Cổ phiếu ngành hàng không “sấp mặt” vì virus Corona

Quốc Hải Thứ năm, ngày 06/02/2020 06:00 AM (GMT+7)
Hàng không được xem là ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi dịch virus Corona (nCov) với việc số lượng khách du lịch sụt giảm và việc buộc phải cắt giảm các chuyến bay tới vùng có dịch. Đây là lý do từ phiên khai xuân đến nay, cổ phiếu ngành hàng không đều giảm sâu như Vietjet Air (VJC) giảm 14,3%, Vietnam Airlines (HVN) giảm 18,6%...
Bình luận 0

Theo dự báo của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus Corona, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc.

img

Ngành hàng không được dự báo bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch virus Corona (Ảnh: IT)

Cổ phiếu liên tục “đỏ sàn”

“Ngấm đòn” đau nhất những ngày sau tết nguyên đán 2020 này có lẽ là cổ phiếu VJC (Vietjet Air) của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Kể từ phiên giao dịch 31/1 đến nay, mã chứng khoán này có 3 phiên đỏ sàn liên tiếp, khiến giá trị cổ phiếu bị “bay” mất 14,3%, tương ứng mất khoảng 21.300 đồng/CP so với thời điểm trước tết. Hiện, cổ phiếu VJC đang được giao dịch ở mức giá 126.900 đồng/CP.

Theo diễn biến tình hình dịch virus Corona, mới đây nhất, Vietjet thông báo dừng tất cả các chuyến bay đi/đến Trung quốc đại lục từ ngày 1/2/2020. Tất cả các đường bay quốc tế khác, kể cả đường bay đến Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc) vẫn khai thác bình thường.

Cũng “sấp mặt” kể từ sau tết nguyên đán 2020 đến nay là mã chứng khoán HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines; HoSE: HVN).

Cụ thể, kể từ phiên giao dịch đầu tiên sau tết nguyên đán (phiên giao dịch ngày 30/1), cổ phiếu HVN có 4 phiên đỏ sàn liên tiếp (trong đó có 2 phiên liên tiếp giảm kịch sàn). Cổ phiếu HVN theo đó cũng “bốc hơi” mất 6.100 đồng/CP, tương ứng giảm khoảng 18,6% so với thời điểm trước tết. Hiện cổ phiếu HVN đang được giao dịch ở mức giá 26.700 đồng/CP (phiên giao dịch ngày 5/2).

Tuy nhiên, hiện Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã công bố sẽ ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hongkong, Ma Cao và Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 1/2/2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ 2 sau thị trường Đông Bắc Á; tuy nhiên, nếu tính cả các chuyến bay thuê chuyến, đây có thể là thị trường lớn nhất của hàng không Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu nhóm ngành hàng không liên tục “đỏ sàn” bởi ảnh hưởng của dịch virus Corona là chưa thể đoán định sẽ kéo dài trong bao lâu.

Không chỉ có ngành hàng không, ngành dịch vụ sân bay cũng được đánh giá là bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch virus Corona. Nguyên nhân là vì hành khách từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng số lượt khách của Việt Nam trong năm 2019, và con số này sẽ giảm mạnh trong ngắn hạn. Các hoạt động vận chuyển hàng hóa liên quan đến Trung Quốc cũng sẽ giảm do nhu cầu từ tiêu dùng của Trung Quốc thấp hơn và hoạt động sản xuất bị hạn chế.

Vì thế, nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ sân bay như: ACV, AST, NCT, SCS cũng được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng.

Triển vọng ngành hàng không ra sao trong năm 2020?

Theo SSI Research, ước tính tổng quy mô đội tàu nội địa của Việt Nam sẽ đạt 196 máy bay vào cuối năm 2019. Hai yếu tố sẽ gia tăng “sức ép” cho ngành hàng không, đó là việc có thêm công ty mới gia nhập thị trường và tăng trưởng về quy mô đội tàu của những công ty hiện tại.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, theo CAAV, Bamboo Airways đã giành thị phần nội địa từ cả HVN và VJC. Nhóm các hãng thuộc Vietnam Airlines (HVN-JPA-VASCO) đã mất 1,2% thị phần xuống còn 54,8% (từ 56% vào cuối năm 2018), trong khi VJC mất 2,8% thị phần (từ 44% vào cuối năm 2018 xuống còn 41,2 % vào 9 tháng 2019). Điều này dẫn đến thu nhập giảm sút.

Trong 9 tháng năm 2019, lợi nhuận gộp của công ty mẹ VJC (không bao gồm bán quyền mua máy bay) giảm -10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của HVN trong 9 tháng năm 2019 cũng giảm -1,5% so với cùng kỳ.

Cụ thể, Kite Air và Viettravel Airlines đều có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ giữa đến cuối năm 2020, mặc dù cả hai công ty đều đang chờ phê duyệt cuối cùng về Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC). Trong trường hợp AOC được phê duyệt, tổng số hãng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng từ 5 đến 7 hãng hàng không. Hai công ty mới này đều đặt kế hoạch bắt đầu bằng các tuyến bay ngắn đến các thành phố nhỏ hơn so với tập trung vào các tuyến chính (Hà Nội - TP.HCM) do không còn chỗ trống tại các điểm đến đó.

Riêng Viettravel, hãng hàng không này dự kiến sẽ tập trung vào phục vụ khách du lịch hiện tại của chính mình (khoảng 1 triệu khách/năm và tăng 15% mỗi năm) bay đến các điểm du lịch ở Việt Nam và các nơi khác ở châu Á.

Theo Cục hàng không Việt Nam (CAAV), Vietnam Airlines sẽ tăng quy mô đội bay lên 107 máy bay vào năm 2020 và 135 máy bay vào năm 2025 (so với 100 máy bay vào năm 2019). VietJet cũng có kế hoạch tăng đội bay lên 96 máy bay vào năm 2020 và 200 máy bay vào năm 2025 (so với 71 máy bay vào năm 2019). Trong trường hợp kế hoạch trên được phê duyệt kể từ năm 2020, hai công ty này sẽ đưa vào sử dụng 8 máy bay vào năm 2020 và 38 máy bay cho đến năm 2025.

Do đó, ước tính cạnh tranh sẽ tăng thêm vào năm 2020, dẫn đến giảm sản lượng hành khách và hệ số tải cho mỗi máy bay. Mặt khác, SSI Research ước tính giá nhiên liệu trung bình năm 2020 sẽ giảm -3% YoY dựa trên giả định giá dầu thô Brent là 62 USD/ thùng. Giá nhiên liệu đi xuống sẽ giảm áp lực chi phí cho các hãng hàng không.

Về mặt tích cực, có thể thấy rằng tăng trưởng sản lượng hành khách ước tính vẫn đạt khoảng 13% trong năm 2020, cũng như chi phí nhiên liệu giảm và đồng VND giảm giá ở mức thấp có thể hỗ trợ lợi nhuận ròng của các công ty.

Dù vậy, ngành hàng không có thể đối mặt với các rủi ro khi kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn từ chi phí nhiên liệu, lợi nhuận ròng có thể biến động mạnh trong trường hợp chi phí nhiên liệu dao động lớn, chẳng hạn như do các yếu tố tác động bên ngoài từ Trung Đông, hoặc căng thẳng địa chính trị khác có thể phát sinh vào năm 2020.

Bên cạnh đó, việc hạn chế công suất tại các sân bay chính như Nội Bài hoặc Tân Sơn Nhất sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng cho tất cả hãng hàng không cho đến khi các dự án mở rộng mới hoàn thành (dự án gần nhất là T3 Tân Sơn Nhất, vào năm 2022-2023).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem