Cổ phiếu SHB lại gây “sốc” với nhà đầu tư

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 12/04/2020 18:43 PM (GMT+7)
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, cổ phiếu SHB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội) đạt mức giá 17.500 đồng/CP, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu tháng 2 và đang ở “đỉnh” cao nhất trong vòng 10 năm qua, bất chấp dịch Covid-19 thời gian qua liên tục “nhấn chìm” thị trường chứng khoán Việt.
Bình luận 0

Cụ thể, với mức giá 17.500 đồng/CP, SHB đã tăng tới 11.500 đồng/CP, cao gấp hơn 2,9 lần so với thời điểm đầu tháng 2 (ở vùng giá 6.000 đồng/CP). Mức giá này cũng đạt “đỉnh” của SHB trong vòng 10 năm trở lại đây.

img

Cổ phiếu SHB của bầu Hiển lại gây "sốc" với nhà đầu tư sau phiên giao dịch 10/4 (Ảnh: IT)

Cổ phiếu duy nhất ở nhóm ngân hàng “ngược dòng” thị trường

Dựa trên dữ liệu thống kê tại 18 ngân hàng đang niêm yết trên 2 sàn HoSE, HNX và đăng ký giao dịch trên UPCoM tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (10/4), hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều theo xu hướng giảm. Theo thống kê, các mã giảm mạnh nhất lần lượt là BIDV (BID; giảm 33,5%); HDBank (HDB; giảm 33,2%); MBBank (MBB; giảm 31%); Techcombank (TCB; giảm 30,7%); Sacombank (STB; giảm 27,9%); Vietcombank (VCB; giảm 25,2%);..

Đà giảm của cổ phiếu khiến vốn hóa của các ngân hàng cũng “bốc hơi” mạnh. Theo đó, so với mức đóng cửa hồi đầu năm, vốn hóa của “ông lớn” VCB đã bốc hơi hơn 88.642 tỷ đồng, chỉ còn hơn 261.846tỷ đồng. Còn BID đã mất hơn 40.220 tỷ đồng vốn hóa, về mức hơn 148.412 tỷ đồng. Trong khi đó, tại các ngân hàng TMCP tư nhân, vốn hóa Techcombank (TCB) chỉ còn hơn 59.804 tỷ đồng, giảm 25.599 tỷ đồng so với đầu năm. MBBank (MBB) cũng có vốn hóa giảm tới 16.879 tỷ đồng, còn gần 37,497 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Tại HDBank, vốn hóa của nhà băng này cũng mất hơn 9.610 tỷ đồng, còn gần 19.318 tỷ đồng. Những nhà băng còn lại có mức giảm từ 11%-25% vốn hóa.

img

Giá cổ phiếu SHB tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 10/4, bên cạnh hàng loạt các mã cổ phiếu ngân hàng khác đều đỏ sàn hoặc đứng giá

Có thể thấy, trong 18 ngân hàng niêm yết trên thị trường, có đến 17 ngân hàng có cổ phiếu giảm giá. Chỉ duy nhất SHB là tăng giá mạnh. Đà tăng giá của cổ phiếu này đến thời điểm hiện tại theo giới đầu tư thì… “chẳng thể lý giải nổi”. Càng ngạc nhiên hơn, khi gần đây SHB phát hành hơn 251 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, lượng cổ phiếu được dự kiến sẽ giao dịch trong tháng 3 khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng những thông tin này sẽ gây áp lực khiến giá cổ phiếu SHB sẽ giảm, tuy nhiên những diễn biến trên thị trường lại đang ngược lại.

Trên khá nhiều diễn đàn chứng khoán, giới đầu tư đều khá “sốc” về giá cổ phiếu SHB. Nhiều nhà đầu tư, kể cả giới phân tích đến từ các công ty chứng khoán đều chỉ có thể lý giải là SHB đang có hiện tượng làm giá, hoặc có “đội lái”… không hơn. Và có thể SHB sẽ giữ “phong độ” cho đến hết ngày 27/4 – hạn chót để chào bán hơn 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 4:1).

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu SHB đạt mức giá 17.500 đồng/CP, chính thức “vượt mặt” một loạt các ngân hàng TMCP tư nhân khác như Techcombank (16.750 đồng/CP); MBBank (15.550 đồng/CP); Sacombank (9.010 đồng/CP) và tiến sát gần đến mức giá của các ngân hàng Vietinbank (19.450 đồng/CP); HDBank (20.000 đồng/CP); ACB (19.800 đồng/CP)…

Con trai ông Đỗ Quang Hiển thắng lớn

Trước đó hồi cuối tháng 1, ông Đỗ Vinh Quang, con trai của Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã đầu tư mua vào 36 triệu cổ phiếu của ngân hàng này theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2. Trong khoảng thời gian ông Quang thực hiện giao dịch, giá cổ phiếu SHB trên thị trường chỉ dao động quanh mức 6.000-6.500 đồng/CP, tương đương với tổng giá trị từ 215-235 tỷ đồng. Với vùng giá hiện nay, số tiền bỏ ra ban đầu của ông Quang đã có lãi gần 3 lần. Lợi nhuận “khủng” mà ông Vinh đạt được trong bối cảnh thị trường chung suy thoái vì Covid-19 khiến nhiều người phải xuýt xoa.

Hiện, số lượng cổ phiếu SHB mà ông Quang sở hữu đang chiếm gần 3% vốn cổ phần của ngân hàng SHB.

Ở một diễn biến khác, ngày 3/4 SHB phát đi thông tin cho biết đã điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm lợi nhuận tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, với nguyên nhân được lý giải là do khó khăn vì dịch Covid-19. Hiện tại SHB vẫn chưa công bố kế hoạch kinh doanh cụ thể của năm 2020, song trong năm 2019, ngân hàng này có lãi trước thuế 3.077 tỷ đồng, cao hơn gần gấp rưỡi so với năm 2018. Ngoài ra, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của SHB đạt 366.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Vốn điều lệ đạt 14.551 tỷ đồng. Huy động vốn đạt 337.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2018.

Cùng với tăng trưởng về quy mô hoạt động và huy động vốn, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 265.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 22% so với cuối năm 2018. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ với tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh về mức 1,8%.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem