Cô giáo xinh đẹp làm ra sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của Lạng Sơn

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 30/10/2022 15:23 PM (GMT+7)
Lạng Sơn có khoảng 4.000ha trồng cây thạch đen ở các huyện Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia. Có hàng chục cơ sở chế biến sản phẩm thạch lâu năm, nhưng sản phẩm thạch đen đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn thuộc về một cô giáo người Tày.
Bình luận 0

Vừa làm cô giáo, vừa đi rao thạch đen

Tìm đến huyện vùng biên Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi được chị Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện, chuyên phụ trách những sản phẩm OCOP của huyện giới thiệu tới cơ sở chế biến thạch đen Chu Hạnh. 

Trưởng phòng NNPTNT huyện Văn Lãng cho biết, chị Chu Thị Hạnh (SN 1986) là cô giáo, sản phẩm thạch đen là nghề truyền thống của gia đình. Với tư duy của một nhà giáo dục, chị Hạnh đã tạo ra sản phẩm thạch đen có chất lượng dẫn đầu toàn tỉnh, đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên lạc với chị Hạnh để tìm hiểu về sản phẩm thạch đen, chị Hạnh thật thà nói: "Chiều nay em coi thi, các anh chịu khó chờ nhé". Hỏi ra mới biết, cô giáo Hạnh đang dạy ở trường cách xa nhà những 24km. Vậy nên chúng tôi vui vẻ chờ chủ nhân của sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đi dạy về. 

Cô giáo Tày làm món thạch đen Ocop 3 sao - Ảnh 1.

Cô giáo Chu Thị Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là chủ nhân của sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đầu tiên tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng.

Đón chúng tôi đến thăm cơ sở là cô giáo Hạnh với dáng vẻ nhỏ nhắn, giọng nói ấm áp và vẻ tự tin.

Mở đầu câu chuyện, cô giáo Hạnh kể: "Em quê ở xã Bắc Hùng, cách thị trấn Na Sầm 17km, điều kiện khó khăn lắm. Em được gửi ra nhà cô ruột để đi học từ khi mới 4 tuổi. Lúc học xong cấp 3, em thích theo ngành nông nghiệp nhưng nhà nghèo nên đã chọn ngành sư phạm để học vì không phải đóng học phí.

Ngay từ bé, gia đình đã làm thạch để ăn. Sau đó người làng thấy món thạch nhà em ngon hơn những gia đình khác nên đã nhờ làm. Em cũng được thừa hưởng những công thức làm ra món thạch đen của gia đình."

Tới năm 2009, chị Hạnh bắt đầu làm thạch để mang đi những nơi mình dạy học để bán. Vừa là cô giáo, vừa đi bán thạch nên lúc đầu Hạnh còn ngại ngần. Nhưng chị vẫn nghĩ, mình làm sản phẩm tốt, kiếm tiền một cách chính đáng thì không có gì phải ngại cả.

Hạnh kể tiếp, để làm được những mẻ thạch ưng ý và được khách hàng phản hồi tốt, đầu tiên phải chọn mua nguyên liệu là những cây thạch được bà con trồng trên nương. 

Sau khi phơi khô, cây thạch đen được loại bỏ rễ, nhặt sạch lá cây, mang rửa sạch, rồi đưa nấu trong khoảng 8 tiếng đồng hồ. 

Tới khi cây thạch nhừ và tạo ra dịch thạch, người nấu sẽ bỏ ra lọc sạch bã. Khâu cuối cùng là đưa bột năng, đường vào nấu để tạo ra món thạch. Sau khoảng 4 tiếng đồng hồ nấu mới đạt thành phẩm với yêu cầu sạch, thơm, khi ăn cảm nhận được độ giòn, mềm. 

Trước kia, để làm được một mẻ thạch đen phải mất 2 ngày. Nhưng hiện nay, quy trình sản xuất thạch đã có sự cải tiến với sự hỗ trợ của máy rửa, máy băm và hệ thống nồi hơi. Nhờ đó, thời gian để làm ra một mẻ thạch chỉ còn khoảng 8 tiếng. "Khi nào em nấu thạch là ai cũng biết, vì mùi thơm bay khắp xóm quanh nhà" - chị Hạnh cho biết. 

Cô giáo Tày làm món thạch đen Ocop 3 sao - Ảnh 2.

Giấy chứng nhận OCOP 3 sao cho sản phẩm Thạch Chu Hạnh. Ảnh: Gia Tưởng

Do được khách hàng tin tưởng, sản phẩm thạch đen với bí quyết rất riêng của cô giáo Hạnh đã tiêu thụ rất khả quan. Năm 2019, chị Hạnh đã chính thức đăng ký kinh doanh, lấy thương hiệu là "Thạch Chu Hạnh". 

Chị Hạnh chia sẻ: "Em xác định, sản phẩm của mình làm ra không chỉ dùng ngon miệng, mà còn không sử dụng chất bảo quản, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Chính vì vậy, năm 2020, sản phẩm thạch Chu Hạnh là sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn. Hiện tại, em vẫn không ngừng đổi mới, cải tiến trong khâu chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm" - chị Hạnh cho biết. 

Ước mơ về một sản phẩm thạch đen tốt cho cộng đồng

Theo cô giáo Hạnh, thạch đen là một loại dược liệu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể và được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa. 

Bởi vậy, nếu thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ thạch đen sẽ rất tốt cho sức khỏe của mọi người. Không phải tự nhiên mà sản phẩm thạch đen Lạng Sơn lại được thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... săn đón.

Cô giáo Tày làm món thạch đen Ocop 3 sao - Ảnh 3.

Những sản phẩm thạch Chu Hạnh được thị trường tin tưởng. Ảnh: NVCC

Cô giáo Hạnh chia sẻ, trước đây, đầu ra cây thạch đen hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Có những năm mất mùa, giá cây thạch đen khô lên tới 70.000 đồng/kg. Nhưng khi được mùa, giá cây thạch đen khô lại bị ép giá xuống còn rất thấp. Ví dụ như năm 2021, giá thạch đen khô xuống còn 17.000 đồng/kg, khiến bà con rất lo lắng, không yên tâm canh tác. 

"Nếu chúng ta tìm được đầu ra cho cây thạch đen bằng những sản phẩm chế biến chuyên sâu, em tin rằng cây thạch đen sẽ là cây làm giàu cho huyện miền núi Lạng Sơn này. Những người nông dân như bố mẹ, làng xóm em cũng sẽ không còn thấp thỏm bởi phụ thuộc vào những thương lái nước ngoài nữa" - cô giáo Hạnh bày tỏ.

Cô giáo Tày làm món thạch đen Ocop 3 sao - Ảnh 4.

Thạch Chu Hạnh thân thiện với khách hàng. Ảnh: NVCC

Hiện nay, sản phẩm thạch Chu Hạnh đã được bán tại thị trường TP.HCM, Bình Định, Quảng Trị, Hà Nội. Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng đã chọn thạch Chu Hạnh là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hỗ trợ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ngay tại thị trấn Nam Sầm.

Ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND Văn Lãng cho biết thêm, mới đây sản phẩm thạch đen Chu Hạnh đã vinh dự được đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn mang theo để mời các đại biểu Quốc hội cả nước. Theo đánh giá, món thạch đen Lạng Sơn tạo ấn tượng rất tốt đối với các đại biểu sau những phiên họp tập trung cao độ.  



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem