Cổ phiếu nông nghiệp: STB tăng mạnh trước tin ông Đặng Văn Thành mua 20% CP

Ngân Nguyễn Thứ hai, ngày 03/04/2017 21:21 PM (GMT+7)
Cổ phiếu STB hôm nay đã có phiên tăng mạnh, thậm chí có lúc tăng trần, trước thông tin Nova Group đề xuất mua lại 20% cổ phần của Sacombank thông qua việc phát hành cổ phiếu mới. Trước đó, ông Đặng Văn Thành cùng hai quỹ đầu tư của nước ngoài cũng đã ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu của Sacombank.
Bình luận 0

Khép lại phiên giao dịch ngày 3.4, hai chỉ số đóng cửa tăng nhẹ, thanh khoản vẫn duy trì xấp xỉ những phiên giao dịch trước và sự phân hóa vẫn trên thị trường vẫn đang diễn ra do ảnh hưởng từ những dự báo về kết quả kinh doanh quý I và thông tin từ ĐHCĐ các doanh nghiệp niêm yết. Cụ thể, chỉ số VnIndex tăng 0,07 điểm (0,01%) lên 722,38 điểm; Hnx-Index tăng 0,1 điểm (0,11%) lên 90,92 điểm.

Khối ngoại hôm nay mua ròng nhẹ trên sàn HOSE và HNX với giá trị mua ròng lần lượt là 63,4 tỷ đồng và 14,6 tỷ đồng. VNM, HPG, HSG là những mã được mua ròng tích cực nhất, trong khi VCB, HBC và PVD là những mã bị bán ròng mạnh.

Cụ thể, VNM tiếp tục được khối ngoại “gom hàng” khá mạnh trong phiên hôm nay với 88,26 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, VNM tăng 1.000 đồng (0,7%) lên 144.300 đồng.

Top 5 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên còn có HPG (30,2 tỷ đồng), HSG (16,66 tỷ đồng), VJC (12,3 tỷ đồng), VHC (7,48 tỷ đồng).

Phía bán ròng, VCB đứng đầu danh sách với 29,52 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong top bán ròng lần lượt là HBC (26,86 tỷ đồng), PVD (17,84 tỷ đồng), DXG (13,92 tỷ đồng), SAB (9,05 tỷ đồng).

img

Nikkei công bố lĩnh vực sản xuất của Việt Nam kết thúc quý I.2017 với kết quả tích cực, chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI đã tăng từ mức 54,2 điểm hồi tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3, cao nhất trong 22 tháng. Bên cạnh đó, Nikkei cũng nhận xét các điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện ở mức đáng kể nhất kể từ tháng 5.2015.

PMI tăng mạnh trong quý I nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh trong tháng 3, lượng việc làm đã tăng gần bằng mức kỷ lục khi các công ty vẫn lạc quan rằng khối lượng công việc sẽ tiếp tục tăng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Cổ phiếu ngành dầu khí đa phần vẫn có diễn biến tiêu cực mặc dù giá dầu đã hồi phục khá mạnh mẽ trong những phiên gần đây, dự báo KQKD quý I.2017 kém tích cực của các doanh nghiệp dầu khí có thể là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chưa mặn mà lắm với nhóm cổ phiếu này. Trong khi đó, cổ phiếu ngành BĐS tiếp tục thu hút được sự chú ý với hàng loạt mã tăng điểm mạnh như KDH, PDR, DXG, SCR, LCG, NLG, LDG, QCG.

Cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa giữa nhóm NHTM cổ phần có vốn Nhà nước và nhóm NHTM cổ phần tư nhân, theo đó, VCB, CTG và BID giảm điểm, SHB, STB, EIB, ACB tăng và trong đó nổi bật có STB tăng trần. Mã này tăng trần sau khi Nova Group đề xuất mua lại 20% cổ phần của Sacombank thông qua việc phát hành cổ phiếu mới.

Trước đó, ông Đặng Văn Thành (nguyên Chủ tịch Sacombank) cùng hai quỹ đầu tư của nước ngoài cũng đã ngỏ ý muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu của Sacombank. Sacombank hiện đang có tỷ lệ nợ xấu cao và đang rất cần nguồn vốn để thực hiện việc tái cơ cấu.

Việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và muốn góp vốn vào Sacombank là tín hiệu tốt đối với ngân hàng. Tuy nhiên việc tái cơ cấu sẽ không diễn ra nhanh chóng mà có thể mất rất nhiều năm, ngoài ra, việc giới hạn room ngoại cũng là một trở ngại đối với việc tái cơ cấu Sacombank.

Về cổ phiếu nông nghiệp, nhóm cổ phiếu đường khởi sắc với thanh khoản khá tốt, BHS tăng 2% với gần 2 triệu cổ phiếu khớp trong phiên, SBT tăng 0,8%, khớp gần 1 triệu cổ phiếu, LSS tăng 1,9%, khớp trên 300 nghìn cổ phiếu. ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu phân bón giảm mạnh: DPM (-1,2%), DCM (-1,9%), SFG (-1,2%)…

- Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) đăng ký đấu giá 19.600 cp CTCP Chế biến Kinh doanh Lương thực Thực phẩm Hà Nội (HaNoiFood) với giá tham chiếu 1.050.600 đồng/cp, tức gấp hơn 10 lần mệnh giá (100.000 đồng/cp). Các lĩnh vực hoạt động chính của Công ty Hanoifood gồm: Sản xuất các loại nước giải khát có gas và nước hoa quả; Sản xuất chế biến thực phẩm ăn liền; Xuất khẩu gạo; Kinh doanh và xuất nhập khẩu lương thực, thực phẩm.

- Bộ NNPTNT cho biết, trong ba tháng đầu năm, Việt Nam đã chi trên 180 triệu USD nhập khẩu các loại thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng ba, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trên đạt gần 60 triệu USD. Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam chủ yếu nhập thuốc trừ sâu và nguyên liệu từ Trung Quốc, thị trường này hiện chiếm trên 50% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trên của Việt Nam. Cùng với Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam cũng tăng ở thị trường Ấn Độ, Đức và Thái Lan, với giá trị tăng lần lượt là gần 30%, 25%, 35% và 17%.

imgimgimg

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem