Cổ phiếu HDB giảm, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “hụt” 1.174 tỷ đồng

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 24/05/2018 18:13 PM (GMT+7)
Cổ phiếu HDB từng giao dịch ở giá sàn và chỉ thoát sàn sau phiên ATC, cộng thêm việc cổ phiếu VJC giảm 6.500 đồng/cổ phiếu (3.65%) đã khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm 1.174,43 tỷ đồng (3,75%) sau phiên giao dịch ngày 24.5.
Bình luận 0

Hai tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo chia nửa buồn-vui

TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch chiều 24.5 tiếp tục xuất hiện nhiều dấu hiệu ảm đạm. Càng về cuối phiên, lực bán càng gia tăng ở các cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tạo tác động xấu tới chỉ số VnIndex.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.5, VnIndex giảm 3,02 điểm (0,31%) còn 985,92 điểm, HNX-Index giảm 1,04 điểm (0,88%) còn 117,07 và Upcom-Index giảm 0,19 điểm còn 53,88 điểm.

Thanh khoản thị trường chỉ bằng 2/3 so với phiên ngày hôm qua khi khối lượng giao dịch đạt 163,1 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt 4.648,8 tỷ đồng. Trong đó có 602 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24.5, VnIndex giảm 3,02 điểm (0,31%) còn 985,92 điểm

Sau phiên tăng giá ngày 23.5, thanh khoản "mất hút" trong phiên giao dịch ngày 24.5. Nhóm cổ phiếu ngân hàng gồm VCB, ACB, BID, CTG, VPB… giao dịch ở mức giá đỏ với lực mua yếu ớt.

Nhóm này là động lực thúc đẩy chỉ số trong quý 1, nhưng cũng chính là tác nhân tiêu cực nhất với thị trường trong thời gian gần đây.

Trong phiên giao dịch ngày 24.5, ngoại trừ EIB, nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào tăng. HDB giảm 5,8% về 35.500 đồng, khớp lệnh 2,36 triệu đơn vị; VCB giảm 2,2% về 53.300 đồng và khớp 1,3 triệu đơn vị; CTG giảm 2,3% về 27.350 đồng, khớp lệnh 2,6 triệu đơn vị; BID giảm 2,6% về 29.650 đồng, khớp lệnh 1,08 triệu đơn vị; VPB giảm 2,2% về 44.100 đồng, khớp lệnh 1,83 triệu đơn vị. MBB, STB và TPB cũng giảm điểm nhẹ, nhưng chỉ MBB và STB có thanh khoản cao, đạt tương ứng 4,27 triệu và 3,47 triệu đơn vị.

img

Giá trị giao dịch của cổ phiếu HDB đã về gần sát giá chào sàn thời điểm đầu năm 2018

Theo thống kê, trong số 5 mã ảnh hưởng tiêu cực đến VnIndex nhiều nhất tại phiên giao dịch ngày 24.5, nhóm ngân hàng đóng góp tới 4 cái tên gồm VCB, BID, CTG, VPB.

Cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát Triển TP.HCM (HDBank) cũng trải qua một phiên giao dịch thiếu tích cực khi bị khối ngoại bán ra gần 1,2 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu HDB đã có lúc giao dịch ở giá sàn và chỉ thoát sàn sau phiên ATC.

Ngoài nhóm ngân hàng, các bluechips khác như VJC, CTD, ROS cũng giảm sâu góp phần đè nặng lên chỉ số trong đó ROS đóng cửa ở mức giá sàn. TCM cũng bất ngờ giảm sàn với lượng khớp lệnh trong phiên ATC bằng 1/2 khối lượng giao dịch trong ngày.

img

Tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm 1.174,43 tỷ đồng (3,75%) sau phiên giao dịch ngày 24.5

Điều này đã gây tác động tới tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank và ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Cụ thể, tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm 1.174,43 tỷ đồng (3,75%) do cổ phiếu VJC giảm 6.500 đồng/cổ phiếu (3.65%) xuống còn 171.500 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu HDB giảm 2.200 đồng/cổ phiếu (5.84%) xuống 35.500 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, việc cổ phiếu ART tăng nhẹ 100 đồng/cổ phiếu (1,19%) chỉ giúp làm giảm mức độ “bốc hơi” tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết xuống 6,64%, tương ứng với 1.577,51 tỷ đồng do cổ phiếu ROS giảm sàn, còn giá trị giao dịch của cổ phiếu FLC giảm 1.18%.

img

Giá trị giao dịch của cổ phiếu ROS liên tục suy giảm trong 1 tháng vừa qua

Ở phía ngược lại, VHM, VIC,HPG, VNM là những cổ phiếu bluechips tăng giá để nâng đỡ cho thị trường, trong đó riêng VHM đã giúp VNIndex tăng gần 2,5 điểm trong phiên hôm nay.

Điều này đã giúp tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 796,37 tỷ đồng (1,07%) lên 75.365,19   tỷ đồng. Con số này còn cách khá xa so với mức tài sản 95.000 tỷ đồng mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng đạt được cách đây ít tuần.

Cổ đông Vietjet Airs hưởng niềm vui

Ngày 17.5 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức của Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC).

Theo đó, UBCKNN đề nghị Vietjet thực hiện việc phát hành cổ phiếu theo phương án đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Được biết, các cổ đông trong đại hội này đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 60%, trong đó 40% tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.

Hội đồng quản trị Vietjet đã thông qua ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu là ngày 2.7.2018, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 29.6.2018.

Mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 2 cổ phiếu mới. Sau khi trả cổ tức, vốn điều lệ của của Vietjet sẽ tăng từ 4,513 tỷ đồng lên hơn 5,416 tỷ đồng. Trước đó, Công ty đã chi trả 40% cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt.

Những năm qua, Vietjet đều chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao, có năm trên 100%. Năm 2018, Công ty thông qua kế hoạch chia cổ tức 50%.Tag: ttck việt nam, VnIndex, cổ phiếu hdb, cổ phiếu vjc, cổ phiếu vic, cổ phiếu vhm, tỷ phú phạm nhật vượng, tỷ phú nguyễn thị phương thảo, tài sản tỷ phú phạm nhật vượng, tài sản tỷ phú nguyễn thị phương thảo, vietjet airs

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem