng cống hiến cho Tổ quốc".

Thiết lập bộ máy mới của Nhà nước

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Tuyên ngôn của Quốc hội, trong Tuyên ngôn có đoạn, "nền độc lập và dân chủ đã được lập nên, nhờ sự đoàn kết, hy sinh và chiến đấu của toàn dân... Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của Nhân dân Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh". Theo đó, Quốc hội đã thảo luận sôi nổi việc thành lập Ban Thường trực Quốc hội để thay mặt Quốc hội. Gần 40 ý kiến của các đại biểu đã phát biểu về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực. Các ý kiến tập trung vào 2 điểm chính. Một là, giao quyền của Quốc hội cho Ban Thường trực Quốc hội; hai là, căn cứ vào diễn biến của tình hình để định rõ những quyền cụ thể cho Ban Thường trực Quốc hội.

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn đã được xác định, Quốc hội đã quyết định bầu Ban Thường trực gồm 15 Ủy viên chính thức và 3 Ủy viên dự khuyết. Trưởng ban là cụ Nguyễn Văn Tố, 2 Phó Trưởng ban là các ông Phạm Văn Đồng và Cung Đình Quỳ. Các Ủy viên chính thức gồm các ông, bà: Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Chi, Dương Văn Dư, Hoàng Văn Đức, Xuân Thủy, Trịnh Quốc Quang, Đàm Quang Thiện, Nguyễn Tấn Ghi Trọng, Nguyễn Tri, Lê Thị Xuyến, Hoàng Minh Giám, Dương Đức Hiền. Các Ủy viên dự khuyết gồm: Nguyễn Văn Luyện, Phạm Bá Trực, Y Ngông Niếkđam.

Sau này, Ban Thường trực được bổ sung 4 đại biểu Nam Bộ, gồm: Tôn Đức Thắng và Dương Bạch Mai làm Ủy viên chính thức; Nguyễn Ngọc Bích và Huỳnh Tấn Phát làm Ủy viên dự khuyết.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, sau khi Chính phủ lâm thời từ nhiệm, Quốc hội đã thảo luận kỹ càng việc thành lập Chính phủ mới - Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Theo sự đề cử của Chủ tịch kỳ họp, cụ Ngô Tử Hạ, Quốc hội đã giơ tay nhất tề tán thành bầu cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ; Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và giao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch đứng ra thành lập Chính phủ mới.

Thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm: Chủ tịch: Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần. Các Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng; Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chu Bá Phượng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Anh; Bộ trưởng Bộ Xã hội kiêm Y tế, Cứu tế và Lao động Trương Đình Tri; Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Thai Mai; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe; Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa; Bộ trưởng Bộ Canh nông Bồ Xuân Luật; Cố vấn đoàn do Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy đảm nhận; Kháng chiến Ủy viên hội do ông Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch.

Trong diễn văn bế mạc kỳ họp, Người nói: "Bây giờ Quốc hội tạm thời bế mạc để cho tất cả anh em chúng ta đem một không khí đoàn kết, một cái không khí kháng chiến, một cái không khí kiên quyết, một cái không khí nhất định thành công về các địa phương và công tác... Đồng thời, chúng ta cũng hứa với nhau rằng: Quốc hội họp lần này là Quốc hội kháng chiến mà Chính phủ cử ra là Chính phủ kháng chiến. Tôi mong rằng Quốc hội họp lần sau sẽ là Quốc hội thắng lợi mà Chính phủ cũng là Chính phủ thắng lợi. Vậy tôi đề nghị hô khẩu hiệu:

- Kháng chiến thắng lợi !

- Kiến quốc thành công !

- Việt Nam độc lập muôn năm !(6)".

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp và Luật Lao động...

Chỉ diễn ra trong 4 tiếng đồng hồ (từ 9 giờ - 13 giờ 10 phút ngày 2.3.1946), Quốc hội Khóa I, Kỳ họp thứ nhất đã thiết lập được bộ máy nhà nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Bộ máy này có đủ hiệu lực và uy tín để tổ chức toàn dân kháng chiến, kiến quốc, đối nội và đối ngoại đi tới thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem