Cổ phiếu Novaland liệu có trở thành Blue chip?

Nguyễn Tường Thứ ba, ngày 27/12/2016 07:30 AM (GMT+7)
Nếu có một sự kiện được trông đợi nhất thị trường BĐS hiện tại, thì đó chính là việc ông lớn Novaland (mã NVL) chính thức lên sàn. Dự đoán của các chuyên gia địa ốc, với nền tảng đang có, dự báo NVL sẽ có nhiều phiên kịch trần và khả năng lọt nhóm blue chip là rất lớn.
Bình luận 0

img

Ông lớn Novaland IPO đang là sự kiện “nóng” của thị trường BĐS

Giải mã sức hút

Ngày 28.12, NVL sẽ chính thức “chào sàn” với giá tham chiếu 50.000 đồng/CP.Với gần 590 triệu CP phổ thông được niêm yết, tạm tính theo giá tham chiếu chào sàn là 50.000 đồng/cp, vốn hóa của Novaland sẽ lên đến gần 29.500 tỷ đồng – tương ứng xấp xỉ 1,3 tỷ USD. Hiện CP giao dịch trên thị trường OTC quanh ngưỡng 60.000 đồng/CP, nghĩa là tại mức giá này, vốn hóa của Novaland sẽ đạt gần 36.000 tỷ đồng. Hiện nay, để gia nhập top 10 CP có vốn hóa lớn nhất thị trường cần mức vốn hóa tối thiểu 35.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu Novaland lên sàn và giao dịch ở mức giá 6.0, nghiễm nhiên sẽ lọt vào nhóm vốn hóa hàng đầu.

Tại sao CP NVL lại tạo nên hấp lực khủng khiếp như vậy?Câu trả lời nằm ở quỹ đất, dòng vốn và thương hiệu có sức hút lớn của doanh nghiệp này.Liên tục trong nhiều năm, Novaland đã âm thầm thực hiện chiến lược “thâu tóm” quỹ đất.Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm, quỹ đất “sạch” chính là nguồn lực lớn của doanh nghiệp này.Novaland có hơn 40 dự án với hơn 9,8 triệu m2 sàn xây dựng, trong đó hầu hết các dự án có sự đa dạng, đắc địa về vị trí, trải rộng khắp các khu vực trọng điểm của TP.HCM, cùng một số tỉnh, thành phố tiềm năng khác. Trước thời điểm IPO, Novaland tung siêu dự án biệt thự Lake View City ở quận 2, TP.HCM, “tấn công” thị trường Đà Nẵng bằng tổ hợp 4 dự án lớn.

Sự xuất hiện của chuỗi cà phê Sài Gòn tại hầu khắp những vị trí đắc địa của thành phố, cộng với việc ra đời của thương hiệu sữa Anka từng dấy lên hồ nghi về việc Novaland đang sử dụng bài toán tạo tài sản trước thời điểm IPO. Tuy nhiên, lãnh đạo của tập đoàn này khẳng định với Dân Việt, đó là bài toán riêng của những thành viên HĐQT và không liên quan đến tập đoàn.

Về cơ bản, Novaland vẫn là doanh nghiệp thuần địa ốc và hấp lực đến từ việc thành công trên thị trường BĐS.Không chỉ hút nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn.Vị thế của tập đoàn này đã được các quỹ ngoại săn đón từ lâu.Tháng 6.2015, Quỹ VOF của VinaCapitalđã giải ngân 15 triệu USD thuộc khoản đầu tư hợp vốn trị giá 47 triệu USD để mua cổ phần ưu đãi chuyển đổi của Novaland. Novaland cũng vừa thực hiện thêm một đợt chào bán riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức lớn, uy tín trong và ngoài nước, với tổng số lượng cổ phần huy động 52,2 triệu đơn vị, tổng giá trị vốn huy động thành công là 2.610 tỷ đồng.

Kịch bản nào cho NVL?

Chuyên gia địa ốc Phan Công Chánh phân tích: Đối với một nhà đầu tư nhỏ lẻ, tiềm năng của một doanh nghiệp, nhất là dòng tiền là những yếu tố được xem xét kỹ nhất. Thương hiệu Novaland thuộc vào hàng uy tín nhất thị trường BĐS với chuỗi sản phẩm giá trị lớn cũng quỹ đất vàng thông qua chiến lược M&A, chắc chắn là mục tiêu săn đón.

Theo ông Chánh, Novaland cũng sẽ có những rủi ro nhất định khi thị trường đang có sức cạnh tranh lớn và quỹ đất đang dần thu hẹp. Tuy nhiên, với tiềm lực sẵn có và giá niêm yết 50.000 đồng/CP, chắc chắn sẽ tạo nên cơn sốt.“Chắc chắn cổ phiếu NVL sẽ kịch trần nhiều phiên liên tiếp”- ông Chánh nói.

“Rất có thể, cổ phiếu NVL sẽ vào nhóm Blue Chip dựa trên nguồn lực và tín hiệu thị trường thời gian gần đây”- Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển có cùng nhận định.Theo ông Hiển, việc CP Novaland có mệnh giá cao hơn cả Vingroup là vì đây là cố phiếu thuần BĐS sản. Thị trường BĐS đang có hấp lực tốt, cộng với việc DN này xây dựng được vị thế, đó là các yếu tố “cộng hưởng” đẩy giá trị CP lên cao. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, việc CP NVL có duy trì được phong độ đường dài hay không phụ thuộc vào chính tình hình BĐS. “Bản thân Novaland cũng phải giải quyết tốt bài toán quỹ đất và sản phẩm đường dài”- ông Hiển nói.

Ý kiến của nhiều chuyên gia khác cho rằng, sự hiện diện của Novaland trong nhóm vốn hóa có thể giúp số lượng CP BĐS nhiều hơn và đương nhiên sẽ củng cố vị thế của CP BĐS.Giá của một loạt CP BĐS trên sàn đa phần rong tầm 20.000 đồng/CP trở xuống.NVL sẽ nằm trong nhóm CP BĐS có thị giá cao bậc nhất thị trường.

Gia đình ông Bùi Thành Nhơn gia nhập nhóm tỷ USD

Tại thời điểm lên sàn, chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cùng con trai, ông Bùi Cao Nhật Quân nắm giữ 26,4% cổ phần của Novaland. Ông Nhơn còn gián tiếp nắm giữ 38,9% cổ phần thông qua 2 công ty Novagroup và Diamond Properties. Cả 2 công ty này do ông Nhơn cùng vợ và 2 con sở hữu 100% vốn.Tổng cộng ông Nhơn và gia đình đang nắm giữ gần 65,4% cổ phần của Novaland Group. Nếu cổ phiếu Novaland tăng hết biên độ 20% trong phiên giao dịch đầu tiên lên 60.000 đồng/cp – tương đương với mức giá giao dịch trên OTC thì lượng cổ phiếu do gia đình ông Nhơn nắm giữ sẽ lên đến 23.400 tỷ đồng, tức hơn 1 tỷ USD. Chỉ tính riêng lượng cổ phiếu cá nhân, ông Nhơn cũng trở thành người giàu thứ 4 trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem