"Cò đất" miền sơn cước được "vỗ béo" trăm triệu từ chiêu thức đơn giản

Minh Khôi Thứ năm, ngày 09/09/2021 06:30 AM (GMT+7)
Ăn theo các cơn "sốt đất" nền vùng ven đô, không ít "cò đất" dùng chiêu thức "mua tận gốc, bán tận ngọn" thu lãi vài trăm triệu đồng, trong khi đó nhiều người mua nếu không tìm hiểu kỹ có thể hứng chịu thiệt hại vì giá đất ảo.
Bình luận 0

"Cò đất" đẩy giá

Dù dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp nhưng anh Nguyễn Hồng Quân (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn đặt nhiều kỳ vọng có thể đi săn tìm đất vườn ở các khu vực vùng ven hoặc các tỉnh giáp Hà Nội. Trong một buổi gặp mặt, trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách kéo dài, phóng viên đã ghi nhận những chia sẻ của anh Quân trong hành trình tìm mua đầu tư đất vườn.

Theo anh Quân chia sẻ, ngay từ đầu năm, anh đã khảo sát trên các trang web có nhiều thông tin rao bán đất vườn ở Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội), hay ở Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc (Hòa Bình)… Nhiều người đang rao bán mảnh đất rẻ hơn thị trường nhằm thu hồi vốn, cắt lỗ nên đây là lúc mua được giá hợp lý.

Anh Quân nghĩ rằng, giờ kênh đầu tư nào cũng rất khó khăn, nếu dồn tiền mua vài miếng đất vườn để đó, ít năm nó sẽ tăng giá, nhất là khi xu hướng người đầu tư đất vườn làm homestay, farmstay ngày càng nhiều.

Vào thời điểm tháng 3 năm nay, khi các cơn "sốt đất" bùng nổ, anh Quân theo chân môi giới địa phương (cò đất) tại Hòa Bình tới xem đất khu vực hồ Đồng Chanh (huyện Lương Sơn). Theo môi giới này, đất quanh khu vực hồ giờ cũng không còn nhiều. Hiện tại, những lô đất đẹp nhất nhì ở nằm sát hồ đều có giá khá cao, nếu đầu tư thì sau bán ra cũng gấp 3 - 4 lần. Ví như lô đất rộng hơn 4.000m2, trong đó có hơn 400m2 đất thổ cư được chia thành 2 sổ đỏ đang được bán với giá 5 triệu đồng mỗi m2, chỉ sang tay thôi cũng thu 100 - 200 triệu/lô.

"Cò đất" miền sơn cước được "vỗ béo" trăm triệu từ chiêu thức đơn giản - Ảnh 2.

Mảnh đất môi giới dẫn anh Quân đi xem. Ảnh NVCC

Khi anh Quân chê đắt, môi giới tiếp tục dẫn anh đến khu vực xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn), các lô đất có giá dao động từ 2 - 3 triệu đồng/m2, chủ yếu bán các lô có diện tích hơn 1.000m2, gồm cả đất thổ cư và đất vườn. Mỗi lô đều có khả năng tăng giá vì khu vực này đang chuẩn bị xây dựng công viên, khu vui chơi, sân tennis…Tuy nhiên, anh Quân vẫn hẹn môi giới sẽ quay lại vào lần sau.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh kéo dài, hạn chế đi lại, và nhớ ra có người bạn đại học đang sinh sống làm việc tại Lương Sơn (Hoà Bình) nên anh Quân nhờ người bạn tìm hiểu thực tế, chụp ảnh, quay video lại một số khu đất rồi lựa chọn. Đáng chú ý, theo người bạn của anh Quân, những lô đất mà môi giới đưa anh đến xem lúc trước tại xã Hòa Sơn, chủ nhà rao bán giá gốc chỉ ở 1,5 triệu đồng/m2.

"Cò đất" miền sơn cước được "vỗ béo" trăm triệu từ chiêu thức đơn giản - Ảnh 3.

Mảnh đất anh Quân chốt mua. Ảnh NVCC

Lý do là dân ở quê, do khó khăn nên họ buộc phải bán ra với giá rẻ so với mặt bằng để có vốn làm việc khác hoặc xuống thành phố làm công nhân. Tranh thủ một ngày trước khi giãn cách xã hội, anh Quân đã tới những mảnh đất mà người bạn xem giúp, sau khi tìm hiểu và hỏi đúng là mảnh đất đó, anh Quân đã đặt cọc liền mảnh đất có diện tích 1.018m2 khi với giá hơn 1,2 tỷ đồng cách đường trục chính Quốc lộ 6 chỉ 50m.

"Thực sự rất may mắn khi có người quen ở nơi mình mua đất, vì họ là người địa phương nên mới biết rõ về giá trị cũng như nhu cầu của cả người bán và người mua. Nếu trước đó, mình nghe theo môi giới là coi như phải mua mảnh đất gần như đắt gấp đôi so với giá gốc", anh Quân cho hay.

Chủ đất bị ép giá

Qua câu chuyện của anh Quân, phóng viên liên hệ người bạn của anh – Cao Việt Tuân (Hà Nội). Trong câu chuyện môi giới "mua tận gốc, bán tận ngọn", anh Tuân cho hay, với chiêu trò của môi giới, người thiệt hại không chỉ nhà đầu tư như anh Quân mà còn cả người dân.

"Cò đất" miền sơn cước được "vỗ béo" trăm triệu từ chiêu thức đơn giản - Ảnh 4.

Một lô đất ở Lương Sơn được môi giới giới thiệu cho anh Tuân. Ảnh: NVCC

"Tôi nhớ, chỉ mới vài năm trước, nhiều khu vực ở Hòa Bình rất yên bình, cho đến khi các cơn sốt đất xuất hiện, môi giới khắp nơi tìm về mua đất. Lúc đó, nhiều người dân ở Lương Sơn, Kỳ Sơn, Kim Bôi vẫn chưa biết "sốt đất" là gì. Chỉ thấy khách hỏi mua đất, đều là những mảnh đất bỏ trống nên họ bán. Giá chỉ từ 300 triệu đồng/1.000m2 rồi tăng dần đến 500, 800 triệu đồng… đến giờ có chỗ lên tới vài tỷ/mảnh đất", anh Tuân nhớ lại.

Cũng theo anh Tuân, có không ít môi giới từ khi bắt đầu có "sốt đất" đã tìm về các khu vực thôn, xã, dò hỏi các mảnh đất của người dân và mua lại với giá không cao, thậm chí nếu có thể ép giá họ có thể ép.

Đơn cử như vài tháng trước, người chị gái của anh Tuân, cần bán mảnh đất 720m2, trong đó có 100m2 thổ cư với giá chỉ khoảng 900 triệu đồng, bởi nghĩ dù sao hai vợ chồng cũng đi làm công nhân, mảnh đất vườn bỏ trống đã nhiều năm.

Tuy nhiên, khi trao đổi với môi giới, người này ép giá giảm xuống 750 - 800 triệu đồng với lý do đại dịch khó khăn. Không những vậy, môi giới này đã cùng nhiều môi giới khác đến đặt vấn đề về việc họ phải tìm khách vất vả, lo giấy tờ cho khách rồi cả lý do mảnh đất ở chỗ hoang vắng chưa có hạ tầng…để hạ giá mảnh đất.

Tuy nhiên, gia đình chị anh Tuân còn đang cân nhắc bán hay không thì chỉ vài ngày sau, đã có môi giới dẫn khách từ Hà Nội đến xem đất. Có điều, sau khi môi giới đi, người khách Hà Nội cho biết, môi giới nói giá mảnh đất 1,7 tỷ đồng. Như vậy, tiền chênh lệch cò được hưởng lên tới vài trăm triệu đồng, chưa tính tiền hoa hồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem