Có EVFTA, xe ô tô hạng sang nhập khẩu chưa chắc đã rẻ
Cụ thể, theo các cam kết của EVFTA, sau 9 năm hiệp định có hiệu lực (khoảng năm 2029), thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc (dung tích trên 3.000cm3 cho động cơ xăng và trên 2.500cm3 cho động cơ diesel) sẽ về 0%. Ngoài ra, các loại ô tô khác sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% sau 10 năm. Đối với mặt hàng linh kiện, phụ tùng ô tô có thời hạn tối đa là 7 năm.
Trong đó, điển hình về ô tô hạng sang từ EU tại thị trường Việt Nam hiện nay, có thể kể tới các thương hiệu như: Mercedes-Benz, BMW, Audi, Porches, Volkswagen, Maserati, Peugeot, Bugatti, Ferrari, Fiat, Jaguar-Land Rover, Volvo,...
Điểm chung của các thương hiệu trên là có giá trị rất đắt, cơ bản không phục vụ số đông người Việt, nằm ở phân khúc xe hạng sang hoặc siêu sang. Theo nhận định từ giới chuyên môn, sau khi EVFTA có hiệu lực, giá một số thương hiệu ô tô nêu trên chưa chắc đã giảm do phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đặc biệt, đối với các dòng ô tô đến từ nước Anh, giá xe phụ thuộc vào việc nước này có tiếp tục tham gia Liên minh Hải quan châu Âu hay không? Hai là Anh và Việt Nam có ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, và hiệp định đó có quy định việc giảm, miễn thuế cho xe ô tô hay không?
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cũng đặt câu hỏi liên quan các loại thuế và phí khác áp dụng cho xe ô tô nhập khẩu sau khi các hiệp định thương mại có hiệu lực sẽ được giữ nguyên hay điều chỉnh tăng?
Được biết, hiện nay, người tiêu dùng Việt đang phải "gánh" đến 3 khoản thuế khi mua xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN, gồm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và VAT.
Cụ thể, thuế nhập khẩu ở mức 70-80%, thuế tiêu thụ đặc biệt phụ thuộc vào dung tích xy-lanh động cơ bằng 35 đến 150% giá xe ban đầu cộng thuế nhập khẩu. Thuế giá trị gia tăng là 10% giá xe sau khi đã tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Do đó, trung bình một chiếc ô tô nhập từ châu Âu khi về đến Việt Nam đã bị đội lên gấp 2-3 lần so với giá xuất xưởng. Theo dự báo của các chuyên gia, sau khi EVFTA có hiệu lực từ khoảng 9-10 năm, ngoài việc giảm được 70-80% giá trị của thuế nhập khẩu, 2 loại thuế trên cũng sẽ được giảm đi.
Theo đó, một ví dụ về chiếc Mercedes-Benz GLC 300 4Matic 2020 được nhập khẩu từ Đức đang được phân phối với giá 2,56 tỷ đồng. Nếu xóa bỏ được 70% thuế nhập khẩu, mức giá của mẫu SUV này chỉ khoảng 1,4 - 1,5 tỷ đồng, tiết kiệm cho khách hàng hơn 1 tỷ đồng.
Hoặc đối với chiếc SUV siêu sang Rolls-Royce Cullinan đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam với giá 32 tỷ đồng. Nếu EVFTA có hiệu lực, mẫu SUV đầu tiên của Rolls-Royce chỉ có giá khoảng 18-20 tỷ đồng, rẻ hơn 12 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết là như vậy, tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, giá xe từ EU chưa chắc giảm sâu. Trên thực tế, vào năm 2018 (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) thuế ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN gồm Thái Lan và Indonesia đã về 0%, tuy nhiên, cho tới hiện tại, giá xe đến tay người tiêu dùng vẫn không được giảm như đã dự tính.
Tương tự như ô tô từ ASEAN, giá xe châu Âu còn liên quan đến các chi phí về hệ thống đại lý, vận chuyển, tỷ giá. Nếu trong thời gian từ 9 đến 10 năm tới tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các ngoại tế thay đổi, dù chỉ vài %, giá xe cũng sẽ có nhiều biến động.