Cơ hội để doanh nghiệp địa ốc “gom” quỹ đất năm Covid-19 thứ 2

Quốc Hải Thứ tư, ngày 24/02/2021 18:16 PM (GMT+7)
Chiến lược M&A (mua bán - sáp nhập) không chỉ là chiếc “phao cứu sinh” giúp nhiều doanh nghiệp (DN) địa ốc mang về nguồn doanh thu, lợi nhuận trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, mà đây còn là cơ hội để các “ông lớn” địa ốc có tiềm lực tài chính bung tiền gom quỹ đất làm của để dành…
Bình luận 0

Khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với đó là những vướng mắc về pháp lý dự án đã gây áp lực nặng nề lên kế hoạch kinh doanh của nhiều DN địa ốc trong năm 2020. Vì thế, chiến lược M&A trở thành "cứu cánh" của nhiều DN địa ốc trong năm 2020 với những thương vụ lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cơ hội để doanh nghiệp địa ốc “gom” quỹ đất năm Covid-19 thứ 2 - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các DN có tiềm lực tài chính mạnh "gom" quỹ đất (Ảnh: IT)

Sân chơi này không chỉ giúp DN có tiềm lực tài chính nhanh chóng mở rộng thị phần, tăng tích lũy quỹ đất đầu tư, mà bên cạnh đó, M&A cũng giúp nhiều DN "bẻ lái" kết quả kinh doanh từ lỗ sang lãi.

"Phao cứu sinh" năm Covid-19

Cuối năm 2020, thị trường BĐS khu vực phía Nam dậy sóng trước thương vụ Công ty Keppel Land bán toàn bộ 30% vốn còn lại tại dự án Waterfront Đồng Nai cho Công ty CP Đầu tư Nam Long, thu về 1.951 tỷ đồng. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào nửa đầu năm 2021. 

Quá trình thanh toán được chia làm 2 đợt và Keppel Land ước tính, khoản lợi nhuận thu về đạt hơn 900 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2019, Keppel Land cũng đã bán 70% vốn tại dự án Waterfront Đồng Nai cho Nam Long với giá trị được công bố 2.300 tỷ đồng.

Như vậy, khi hoàn tất, Nam Long sẽ sở hữu 100% vốn tại dự án có diện tích 170 ha tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai.

Trong năm 2020, Công ty CP Đầu tư Quốc Cường Gia Lai cũng được chú ý nhờ thương vụ chuyển nhượng 99,9% dự án Tổ hợp căn hộ Sông Đà Riverside (quy mô hơn 28.000m2 tại quận Thủ Đức, TP.HCM) cho LDG Group với giá 626 tỷ đồng. 

Trước đó, Quốc Cường Gia Lai cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 49,9% cổ phần tại Công ty CP Bất động sản Sông Mã và giảm vốn điều lệ tại Công ty CP Bất động sản Quốc Cường Thuận An.

Những khoản chuyển nhượng này đã nâng doanh thu năm 2020 của Quốc Cường Gia Lai cao gấp 4,8 lần so với năm 2019.

Đầu tháng 12/2020, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) mua 21,49% vốn của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - HoSE: DIG). Giá trị giao dịch khoảng 1.450 tỷ đồng.

Trong năm 2020, Công ty CP Địa ốc Sài Gòn đã nhận chuyển nhượng thành công 20% phần vốn góp tại dự án Khu nhà ở phía Nam đường Xuyên Á (tại Tây Ninh) từ Công ty cổ phần Địa ốc 9. 

Cùng với đó, DN này cũng lên kế hoạch mua lại quỹ đất ở các thị trường lân cận TP.HCM và đang gấp rút hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng dự án Gem Premium (Thủ Đức, TP.HCM) cho Tập đoàn Đất Xanh.

Dù nguồn lợi thu về từ những khoản chuyển nhượng này chưa được công bố, nhưng chắc chắn, đó là con số không hề nhỏ đóng góp vào kết quả kinh doanh của DN địa ốc này trong thời gian tới.

Cơ hội để doanh nghiệp địa ốc “gom” quỹ đất năm Covid-19 thứ 2 - Ảnh 3.

Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc được giới đầu tư khá quan tâm (Ảnh: Quốc Hải)

M&A cũng là chiến lược được các "ông lớn" địa ốc khác thực hiện thành công trong năm 2020, mang về doanh thu và lợi nhuận "khủng".

Chẳng hạn, với Novaland, trung tuần tháng 6/2020, Novaland bán 40% (trên tổng số 83,45% vốn) tại Công ty CP Cảng Phú Định với giá gần 2.400 tỷ đồng. Giao dịch này mang về khoản lãi hơn 1.705 tỷ đồng. 

Đồng thời, tính đến hết tháng 9/2020 tập đoàn này cũng đã hoàn tất việc mua lại 99,98% Liberty với trị giá 1.400 tỷ đồng (công ty đang sở hữu 14,12% tại Thạch Mỹ Lợi - một dự án có quy mô gần 180ha tại Quận 2).

Được biết, năm 2020, Novaland đã nhận giải ngân tổng cộng 30.512 tỷ đồng cho các hoạt động M&A và đầu tư phát triển dự án.

LDG Group cũng là cái tên khá nổi bật trong làn sóng M&A khu vực phía Nam. Cụ thể, từ cuối năm 2019 đến nay cũng liên tục chuyển nhượng cổ phần tại các DN góp vốn.

Chẳng hạn, tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Gia Lộc, LDG Group chuyển nhượng 7,2 triệu cổ phần (90% vốn điều lệ), thu về ít nhất 350 tỷ đồng. Ngoài ra, DN này còn bán toàn bộ 99,9% cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Bình Nguyên, thu về ít nhất 482 tỷ đồng…

Sẵn sàng đón "sóng" M&A

Có thể thấy, sau mỗi giai đoạn khó khăn, thị trường BĐS lại hình thành nên một chu kỳ M&A mới với nhiều "tay chơi" nổi lên sau những thương vụ đình đám. Và, tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tạo ra cơ hội mới để các DN có tiềm lực tài chính mở cuộc "săn lùng" dự án ngay những ngày đầu tiên của năm 2021.

Cơ hội để doanh nghiệp địa ốc “gom” quỹ đất năm Covid-19 thứ 2 - Ảnh 4.

M&A dự án được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2021 (Ảnh: Quốc Hải)

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group - cho biết: Thực ra công việc M&A của các DN địa ốc là công việc thường trực, nếu nhìn thấy ở đâu có cơ hội tốt thì sẵn sàng mua luôn để phát triển. 

Tuy nhiên, khi mua thì phải xem xét vị trí dự án có đáp ứng nhu cầu của DN hay không, có thuận lợi hay không, pháp lý có ổn không; đặc biệt là khả năng tài chính của DN có đủ khả năng hay không ?

"Chính trong giai đoạn khó khăn này, đôi khi lại hình thành nên những cơ hội mới, đó là cơ hội để các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp có cơ hội mua lại các dự án bê trễ do những chủ đầu tư thiếu tiềm lực, thay vì trước đó quỹ đất này bị "om" để đó" - ông Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phúc, với Phú Đông Group thì nếu dự án 1.000-2.000 tỷ thì chúng tôi không tham gia, tại vì số tiền nhiều quá và chúng tôi phải để dành nguồn lực cho xây dựng, phát triển, nhưng nếu dự án đấu đó khoảng 500 tỷ thì chúng tôi sẽ suy nghĩ tham gia, song dự án đó cũng phải đáp ứng điều kiện về vị trí, tiềm năng… Trong năm nay, Phú Đông Group dự kiến sẽ M&A một số dự án ở Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM.

"Phú Đông Group đang có một dự án (khoảng 5ha) ở Nhơn Trạch, đã làm xong hết hạ tầng. Ngoài ra, Phú Đông Group cũng còn một số dự án chung cư đã làm xong pháp lý nhưng hiện nay chưa muốn mang ra mở bán do tình hình dịch bệnh còn phức tạp" -  ông Phúc chia sẻ thêm.

Đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, chiến lược trong năm 2021 của Tập đoàn là tiếp tục tăng cường M&A các quỹ đất lớn, đặc biệt là những khu vực vệ tinh phía Nam có bán kính cách TP. HCM 200 km trở lại, bởi đây là khu vực có nhiều triển vọng phát triển.

Ngoài ra, Novaland cũng tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các dự án hiện hữu như Nova Phan Thiết, Nova Hồ Tràm, Aqua... Đây là những dự án có quy mô lớn với chiến lược phát triển dài hơi trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo.

Nhận định về làn sóng M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho hay, từ đầu năm 2021, nhiều luật mới bắt đầu có hiệu lực, bao gồm cả Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng và điều này sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trước đây, tạo sự thông thoáng cho môi trường đầu tư, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản.

"Có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động M&A, thúc đẩy tái cấu trúc, mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cạnh tranh hơn. Đặc biệt, nếu vắc-xin Covid-19 được sử dụng rộng rãi thì nền kinh tế nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng, sẽ có sức bật mạnh mẽ hơn nhiều trong năm 2021 này", ông Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem