Có nên nới room ngoại lên 49% cho ba "ông lớn" Vietcombank, Vietinbank và BIDV?

Quốc Hải (thực hiện) Thứ tư, ngày 05/12/2018 17:42 PM (GMT+7)
Trao đổi với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, tiến sỹ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng chủ trương nới room ngoại cho 3 “ông lớn” ngân hàng là VietinBank, Vietcombank và BIDV từ 35% lên 49% của Chính phủ là cần thiết hơn bao giờ hết, để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế.
Bình luận 0

img

Trao đổi với Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt, tiến sỹ, luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay vì như thế không chỉ giúp các ngân hàng thu hút lượng vốn lớn của các nhà đầu tư nước ngoài, mà qua đó còn góp phần nâng cao năng lực về vốn, về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác của ngân hàng theo thông lệ quốc tế.

Có ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cần được đối xử công bằng như những ngành khác, theo đó cần nới room sở hữu nước ngoài để tăng sức hấp dẫn cũng như đáp ứng sự phù hợp của thông lệ quốc tế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Nghị định số 01/2014 (khoản 5, điều 7), là không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Tuy nhiên, hiện tại 3 trong 4 “ông lớn” ngành ngân hàng là BIDV, Vietinbank và Vietcombank đang có room nước ngoài là 35% và sắp tới định hướng của Chính phủ sẽ nới room này lên tới 49%. Theo tôi, chủ trương này là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Trong đó, Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ đảm bảo có quyền chi phối (51%) và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Dù vậy, với vị trí là trung gian tài chính quan trọng và có nhiệm vụ trên 70% trung chuyển vốn của nền kinh tế, trong khi các định chế tài chính khác chưa phát huy hết được vai trò của mình thì việc tiếp tục kiểm soát và giảm có lộ trình sở hữu Nhà nước tại các ngân hàng là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, giúp Nhà nước thực hiện và đạt được các cân đối lớn của nền kinh tế.

Có kịch bản rủi ro nào khi nới room nước ngoài lên 49% không, thưa ông?

Tôi không nói đến rủi ro mà chỉ nêu ra có 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, khi cho phép nước ngoài mua 49% cổ phần thì có thể sẽ xảy ra câu chuyện như hồi xưa Ngân hàng ANZ đầu tư vào một số ngân hàng của Việt Nam, sau đó ANZ có được “đòn bẩy” để đầu tư mở ngân hàng tại Việt Nam khi tiếp cận được khách hàng, cách quản trị...

Thứ 2, khi mở room lên 49% cũng khó tìm được đối tác chiến lược thực sự, khi đó nhà đầu tư nước ngoài cũng có rất nhiều quyền (nắm 49%, sẽ có 4 ghế trong HĐQT) và sẽ có những tác động nhất định đến chiến lược của ngân hàng. 

Thứ 3, câu chuyện mở room này cũng tương tự như câu chuyện nhượng quyền thương mại, khi đó việc nhà đầu tư nước ngoài có quyền biểu quyết nhiều vấn đề nên có thể sẽ ảnh hưởng đến thông tin khách hàng, câu chuyện bí mật kinh doanh...

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, khi mở room nước ngoài lên 49% thì khi đó có thể khách hàng gửi tiền sẽ yên tâm hơn; nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ cử nhân sự, kinh nghiệm về quản trị, điều hành... khi đó câu chuyện về quản trị rủi ro sẽ tốt hơn.

Thay vì mở room nước ngoài, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhiều lần tỏ dấu hiệu có thể bán 100% vốn ở những ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông thì việc này có khả thi và kết quả của chủ trương này hiện nay như thế nào?

Thực tế, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với việc hỗ trợ tối đa và vực dậy đối với ngân hàng yếu kém và ổn định hệ thống. Bởi, theo lộ trình và sự thay đổi của pháp luật, các ngân hàng yếu kém (vốn điều lệ thấp, âm vốn, quản trị điều hành kém, chiếm thị phần thấp...) cần được M&A vào ngân hàng lớn khác hoặc chuyển giao bắt buộc, hoặc thậm chí phá sản nếu không còn giải pháp nào tốt hơn. Vì vậy, phương án bán vốn 100% cho nước ngoài cũng là một giải pháp tốt cần nghiên cứu.

Tuy nhiên, hiện nay thì chưa có ngân hàng nhỏ hoặc yếu kém nào được bán 100% cho nhà đầu tư nước ngoài do cơ chế pháp luật chưa kịp thay đổi, và việc thỏa thuận giá cả giữa các bên cũng không hề dễ dàng.

Các ngân hàng hiện đang gấp rút chuẩn bị cho Basel II, trong đó có yêu cầu về tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc siết room nước ngoài chặt như hiện nay cũng đang “làm khó” các ngân hàng nội địa trong việc hút vốn từ nước ngoài. Theo ông thì các ngân hàng nên làm gì?

Các ngân hàng vẫn có rất nhiều cách để tuân thủ về quy định tỷ lệ an toàn vốn trong Basel II. Riêng về việc quản lý room nước ngoài, ngày 8.8.2018 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 986 phê duyệt chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, trong đó nêu cụ thể hướng giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 3 ngân hàng lớn (BIDV, Vietinbank và Vietcombank), đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51%, điều này cũng có nghĩa các ngân hàng sẽ có điều kiện hút vốn từ nước ngoài khi sở hữu Nhà nước giảm từ mức 65% sở hữu hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Tài Chính cũng đang soạn thảo sửa đổi Luật Chứng khoán với ý định dỡ hạn chế sở hữu nước ngoài với doanh nghiệp Nhà nước và công ty niêm yết vào cuối năm 2019. Theo đó, giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực hàng không và ngân hàng dự kiến được nâng nhưng không vượt quá 50%.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem