Có nên cấp phép bay cho Vietravel Airlines khi ngành hàng không đang "lao đao"?

Minh Hiếu Thứ tư, ngày 28/10/2020 09:16 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh ngành hàng không đang "lao đao" vì dịch Covid-19, tiếp đó là khó khăn của mưa bão, lũ lụt tại miền Trung, thế nhưng Bộ GTVT vẫn cố gắng "gỡ rối" để cấp phép bay cho Vietravel Airlines khiến cho dư luận hoài nghi về năng lực của Vietravel Airlines.
Bình luận 0

Mới đây, khi nhận được đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Trong công văn, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp thu các ý kiến của các Bộ, làm rõ năng lực tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo mức vốn tối thiểu theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines, trên cơ sở quyết định thời điểm và cấp phép bay cho Vietravel Airlines.

Có nên cấp phép bay cho Vietravel Airlines khi ngành hàng không đang "lao đao"? - Ảnh 1.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về việc cấp phép bay cho Vietravel Airlines.

Có nên cấp phép cho Vietravel Airlines?

Việc xem xét cấp phép cho Vietravel Airlines vào thời điểm này, đang được dư luận quan tâm về tính khả thi, đặc biệt là năng lực tài chính của Vietravel Airlines có đảm bảo duy trì được hoạt động trong bối cảnh ngành hàng không thế giới và Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn của ngành hàng không đã được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA dự báo, tính đến tháng 5/2020, Covid-19 đã "đốt" gần 50% (xấp xỉ 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không trên thế giới.

Đặc biệt, doanh thu hàng không trên thế giới giảm 419 tỷ USD, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD trong 2020, riêng châu Á - Thái Bình Dương lỗ 29 tỷ đồng.

Cũng chính từ những khó khăn do dịch Covid-19 gây đã có một số hãng hàng không tại các quốc gia tuyên bố phá sản như: Tập đoàn Virgin Australia đã quyết định đóng cửa hãng hàng không giá rẻ, Tigerair, sau 13 năm hoạt động. Tuyên bố chính thức được đưa ra trong email gửi khách ngày 10/9; Hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông Cathay Pacific Airways cũng đã cắt giảm tới 8.500 nhân viên để đối phó với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19; Hãng hàng không Thai Airways của Thái Lan cũng đã phải đệ đơn xin phá sản để tái cơ cấu.

Riêng với Việt Nam, IATA dự kiến các hãng Việt Nam mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó, Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ đồng. Theo IATA, ngành Hàng không toàn cầu cần phải có 3 năm nữa để trở lại mức hoạt động của năm 2019.

Tại Việt Nam khi dịch Covid-19 bùng phát các hãng hàng không và các chuyên gia kinh tế đã dự báo đến cuối 2020, nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ không còn hãng hàng không còn tiền trong tài khoản.

Các chuyên gia phân tích, hàng không là ngành có chi phí cố định lớn và biên lợi nhuận thấp, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuyến bay bị hủy, tàu bay "đắp chiếu" nằm sân lên tới hơn 90%.

Doanh nghiệp không có doanh thu trong khi tiền tích lũy khó có thể bù đắp được tất cả chi phí như vận hành, thuê tàu bay, bảo dưỡng. Đặc biệt là việc khách khách phải hoàn trả một lượng vé rất lớn khiến dòng tiền thâm hụt. Để cứu lấy mình, các hãng hàng không Việt đã cố gắng cắt giảm mọi chi phí hoạt động, dù Chính phủ và Bộ GTVT đã có các chính sách giảm các loại thuế, phí hoạt động.

Có nên cấp phép bay cho Vietravel Airlines khi ngành hàng không đang "lao đao"? - Ảnh 2.

Ngành hàng không sụt giảm doanh thu khi dịch Covid-19 bùng phát.

Cần làm rõ năng lực tài chính

Đáng chú ý, việc cấp phép bay cho Vietravel Airlines càng khiến dư luận lo lắng hoài nghi hơn khi Bộ Tài chính công bố không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietravel Airlines cũng như văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với hãng này.

Do đó, Bộ Tài chính chưa đủ cơ sở để cho ý kiến về việc xác nhận vốn của tổ chức tín dụng đối với Vietravel Airlines.

Bộ Tài chính cũng chỉ ra phương án kinh doanh của Vietravel Airlines có nhiều điều cần phải làm rõ, theo báo cáo tài chính quý 3/2019 và quý 2/2020 của Vietravel thì nguồn vốn Công ty Vietravel góp vốn thành lập Vietravel Airlines được lấy từ khoản phát hành trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi trong thời hạn 2 năm có tài sản đảm bảo là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Qua rà soát báo cáo tài chính công ty mẹ Vietravel Airlines, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tính đến 30/6/2020 là 1.578 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 682 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn + dài hạn là 942 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 10,8 lần, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế âm 65 tỷ đồng.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, các chỉ tiêu về tình hình tài chính nêu trên cho thấy nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid 19 còn có thể tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh như 6 tháng đầu năm 2020 thì Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021. Trong khi đó, dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác 2021.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cần lưu ý, làm rõ về năng lực tài chính của Công ty mẹ Vietravel trong việc đảm bảo các khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nhất là khoản trái phiếu được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines, đảm bảo không ảnh hưởng đến mức vốn tối thiểu phải duy trì theo quy định trong suốt quá trình hoạt động thường xuyên của Vietravel Airlines.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem