Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu”

Thứ ba, ngày 04/08/2020 15:20 PM (GMT+7)
“Chúng tôi coi đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình và thực hiện đúng lời Bác Hồ đã dạy: Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam", cựu thương binh Nguyễn Quốc Quang nhớ lại ký ức về đồng đội của ông với đất nước Triệu Voi.

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ người lính già Nguyễn Quốc Quang (SN 1948) trong ngôi nhà nhỏ tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) để nghe ông kể lại những câu chuyện về người chiến binh quân tình nguyện, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng quân và dân Lào.

Trở về ký ức, tháng 9/1968 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên lên đường nhập ngũ vào K17, đoàn 22 của Bộ Quốc phòng đóng tại Nghệ An. Sau 2 tháng huấn luyện, tháng 11/1968 ông được điều động sang Lào để làm quân tình nguyện Việt Nam tại tỉnh Bôlykhămxay, với nhiệm vụ giúp nước bạn Lào chống lại quân Phỉ Vàng Pao.

"Đợt đó chúng tôi có 500 người hành quân sang nước bạn Lào, lính mới, không ai biết tiếng Lào, nhưng chúng tôi đều hăng hái khi được đi làm nhiệm vụ. Bộ binh chiến đấu rất khó khăn, ngủ trong rừng, ăn lá cây, uống nước suối để sống qua ngày", ông Quang hồi tưởng.

Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu” - Ảnh 1.

Những thương tích trên cơ thể ông Quang khi chiến đấu ở nước bạn Lào.

Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu” - Ảnh 2.

Ánh mắt hồi tưởng về những kỷ niệm khó quên khi còn chiến đấu ở nước bạn Lào của ông Nguyễn Quốc Quang.

Năm 1970, hoàn thành nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn, ông và các đồng đội hành quân về nước, trấn thủ tại đèo ngang (Hà Tĩnh).

Ông kể lại: "Toàn bộ quãng đường hành quân về nước chúng tôi đều đi bộ, băng rừng băng suối. Tôi và đồng đội đi bộ hết 4 ngày đêm thì về tới Đèo Ngang (Hà Tĩnh), nhớ không nhầm quãng đường lúc đó là hơn 700 cây số".

Năm 1972, ông lại tiếp tục sang Lào chống lại quân phản động. Với mưu trí, nhanh nhẹn, lòng dũng cảm, ông đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn 44, lữ đoàn 176 đóng tại tỉnh Bôlykhămxay.

Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu” - Ảnh 3.

Huy chương nước Lào trao tặng.

Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu” - Ảnh 4.

Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Quang.

"Quân phản động gian xảo, thường hay tập kích bộ đội ta nên lúc nào cũng phải tỉnh táo. Điều khiến tôi và đồng đội giữ vững tay súng là sự nồng hậu của nhân dân Lào đối với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Mỗi khi hành quân qua làng bản, bà con đều chào đón chúng tôi như những người trong gia đình, dành cho điều kiện ăn ở tốt nhất", ông Quang xúc động nhớ lại.

Chuyện về người Tiểu đoàn trưởng từng bị địch bị treo thưởng để "lấy đầu” - Ảnh 5.

Bằng khen do Nhà nước Lào trao tặng vì sự nghiệp chiến đấu, giúp Lào.

Năm 1980, quân phản động Lào tập kích vào doanh trại tiểu đoàn 44, lữ đoàn 176 ở tỉnh Bôlykhămxay. Sau lần tập kích đó ông mất đi 6 người đồng đội, con mắt phía bên phải của mình mất đi vĩnh viễn.

Ông Quang còn nhớ như in: "Lúc đó là 4 giờ sáng, quân địch tập kích rất đông, doanh trại bị chúng đốt hết. Lúc đó hỏa lực địch rất mạnh, tình thế vô cùng hỗn loạn, không chần chừ tôi đã chỉ huy anh em "đánh lóng, chốt chặn", bình tĩnh, vừa đánh vừa lùi để bảo toàn lực lượng, đến 6 giờ sáng thì địch rút lui".

Năm 1982, khi đoàn cán bộ Quân khu 4 sang thăm đơn vị, đi qua địa bàn của tiểu đoàn 44 thì bị địch phục kích. Nhận được tin báo lữ đoàn 176 cùng với tiểu đoàn 44 đã tổ chức một cuộc truy kích đánh lại địch khiến chúng phải bỏ chạy sang Thái Lan, tiêu diệt 5 tên địch, thu giữ nhiều vũ khí.

"Sau lần tập kích đó kẻ thù ráo riết hoạt động, tổ chức nhiều đợt phục kích quân đội ta, chúng còn treo thưởng nếu ai giết được tôi thì sẽ nhận được 5000 Kíp (khoảng hơn 5 triệu tiền Việt Nam thời đó). Kể từ đó mỗi lần ra ngoài hoạt động tôi đều phải mặc thường phục và có người đi theo để bảo vệ", ông Quang kể

Năm 1986, ông Quang được điều về nước hoạt động tại tỉnh Nghệ An với chức vụ Trạm trưởng trạm khách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Đến năm 1990, ông về hưu với quân hàm Thiếu tá và nhiều huân huy chương kháng chiến do nước Lào trao tặng.

 

Lê Tập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem