dd/mm/yyyy

Có mã số vùng trồng, nông sản được nâng tầm giá trị

Để nông sản đáp ứng hàng rào kỹ thuật trong xuất khẩu, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng vẫn còn rất thấp, mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực, công tác quản lý vùng trồng còn lỏng lẻo…

Mã số vùng trồng - tấm vé thông hành ra thế giới

Tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí (Quảng Ninh) hiện có gần 400ha trồng vải chín sớm, với sản lượng hàng năm khoảng 2.000 tấn. TP. Uông Bí đã phê duyệt Dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP và cấp mã số vùng trồng trên địa bàn.

Dự án được thực hiện trên 280ha vải chín sớm với khoảng 1.000 hộ tham gia, tổng mức đầu tư hơn 15,9 tỷ đồng, bao gồm 4 mục tiêu: An toàn cho thực phẩm; an toàn cho người sản xuất; bảo vệ môi trường và truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, 100% hộ dân tham gia thực hiện dự án sản xuất vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP đã cam kết thực hiện nghiêm túc chấp hành và áp dụng các biện pháp canh tác theo quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đảm bảo môi trường.

Có mã số vùng trồng, nông sản được nâng tầm giá trị - Ảnh 1.

Người dân phường Phương Nam, TP Uông Bí tiêu thụ vải chín sớm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Bà Nguyễn Thị Thì, một trong những hộ trồng vải khu Bạch Đằng, phường Phương Nam cho biết: Với 300 gốc vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, để quả vải đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn. Mọi tác động lên cây trồng trong 1 vụ, như đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc... đều được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Vụ vải năm nay, gia đình đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc ngay từ lúc cây chuẩn bị ra hoa, nhờ đó, cây vải cho chất lượng cao hơn hẳn.

Còn tại TX Đông Triều, việc cấp mã số vùng trồng cũng được xác định là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính.

Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Triều, cho biết: Ngay từ đầu năm, phòng đã bám sát các thông tin về xuất khẩu, thông qua nhóm zalo để tuyên truyền, cập nhật các tiêu chuẩn cơ sở xuất khẩu, hướng dẫn các địa phương, người dân có vùng trồng cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, chủ động thực hiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường xuất khẩu, hướng đến sản xuất theo nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường.

Thời gian qua, việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu. Theo đó, chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được công nhận mới được phép xuất khẩu sang các nước, tại Quảng Ninh chủ yếu là thị trường Trung Quốc...

Ông Nguyễn Trung Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Quảng Ninh), cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, nông sản được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác, sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất đến yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật.

Việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các điều kiện khắt khe về an toàn thực phẩm, mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.

Có mã số vùng trồng, nông sản được nâng tầm giá trị - Ảnh 3.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Đắk Lắk.

Mới đây nhất ngày 7/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước đó, từ ngày 12/8 đến 3/9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cử 25 cán bộ tiến hành kiểm tra trực tuyến 29 cơ sở đóng gói, 106 mã số vùng trồng sầu riêng, cơ sở đóng gói của Việt Nam để cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cán bộ quản lý một vườn sầu riêng của Công ty Chánh Thu ở xã Tân Hưng, Hớn Quản, Bình Phước cho biết, trong đợt đánh giá này, vườn đã được cán bộ Hải quan Trung Quốc đánh giá rất cao.

Phía Hải quan Trung Quốc liên tục đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc canh tác, chăm sóc sầu riêng, tại từng vườn sầu riêng, cán bộ kỹ thuật phải có máy quay quay cận cảnh từng cây một để cán bộ hải quan Trung Quốc theo dõi qua zoom.

Chia sẻ bí quyết để đạt được độ tín nhiệm cao của các cán bộ Hải quan Trung Quốc, ông Phong cho biết: "Các nhà vườn, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu thật kỹ các quy định của Nghị định thư và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, trong quá trình diễn giải phải đảm bảo sự logic, quan trọng là phải làm thật với chất lượng thật. Như vườn sầu riêng này của Chánh Thu đã đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, sầu riêng từ vườn này đã được cấp đông để xuất khẩu nên chúng tôi hoàn toàn tự tin"- ông Phong nói.

6 nhiệm vụ then chốt trong truy xuất mã số vùng trồng

Từ những ví dụ nêu trên, có thể thấy việc truy xuất mã số vùng trồng quan trọng như thế nào đối với nông sản xuất khẩu. Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; đồng thời giúp nông dân, người kinh doanh ý thức được các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Có mã số vùng trồng, nông sản được nâng tầm giá trị - Ảnh 4.

Nông dân chăm sóc thanh long xuất khẩu tại một vùng ở Tiền Giang. Ảnh: Trọng Khôi

Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Diện tích trồng trọt được cấp mã số vùng trồng còn quá ít và mới chỉ tập trung ở một số cây ăn quả chủ lực.

Công tác giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số tại một số địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm duy trì đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu. Đặc biệt, tình trạng "mạo danh" mã số và vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm hay phòng chống Covid- 19 của vùng trồng và cơ sở đóng gói vẫn tồn tại.

Nhằm khắc phục những hạn chế này, ngày 28/3/2022, Bộ NNPTNT đã ban hành Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Trong đó, nhấn mạnh nhiệm vụ thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững.

"Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước xuất khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những vấn đề kể trên gây ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế, cũng như kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp"

Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV

Trong Chỉ thị 1838/CT-BNN-BVTV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao ngành chức năng phải thực hiện 6 nhiệm vụ.

Một là, hoàn thiện xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; cập nhật tài liệu hướng dẫn về thiết lập và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để tập huấn cho các tổ chức, cá nhân liên quan.

Hai là, chủ động đàm phán với cơ quan kỹ thuật của nước xuất khẩu để mở cửa thị trường, tăng số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu; giải quyết các rào cản kỹ thuật để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Ba là, chủ trì, phối hợp địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Bốn là, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho từng đối tượng áp dụng (người nông dân, doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật địa phương...) về các quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm theo chuỗi, từ sản xuất đến xuất khẩu trên từng loại sản phẩm trồng trọt; đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ tiếp cận và dễ áp dụng.

Năm là, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu về vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo sử dụng dữ liệu hiệu quả và truy xuất nguồn gốc nhanh chóng, minh bạch.

Sáu là, phối hợp và hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở thực tế, đặc thù và nhu cầu của từng địa phương.

Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản


Danh Hùng