Cổ phiếu ngành gạo kỳ vọng “bứt phá” với những ưu đãi thuế quan từ các FTA

Quốc Hải Thứ ba, ngày 13/04/2021 16:22 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang tận dụng rất hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA, khiến cho xuất khẩu mặt hàng này ngày càng hứa hẹn những kỷ lục tăng trưởng mới trong năm 2021…
Bình luận 0

Vượt qua đối thủ Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu trong quý 1/2021 bình quân đạt 547 USD/tấn, tăng tới 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cổ phiếu ngành gạo kỳ vọng “bứt phá” với những ưu đãi thuế quan từ các FTA - Ảnh 1.

Các chuyên gia thăm lúa vụ Đông Xuân

"Gam màu sáng" trong bức tranh xuất khẩu ảm đạm

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2021 đạt 1,1 triệu tấn với giá trị 606 triệu USD, giảm 30,4% về khối lượng và giảm 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, dù kim ngạch xuất khẩu gạo giảm cả về khối lượng lẫn giá trị, nhưng bù lại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.

Theo cập nhật mới nhất, ngày 13/4, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên thị trường thế giới ở mức 483-487 USD/tấn và 458-462 USD/tấn với gạo 25% tấm. Mức giá này đã giảm mạnh 35 USD/tấn so với đỉnh điểm hồi tháng 3 (ở mức 518-522 USD/tấn với gạo 5% tấm; gạo 25% tấm ở mức 488-492 USD/tấn).

Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan, hiện đang ở mức thấp từ 480-483 USD/tấn, còn Ấn Độ là 408-412 USD/tấn.

Vì sao giá gạo tăng mạnh nhưng xuất khẩu lại giảm về khối lượng lẫn giá trị? Giải thích điều này, các DN xuất khẩu gạo cho hay, thời gian qua ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, ngành gạo nói riêng đã mất lợi thế vì chi phí logistics quá cao (chi phí vận chuyển tăng, thiếu container…). Trong khi đó, các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ dù điều chỉnh giá giảm nhưng đồng Baht và Rupee của các nước này giảm giá so với đôla Mỹ đã giúp họ có giá gạo xuất khẩu khá cạnh tranh.

Cổ phiếu ngành gạo kỳ vọng “bứt phá” với những ưu đãi thuế quan từ các FTA - Ảnh 3.

Nông dân thu hoạch lúa ở ĐBSCL (Ảnh: TL)

Có lẽ, bởi những nguyên nhân này nên dù giá gạo xuất khẩu tăng mạnh trong quý 1/2021, nhưng trên thị trường tài chính, cổ phiếu nhóm ngành gạo vẫn khá "ảm đạm".

Chẳng hạn, cổ phiếu LTG của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trong phiên giao dịch 13/4 hiện đứng ở mức giá 32.600 đồng/CP, giảm mạnh so với mức giá 36.300 đồng/CP thiết lập từ đầu tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, nếu so với hồi cuối năm 2020 thì mã chứng khoán này đã tăng khoảng hơn 30% giá trị.

Tương tự, cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang cũng tăng 26,6% so với thời điểm cuối năm 2020, lên vùng giá 15.000 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Trái ngược, vẫn có những cổ phiếu ngành gạo có mức giảm mạnh. Đơn cử, cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh và xuất khẩu gạo thương hiệu, có khả năng sản xuất hơn 360.000 tấn gạo/năm. 

Theo đó, cổ phiếu TAR đã giảm 16,4% trong năm 2020. Từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu này tiếp tục giảm khoảng 10% xuống còn 22.900 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Đà giảm của cổ phiếu TAR là khó lý giải khi DN này liên tục trúng thầu các lô xuất khẩu gạo lớn. Mới nhất, TAR đã trúng thầu bán 11.236 tấn gạo lứt hạt dài sang thị trường Hàn Quốc (Mức giá trúng thầu lên tới 584 USD/tấn - giá CIF).

Trước đó, hồi đầu tháng 1/2021, TAR cũng đã xuất khẩu hàng 1.600 tấn gạo thơm đi hai thị trường Singapore và Malaysia.

Cổ phiếu ngành gạo kỳ vọng “bứt phá” với những ưu đãi thuế quan từ các FTA - Ảnh 5.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh nhất 10 năm qua...

Hoặc, cổ phiếu NSC của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - doanh nghiệp nội địa có thị phần số 1 Việt Nam trong mảng kinh doanh giống cây trồng chiếm khoảng 20% thị phần, có khả năng sản xuất hơn 140.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm - cũng giảm gần 10% trong năm 2020. 

Thời gian gần đây, mã chứng khoán này "tiên phong" chuyển sàn từ HoSE sang HNX trong bối cảnh sàn HoSE liên tục nghẽn lệnh. Tuy nhiên, từ khi chuyển sản đến nay, cổ phiếu này cũng liên tục sụt giảm, hiện chỉ ở mức 73.000 đồng/CP, giảm 2.000 đồng/CP.

Kỳ vọng từ quý II/2021, xuất khẩu sẽ tăng mạnh

Trong một báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) về ngành lúa gạo, FPTS cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2021,  kỳ vọng doanh thu toàn ngành tăng trưởng ở mức 1,6% so với năm 2020. Đặc biệt, giá gạo thế giới tiếp tục ở mức cao, kỳ vọng giúp ngành lúa gạo Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu ở cả thị trường truyền thống và các thị trường mới, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu gạo cao cấp đem lại giá trị gia tăng cao từ các hiệp định thương mại.

Cụ thể, theo FPTS, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 tại Việt Nam, tạo cơ hội xuất khẩu gạo tới các quốc gia trong khối. FPTS đánh giá, ngành gạo Việt Nam có cơ hội tại thị trường Australia và Singapore khi cả hai quốc gia này đều đã xóa bỏ thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

Cổ phiếu ngành gạo kỳ vọng “bứt phá” với những ưu đãi thuế quan từ các FTA - Ảnh 6.

Nông dân miền Tây vận chuyển lúa sau thu hoạch

Đối với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mang lại nhiều lợi ích cho ngành gạo Việt Nam. Theo đó, EU sẽ miễn thuế nhập khẩu cho 80.000 tấn gạo từ Việt Nam, xấp xỉ 3,3% sản lượng nhập khẩu hàng năm của EU, bao gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo thơm.

Trước khi ký và thực thi Hiệp định EVFTA, Việt Nam chỉ xuất khẩu 50.000 tấn gạo (năm 2019) trong khi nhu cầu gạo ở Châu Âu ở mức 2,3 triệu tấn và phải chịu mức thuế 65-211 EUR/tấn. Việc miễn thuế nhập khẩu được kỳ vọng đem lại lợi thế cho gạo Việt Nam tại thị trường EU so với một số quốc gia xuất khẩu khác như Campuchia và Myanmar (chiếm hơn 30% thị phần gạo nhập khẩu của EU trong năm 2019) khi bị áp mức thuế 125 EUR/tấn tới hết năm 2021.

"Đây chính là những tín hiệu cho thấy, EU đang là thị trường rất tiềm năng trong năm 2021 và những năm tới, khi dư địa còn rất lớn" - FPTS, đánh giá.

Ngoài ra, trong khuôn khổ FTA - Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo theo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Cộng hòa Armenia 400 tấn, Cộng hòa Belarus 9.600 tấn.

Hiệp định UKVFTA giữa Vương quốc Anh và Việt Nam cũng tạo điều kiện để gạo Việt Nam vào được thị trường này với dư địa rất lớn. Khi thực thi UKVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch. Tuy nhiên, các thị trường cấp cao đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao.

Còn theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhóm hàng lúa gạo đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có. Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán.

"Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, Châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan, kỳ vọng xuất khẩu ngành gạo Việt sẽ tăng tốc từ quý 2/2021", đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định.

Có 207 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Tính đến ngày 23/3/2021, cả nước có 207 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo (theo công bố của Cục Xuất nhập khẩu). Theo danh sách này, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 44 doanh nghiệp, tiếp đến là TP.HCM có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 21 doanh nghiệp; Đồng Tháp 19 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Kiên Giang, Nghệ An có 7 doanh nghiệp; Vĩnh Long 6 doanh nghiệp…

Một số địa phương chỉ có một thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Định, Hà Tĩnh, Nam Định...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem