Cơ hội đổi mới toàn diện ngành chăn nuôi

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 24/10/2020 14:07 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi sản xuất thực phẩm toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tình hình dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, do đó cần có đổi mới toàn diện ngành chăn nuôi.
Bình luận 0

5 đề án ưu tiên thực hiện

Chiến lược phát triển Chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 10/2020. 

Mục tiêu đặt ra là phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi.

Cơ hội đổi mới toàn diện ngành chăn nuôi  - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất thịt lợn mát áp dụng công nghệ hiện đại tại Nhà máy MeatDeli Sài Gòn đặt tại huyện Đức Hoà (tỉnh Long An). Ảnh: Minh Huệ

Tại hội nghị triển khai chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 vừa tổ chức ở Nghệ An, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị một số bộ ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo 5 đề án lớn, xuyên suốt của ngành chăn nuôi, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện quyết định của Thủ tướng đi đúng hướng và có hiệu quả.

Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Thủ tướng cũng đã phê duyệt 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược: Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học – công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

Tạo đột phá toàn diện

Nhận định về tình hình chăn nuôi năm 2020, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, ngành nông nghiệp vẫn tạo được sự bứt phá ngoạn mục. Riêng lĩnh vực chăn nuôi, trong quý III/2020 tốc độ tăng trưởng đạt 9,67%, qua đó đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung của toàn ngành".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để làm tốt, hiệu quả, đòi hỏi phải triển khai quyết liệt, phải lao động nghiêm túc.

Để cụ thể hóa nhiệm vụ đặt ra, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định phải hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển (đất đai; tài chính và tín dụng; thương mại; khuyến nông và thông tin tuyên truyền). 

Đồng thời kết hợp nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm...

Cùng với đó, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp hỗ trợ; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y... Đặc biệt là chấm dứt ngay tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem