dd/mm/yyyy

“Có chế tài bảo vệ người cấp tin khai thác cát, sỏi trái phép, Thanh Hóa quyết trồng 3 triệu cây xanh/năm”

Trên là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang sau khi nghe báo cáo dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án bảo vệ khoáng sản, cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như Dự thảo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025.

Khai thác cát sỏi không được gây sạt lở, mất đất sản xuất nông nghiệp

Chiều 14/1, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe báo cáo dự thảo Quyết định của UBND ban hành phương án bảo vệ khoáng sản, cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, Thanh Hóa có nhiều sông, suối, trong đó có 2 hệ thống sông lớn là sông Mã và sông Chu, dọc 2 tuyến sông này với nhiều mỏ cát.

“Có chế tài bảo vệ người cấp tin khai thác cát, sỏi trái phép, Thanh Hóa quyết trồng 3 triệu cây xanh/năm” - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, lắng nghe, cho ý kiến dự thảo Quyết định quan trọng này.

Căn cứ nhu cầu cát, sỏi để xây dựng công trình, dự án xây dựng trên địa bàn, những năm qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập, phê duyệt quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác và phê duyệt trữ lượng khoảng 10 triệu m³.

Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp 56 giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng. Tính đến hết tháng 9/2020 có 46 giấy phép còn hiệu lực, 10 giấy phép đã hết hạn khai thác, trong đó 7 mỏ đã được UBND tỉnh ra quyết định đóng cửa, 3 mỏ đang chỉ đạo các đơn vị làm thủ tục đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

“Có chế tài bảo vệ người cấp tin khai thác cát, sỏi trái phép, Thanh Hóa quyết trồng 3 triệu cây xanh/năm” - Ảnh 2.

Tàu hút cát của Công ty Cổ phần Thương mại Đức Lộc (Thanh Hóa) hút cát trái phép tại khu vực đất canh tác nông nghiệp của gia đình nông dân Mai Văn Tuấn (thôn Yên Tôn Hạ, xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) xong đem về tập kết tại mỏ cát số 30. Ảnh chụp ngày 10/8/2020.

Đánh giá về tình hình khai thác cát, sỏi thực tế còn phát sinh những phức tạp, có mỏ ảnh hưởng tới đời sống người dân gần khu vực cũng như môi trường.

Thậm chí, có mỏ còn vi phạm quy định. Trong khi đó, việc ngăn chặn các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và quản lý sản lượng khai thác có nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá, khai thác cát sỏi trên các dòng sông còn những vấn đề nhức nhối, còn nhiều sai phạm tồn tại.

"Cần quy định chặt, có chế tài dẹp bỏ những mỏ sai phạm, nhanh chóng đưa hoạt động này vào quy củ, tránh gây thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, mất đất bãi bồi sản xuất nông nghiệp của nông dân hay gây hư hỏng đê điều, mất an ninh - trật tự trên địa bàn…" - ông Lê Đức Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho rằng, dự thảo xây dựng vẫn còn điều chung chung, né tránh, mới nêu được nhiệm vụ của từng đơn vị, cần bổ sung cụ thể hình thức xử lý người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi sai quy định. Thậm chí, cần bổ sung thêm trách nhiệm của cả cán bộ cấp thôn, xóm, thêm nội dung khuyến khích và chế tài cụ thể để bảo vệ người cung cấp thông tin khai thác cát, sỏi trái phép.

Phấn đấu trồng thêm 15 triệu cây xanh

Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cũng đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Dự thảo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 do Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa trình nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng Đề án trên cơ sở đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tác động đến phát triển cây xanh trên địa bàn, thực trạng phát triển cây xanh giai đoạn 2016-2020.

Dự thảo Đề án đặt ra mục tiêu mỗi năm trồng khoảng 3 triệu cây xanh các loại, trong giai đoạn 2021-2025 toàn Thanh Hóa trồng 15 triệu cây xanh các loại, xây dựng được những hàng cây, dải rừng, khu rừng cảnh quan môi trường sinh thái mang đậm bản sắc các dân tộc…

Phát biểu kết luận nội dung dự thảo Đề án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá cao đơn vị soạn thảo đã xây dựng Đề án một cách chi tiết, rõ ràng, mạch lạc.

“Có chế tài bảo vệ người cấp tin khai thác cát, sỏi trái phép, Thanh Hóa quyết trồng 3 triệu cây xanh/năm” - Ảnh 3.

Ông Lê Đức Giang chủ trì, nghe báo cáo Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

"Đề án trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng và thực hiện đề án là rất cần thiết và cấp bách" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang lưu ý một số điểm cần thiết phải bổ sung vào dự thảo Đề án như nêu rõ hơn cơ sở pháp lý xây dựng và thực hiện Đề án; sự cần thiết của việc xây dựng và thực hiện Đề án đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thiên nhiên.

"Phần đánh giá thực trạng, đề nghị đơn vị soạn thảo phối hợp với các sở, ngành để có đánh giá tổng thể, sát thực, làm cơ sở để xây dựng mục tiêu chi tiết, cụ thể cho Đề án. Hay như phần mục tiêu cần bám vào sáng kiến trồng một tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vào ngày 10/11/2020 để xây dựng mục tiêu thực hiện cho cả giai đoạn. Đơn vị soạn thảo Đề án cần điều chỉnh tăng mục tiêu trồng cây xanh các loại trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho phù hợp với khả năng, điều kiện thực tế" - PCT Lê Đức Giang.

"Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Xây dựng đánh giá thực trạng, mục tiêu trồng cây xanh tại các khu đô thị; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải để đánh giá lộ trình trồng cây xanh cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; phối hợp với Sở Tài chính để dự toán kinh phí. Trong 10 ngày, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến của các sở, ngành hoàn thiện nội dung báo cáo, trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy xem xét, chuyển Đề án thành kế hoạch thực hiện" - PCT Lê Đức Giang.

Riêng về dự thảo Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh trình bày được xây dựng trên cơ sở điều tra, đánh giá hiện trạng các loại tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn ở huyện Lang Chánh.

Dự thảo Đề án đã làm rõ 6 điểm du lịch, 18 điểm tham quan, 19 tuyến du lịch, các dự án đầu tư và các sản phẩm, giải pháp nâng cao sinh kế của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đánh giá cao việc đánh giá thực trạng cũng như phương án phát triển của Đề án mà Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chuẩn bị, theo đó thống nhất với tên của Đề án.

Đối với phương án phát triển, PCT tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang đề nghị đơn vị soạn thảo Đề án cần bổ sung một số tour, tuyến trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch. Có giải pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược để thực hiện Đề án.

"Đề án này cần bảo đảm 5 mục tiêu: Bảo vệ và phát triển rừng theo Luật Lâm nghiệp 2017; Phát triển kinh tế địa phương; Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; Tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường thiên nhiên bền vững".

PV