Có app thông minh, ở đâu nông dân cũng được tư vấn kỹ thuật

Anh Thơ (thực hiện) Thứ năm, ngày 02/09/2021 08:22 AM (GMT+7)
TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) khẳng định, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng khuyến nông xác định phải tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động, coi đây là cơ hội để đẩy mạnh chuyển đổi số...
Bình luận 0

Hoạt động của đội ngũ khuyến nông thường gắn liền với những lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, nghĩa là mang tính cộng đồng rất cao. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến những hoạt động mang tính truyền thống này của khuyến nông buộc phải tạm dừng. Trung tâm KNQG có giải pháp gì để thích ứng, thưa ông?

- Đúng là dịch Covid-19 đã đặt chúng ta vào những tình huống chưa từng có tiền lệ. Dịch bệnh đã tác động đến mọi ngành, mọi lĩnh vực, với những ngành mang tính chất xã hội, cộng đồng càng lớn như khuyến nông thì tác động bởi dịch bệnh càng lớn bởi những hoạt động như diễn đàn, hội nghị đầu bờ, tham quan các mô hình sản xuất là một phần không thể thiếu của công tác khuyến nông. Trong hoàn cảnh đó buộc chúng tôi phải tự tìm kiếm cách làm mới.

gop/ Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông - Ảnh 1.

Mô hình thu gom rơm bằng máy cuốn rơm của Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế vẫn được triển khai bình thường. Ảnh: KNQG

Trung tâm KNQG cũng cho ra đời app "Khuyến Nông Xanh". Sử dụng app này, nông dân có bất kỳ thắc mắc về kỹ thuật canh tác, có thể chụp hình ảnh, gửi qua app sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể".

Thực tế, ngay từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ nhất, Trung tâm KNQG đã biến nguy thành cơ, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động khuyến nông như thực hiện họp online, tổ chức diễn đàn trực tuyến, đào tạo trực tuyến.

Mới đây nhất, ngày 17 - 18/8, Trung tâm KNQG đã tổ chức lớp tập huấn phương pháp và kỹ năng đào tạo trực tuyến khuyến nông với sự tham gia của 300 điểm cầu. 

Lớp tập huấn không những trang bị kiến thức cho học viên về ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các sự kiện khuyến nông trực tuyến mà còn là diễn đàn để các đơn vị cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong chuyển đổi số, công nghệ thông tin, tạo ra môi trường tương tác mới trong hoạt động chuyển giao công nghệ cũng như tổ chức các sự kiện để các hoạt động khuyến nông tiếp tục vận hành và phát triển.

Lớp học đã thu hút rất đông học viên tham gia, hơn 300 người, trong 2 ngày không xảy ra sự cố, không có sự thất thoát về lượng người tham gia học. 

Thông qua lớp tập huấn này, các học viên được trang bị và nâng cao kiến thức về sử dụng phần mềm Zoom trong đào tạo online như: Các điều kiện cần để kết nối vào phần mềm Zoom, cách download phần mềm Zoom, cách tạo tài khoản trên Zoom, tạo 1 buổi meeting (đào tạo), các bước thiết lập trong phòng họp Zoom, các vấn đề kỹ thuật thường gặp và cách xử lý lưu ý sử dụng phòng họp Zoom.

img

"Tôi cho rằng những ứng dụng công nghệ thông tin như thế này không chỉ thích ứng với điều kiện dịch Covid-19 mà sẽ trở thành phổ biến trong tương lai, từ đó tăng hiệu quả tương tác, cùng hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp số.

Ông Lê Quốc Thanh

Học viên cũng được trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về tổ chức và giảng dạy online từ cách đánh giá nhu cầu đào tạo online, cách lựa chọn học viên, cách chuẩn bị trước khi giảng, cách giao tiếp với học viên, cách chuẩn bị bài trình chiếu; những lưu ý khi thiết kế nội dung, hình ảnh, video, ghi âm trong giảng dạy và tham gia lớp tập huấn online; cách tổ chức thảo luận, đánh giá khóa tập huấn online. 

Bên cạnh đó, lớp tập huấn cũng giới thiệu phần mềm Mobile App trong khuyến nông để triển khai ứng dụng cho hoạt động khuyến nông trong thời gian tới.

Đối với hoạt động xây dựng mô hình thì sao thưa ông, liệu dịch Covid-19 có khiến hoạt động này bị gián đoạn?

- Thông qua hình thức đào tạo trực tuyến, họp trực tuyến nên cho đến thời điểm này, tất cả các mô hình do Trung tâm KNQG tổ chức đều đang vận hành bình thường. Chúng ta đã nhận thấy nhiều ngành đã có sự đứt gãy nhưng riêng sản xuất nông nghiệp thì không.

Những người tham gia làm mô hình với khuyến nông cũng là những nông dân sản xuất bình thường, khi cần có sự tư vấn của các bộ kỹ thuật, chuyên gia, họ vẫn nhận được sự tư vấn thông qua hình thức trực tuyến. 

Do không trực tiếp đi hiện trường nên trong các bài giảng cần tăng nhiều hình ảnh mô tả các thao tác kỹ thuật hay các triệu chứng bệnh hại. 

Lớp học trực tuyến cũng nên tổ chức trong thời gian ngắn, tránh kéo dài lớp học khiến cả giảng viên và học viên đều mệt mỏi, khó tập trung.

Có thể khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin trong tập huấn online rất cần thiết cho hệ thống khuyến nông để tiếp tục triển khai hoạt động trong giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài. 

Việc tổ chức lớp tập huấn phương pháp và kỹ năng đào tạo trực tuyến khuyến nông là gợi mở cho các đơn vị áp dụng để triển khai các sự kiện khuyến nông như diễn đàn, tập huấn, hội thảo, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật online.

Mới đây, trong Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Chủ động giảm giống, phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện dịch Covid-19" do Trung tâm KNQG tổ chức, nhiều địa phương đề cập đến việc sử dụng các app trong điện thoại thông minh để hỗ trợ nông dân. Ông đánh giá như thế nào về ứng dụng này?

- Thời gian qua, Trung tâm KNQG có phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền triển khai gói canh tác lúa thông minh ở 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu xây dựng các gói kỹ thuật canh tác tích hợp để giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiến tới sử dụng nước thông minh hơn và góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng thu nhập cho nông dân. 

Đến nay, mô hình đạt được nhiều kết quả khả quan, hàng ngày hàng giờ được ứng dụng, trong đó có việc ứng dụng thiết bị thông minh trong canh tác lúa.

Trung tâm KNQG cũng cho ra đời app "Khuyến Nông Xanh" được xây dựng trên nền tảng tương tác nhanh nhất với nông dân. 

Sử dụng app này, nông dân có bất kỳ thắc mắc về kỹ thuật canh tác, có thể chụp hình ảnh, gửi qua app sẽ được các chuyên gia tư vấn cụ thể.

 Ví dụ như vấn đề hạn mặn, trước có những dấu hiệu bất thường như thế, nay hạn mặn diễn biến khác, cây trồng có biểu hiện sinh trưởng khác, khi nông dân mô tả trên app sẽ được chuyên gia gợi ý, tư vấn các biện pháp kỹ thuật.

Hiện, app Khuyến Nông Xanh đã được giới thiệu cho tất cả hệ thống khuyến nông và đi vào vận hành. Nhóm chuyên gia tiếp nhận thông tin và tư vấn. 

Sau này khi dung lượng dữ liệu đủ lớn thì sẽ dùng trí tuệ nhân tạo. Ví dụ, 1.000 lần chụp ảnh cây trồng, vật nuôi có biểu hiện dịch bệnh như vậy thì app sẽ tự động trả lời thông qua ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo).

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem